Xã Dang còn lắm gian nan
Xã Dang (Tây Giang) đã đổi thay khi điện - đường đã vươn về nhiều thôn bản. Những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản ngược xuôi khi 16 cây số đường từ huyện đến trung tâm xã đã được đổ bê tông. Diện mạo xã Dang đã khởi sắc hơn, dẫu còn lắm bộn bề, gian nan…
Tuyến đường dài 16 cây số vào xã Dang đã được bê tông khang trang xóa bao cách trở. Ảnh: H.LIÊN |
Tái thiết
Cách đây 2 năm, cả xã Dang bị cô lập bởi tuyến độc đạo đến trung tâm xã là con đường đất, mưa lầy nắng bụi, chuyện tắc đường do sạt lở vào mùa mưa lũ xảy ra như cơm bữa. Xã Dang hôm nay đã đổi khác, khi tuyến đường 16 cây số dẫn từ huyện đến trung tâm xã và các thôn lân cận đã được bê tông hóa. Có đường, đời sống, sinh hoạt người dân cải thiện đáng kể. Cả xã có 8/10 thôn đã có điện lưới quốc gia (trừ Arui, Z’lao). Arui đang tái thiết mặt bằng, cả thôn có 63 hộ dân, trong đó 45 hộ từ làng cũ di dời đến sau trận mưa lũ lớn cuối năm 2017 đang bắt tay xây dựng nhà cửa. Trên nền đất san ủi, người dân Arui xây dựng đời sống mới. Còn Z’lao là thôn cách biệt, nằm trên lòng hồ thủy điện. Người dân không còn cảnh chèo thuyền độc mộc giữa lòng hồ để đi lại mà đã có con đường đất được cơi nới dẫn đến tận thôn làng.
Theo Chủ tịch UBND xã Dang Nguyễn Thanh Tâm, có đường đến Z’lao, ai nấy không còn nơm nớp lo cảnh bà con đi lại bằng phương tiện thô sơ trên lòng hồ. Bây giờ, có thể bắt gặp những chuyến xe chở vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng đến xã Dang, rồi những chuyến xe chở nông sản về xuôi mang theo nấm rừng, măng, mật ong, sắn, lúa rẫy… Củ sắn, buồng chuối người dân làm ra có thể trở thành sản phẩm đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Cũng theo ông Tâm, dù là xã nghèo nhất nhì huyện nhưng điều đáng mừng là hệ thống trường lớp khá ổn định, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, mạnh thường quân, đặc biệt là sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo vệ trẻ em (COV). Ngay cả Arui, thôn mới tái thiết cũng có một trường học vừa khánh thành, một trường đang xây dựng. Thôn nào ở xã Dang cũng có trường, lớp, cụm lớp với bậc mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS. Tổ chức COV mới đây còn hỗ trợ 500 triệu đồng để mua tấm lợp, giúp 45 hộ dân Arui vừa di dời có đủ điều kiện lợp nhà, bên cạnh nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nhà nước.
Ngoài được hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng với 3.600ha, người dân xã Dang đã trồng được 197ha keo lai Úc, bên cạnh vài chục héc ta lúa nước, kể cả diện tích lúa nếp than rẫy, chuối mốc, sắn... Từ nguồn hỗ trợ con giống, thức ăn, chi phí sắm dụng cụ, một nhóm hộ đã chủ động thả nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện bước đầu có thu nhập. Nhiều thôn làng mất đất sản xuất đã tích cực phát triển chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, xã Dang có đàn gia súc lên tới 500 con, nhiều nhất huyện. Từ cây lúa rẫy độc canh, chính quyền xã và người dân tích cực đưa kỹ thuật SRI vào sản xuất, thâm canh cây lúa nước với năng suất đạt 43 - 45 tạ/ha. Cây lúa nếp than, đặc sản của xã Dang trên đà xây dựng thương hiệu với diện tích không ngừng được mở rộng trên rẫy (50 - 60ha).
Gian nan giảm nghèo
Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, 30a... hộ nghèo xã Dang được hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2018, xã Dang chú trọng vận động nhân dân phát triển mô hình chăn nuôi gia trại tập trung, đồng thời khảo sát lại đất rừng, đất sản xuất, chọn giống cây trồng hợp lý để giúp dân thoát nghèo. Diện tích nuôi cá lồng bè dự kiến sẽ mở rộng nhằm hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện… Ông Phạm Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, để từng bước giảm nghèo, địa phương vận động người dân trồng các giống rau củ quả, phát triển chăn nuôi. Chính quyền đã vận động nhân dân thôn K’la, K’tiếc ủng hộ đất đai, hoa màu để thi công sớm cầu bản qua suối Aranh; họp dân thôn K’xêêng để triển khai công trình nước sinh hoạt; làm việc với thôn Z’lao triển khai san ủi mặt bằng tái định cư… Từ năm 2018, xã dự kiến hỗ trợ giống cây lòn bon Tiên Phước đến thôn Z’lao để giúp dân cải thiện kinh tế, vừa tạo sản phẩm phục vụ du lịch, bởi Z’lao đang tính đến hướng kết nối với Hang Gợp của Đông Giang thành điểm đến du lịch, bên cạnh vùng trồng cây ăn quả. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cấp điện cho vùng “lõm” Arui và Z’lao.
Cũng theo ông Sáu, toàn xã có 13 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2017 theo Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND tỉnh. Công tác giảm nghèo được triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/HU của Huyện ủy Tây Giang thực hiện “9 có, xóa dần 5 không”. Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xã Dang cũng nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phát triển kinh tế để thoát nghèo bằng cách phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trồng ớt xiêm, lúa nếp than tạo sản phẩm giao thương. Tuy nhien, theo ông Phạm Sáu, công tác giảm nghèo ở xã Dang còn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, kinh tế - xã hội còn phát triển chậm, diện tích gieo trồng giảm, năng suất canh tác thấp do không có thủy lợi. Người dân dù cố gắng phát triển chăn nuôi nhưng vẫn còn tình trạng thả rông súc vật, không chuồng trại, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Giao thông còn cách trở ở một số vùng khiến việc tiêu thụ hàng hóa gặp khó. Không ít hộ dân còn trông chờ ỷ lại, chưa có tinh thần tự giác vươn lên thoát nghèo.
Xã Dang có 2 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy điện A Vương là 2 thôn Alua và K’la và 2 thôn bị ảnh hưởng gián tiếp là Z’lao và Ađâu. Tại các thôn này, đời sống người dân còn khó khăn do nhà cửa còn tạm bợ, đất sản xuất không có. Hầu hết người dân Alua và K’la dù đã được xây dựng nhà ở mới song không phù hợp, thiếu đất sản xuất nên người dân bỏ đi các thôn khác trú ngụ, làm ăn, nhiều nhất là Ađâu. “Việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người nghèo ổn định đời sống là câu chuyện còn nhiều gian nan, nhọc nhằn. Nguyên nhân chủ yếu là vì mất đất sản xuất, việc hỗ trợ đền bù từ dự án thủy điện chưa quan tâm đến sinh kế bền vững gắn với đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm nên người dân xã Dang cứ luẩn quẩn trong cái khó, cái nghèo. Lời giải cho bài toán “hậu thủy điện” vẫn còn bỏ ngỏ...” - ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Dang, nói.
HOÀNG LIÊN