Gia tăng tử vong do tai nạn giao thông: Nỗi lo thành hiện thực

CÔNG TÚ 10/07/2018 14:02

Mất an toàn giao thông (ATGT) rình rập tính mạng người dân từng được cảnh báo bùng phát nay đã thành sự thật nhói lòng, khi số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) 6 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Cần xóa dần các lối đi từ đường bộ băng qua đường sắt tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: C.TÚ
Cần xóa dần các lối đi từ đường bộ băng qua đường sắt tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: C.TÚ

Tăng người tử vong  

Sáu tháng đầu năm nay, người chết do TNGT gia tăng ở 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quảng Nam là một trong số đó và nằm trong “top 10” có nạn nhân tử vong gia tăng hơn 20%. Cụ thể hơn, 109 vụ TNGT  khiến 86 người chết và bị thương 70 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ giảm 1 (giảm 0,9%), giảm 13 người bị thương (giảm 15,7%) song tăng đến 15 người chết (tăng 21,1%). Đáng chú ý, TNGT đường sắt với 3 vụ xảy ra khiến 3 trường hợp tử vong. So sánh cùng kỳ năm trước, số vụ và số người chết đều tăng đến 200%. Sự việc nghiêm trọng vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện đi trên đường bộ băng ngang đường sắt mà không quan sát, kể cả cố tình băng qua bất kể hệ thống cảnh báo tự động. Những tháng đầu năm, các cấp đã đầu tư đường gom để xóa được 8 lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp) qua xã Tam Nghĩa, Núi Thành. Song với 68 lối đi tự mở còn tồn tại, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn là rất cao.

Đường bộ tiếp tục áp đảo với 106 vụ TNGT đã làm chết 83 người. So với cùng kỳ năm 2017, trường hợp tử vong tăng lên 13 người. Phân tích của ngành chức năng cho biết, nguyên nhân thương vong cao chủ yếu là vì điều khiển phương tiện ô tô (39 xe), mô tô (55 xe) đi sai làn đường, phần đường; vượt sai quy định; chuyển hướng không quan sát; không nhường đường; sai quy trình thao tác lái xe. Ảnh hưởng bởi công trình giao thông, do người đi bộ, tránh xe và nhiều nguyên nhân khác cũng đã để lại hậu quả tang tóc trên đường bộ.

Địa điểm xảy ra trên quốc lộ (QL), tỉnh lộ, đường nội thị và giao thông nông thôn, trong đó QL chiếm đến 54 vụ; thời gian xảy ra tai nạn nằm ở khung 12 - 18 giờ (43 vụ), 18 - 24 giờ (37 trường hợp). Điều đáng nói, nạn nhân và tác nhân là nam chiếm 96 số vụ. Đối tượng phần lớn nằm ở độ tuổi từ 18 đến hơn 55, riêng từ 18 đến dưới 55 tuổi có tới 92 trường hợp. Dưới 18 tuổi chỉ ghi nhận 2 trường hợp, nhưng thuộc vụ rất nghiêm trọng trên tuyến ĐT609, đoạn qua huyện Đại Lộc. Đó là đầu tháng 6 vừa qua, 3 em học sinh vừa học xong lớp 8, Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Đại Nghĩa) đi chung mô tô có dung tích xi-lanh trên 50cm3, đầu không đội mũ bảo hiểm. Do không làm chủ được tay lái, người điều khiển xe đã tông vào máy trộn bê tông trong sân nhà hộ dân ven đường, thuộc xã Đại Quang. Hậu quả, 1 em bị chấn thương, 2 người bạn xấu số kia thì tử vong.

Trách nhiệm là trên hết

Có thể nói, Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng cấp tỉnh đã nỗ lực sớm ban hành kế hoạch và quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho Năm ATGT năm 2018 có chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Vậy nhưng, nạn nhân tử vong lại tăng cao, TNGT diễn ra nhức nhối. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã phê bình người đứng đầu một số địa phương không tham dự. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, đây là cuộc họp liên quan đến lĩnh vực đặc biệt quan trọng (tính mạng con người - PV) nên phải huy động trí tuệ đóng góp của tập thể nhằm đề ra giải pháp để thực hiện hiệu quả. Qua thực tế địa phương cấp huyện, PV ghi nhận nhiều người đứng đầu cấp xã, trực tiếp là Trưởng ban ATGT chỉ cử cấp phó thay mình dự họp, rất khó truyền đạt chuẩn xác các ý kiến, chỉ đạo liên quan. Do vậy, tại hội nghị vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Ban ATGT cấp tỉnh tham mưu để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng có liên quan về công tác phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, quản lý hành lang ATGT trên địa bàn phụ trách.     

Để kiềm chế và kéo giảm TNGT 6 tháng cuối năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã đề nghị các thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các địa phương và đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân. Trước mắt, Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với các bên liên quan tuyên truyền theo các chuyên đề. Ngoài phối hợp tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh vào lớp 1 năm học 2018 - 2019, Ban ATGT tỉnh sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương có tình hình trật tự ATGT phức tạp, TNGT tăng cao.

Sở Giao thông vận tải được giao trách nhiệm ưu tiên sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để xóa “điểm đen” TNGT; xử lý dứt điểm điểm tiềm ẩn mất ATGT, các đoạn đèo dốc nguy hiểm và làm gờ giảm tốc, lắp đủ biển cảnh báo nguy hiểm tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt thuộc quốc lộ ủy thác, tỉnh lộ. Công an tỉnh chỉ đạo cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra kiểm soát, đẩy mạnh tuần tra lưu động để xử lý vi phạm trên các lĩnh vực, theo các chuyên đề. Trong tháng 9, Sở GD-ĐT phải phát động “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh tới trường”. Đối với Ban ATGT cấp huyện, Ban ATGT tỉnh yêu cầu tăng cường cảnh giới tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có đường sắt đi qua phải gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn nếu để phát sinh lối đi tự mở; có cơ chế tạo nguồn kinh phí xây dựng đường gom để xóa dần lối đi dân sinh.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ