Nâng cao chất lượng dân số
Từng bước nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở Quảng Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, công tác dân số vẫn còn nhiều thách thức.
Sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Nhiều giải pháp
Theo bác sĩ Phan Đình Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, một trong những hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số mà ngành dân số đang tập trung thực hiện là sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Hiện nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đã triển khai hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về chương trình này và thực hiện sàng lọc chẩn đoán trước sinh - sơ sinh. “Bên cạnh các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chi phí thực hiện dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm và sơ sinh đối với 2 bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh; cán bộ làm công tác dân số khuyến khích người dân không thuộc diện nhà nước hỗ trợ tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo hình thức xã hội hóa hoặc tự chi trả giá dịch vụ tại các cơ sở y tế” - bác sĩ Nhân nói. Trong số 400 ca sàng lọc sơ sinh thông qua lấy máu gót chân trẻ trong Chương trình mục tiêu y tế - dân số, có 28 trẻ nghi thiếu men G6PD và cán bộ y tế đã tư vấn, hướng dẫn cho gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế để lấy máu lần 2 xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Cùng với chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, ngành dân số còn đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc khỏe sinh sản vị thành niên, chăm sóc phụ nữ mang thai và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, xem đó là những mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, đợt 1 chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ năm 2018 vừa được thực hiện tại 218 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Bên cạnh gói dịch vụ về KHHGĐ, đã có gần 22 nghìn người - bao gồm nữ vị thành niên, phụ nữ mang thai - được tư vấn về SKSS và được thăm khám phụ khoa. Hay trong các buổi nói chuyện chuyên đề dành cho hơn 2.500 lượt người được tổ chức ở Phú Ninh, Núi Thành, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Nông Sơn... từ đầu năm đến nay, các nội dung được ưu tiên chuyển tải vẫn là chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân... Trong khi đó, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tại gia đình, cơ sở chăm sóc tập trung nhằm giúp người già sống vui, sống khỏe, giảm nỗi đau bệnh tật, tăng tuổi thọ thông qua khám bệnh, cấp phát thuốc, tập dưỡng sinh... là những hoạt động chủ yếu mà các địa phương, các hội đoàn thể tập trung thực hiện, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Khó kiểm soát cân bằng giới tính
Thời gian qua, ngành y tế đã tổ chức nhiều hoạt động để thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền các nội dung của đề án như tư vấn trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Đình Nhân, nhận thức của một bộ phận người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ - trong đó có vấn đề giới tính, vẫn còn hạn chế. “Tư tưởng trọng nam hơn nữ, mong muốn phải có con trai để nối dõi tông đường, dòng họ còn ăn sâu trong một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, một số người dân muốn sinh thêm con để dự phòng các rủi ro, bất trắc trong cuộc sống...” - bác sĩ Nhân nói. Thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho thấy, tỷ lệ trẻ em là con thứ 3 trở lên tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn chiếm tới 14,88% tổng số trẻ ra đời trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm 2018 của Quảng Nam là 108,76 bé trai/ bé gái tăng 0,96 điểm % so với cùng kỳ 2017 (107,80 bé trai/bé gái). Trong số 9 địa phương báo cáo kết quả việc rà soát số trẻ em sinh ra tính đến ngày 30.6.2018 (gồm Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn, Hiệp Đức, Núi Thành, Đại Lộc, Quế Sơn, Phú Ninh và Tam Kỳ), địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất là Hiệp Đức 120,77 bé trai/100 bé gái, Nông Sơn: 119,57 bé trai/100 bé gái.
CHÂU NỮ