Giảm sử dụng đồ nhựa để cứu tương lai
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã có nhiều hoạt động, chương trình truyền thông kêu gọi giảm sử dụng đồ nhựa trên toàn thế giới. Trong khu vực Nam Trung Bộ, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong thời gian qua cũng được chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền.
Ký cam kết thực hiện chương trình “Cù Lao Chàm nói không với ông hút nhựa”. Ảnh: MINH HẢI |
Mối nguy hại của sự tiện lợi
Theo IUCN, chỉ mới xuất hiện 60 - 70 năm nay, nhưng với đặc tính tiện lợi, gọn nhẹ, nhựa đã trở thành vật dụng phổ biến trong đời sống con người và dần trở thành sát thủ tận diệt môi trường. Bởi nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường rất chậm, phải mất hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Cho đến nay, thế giới đã sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa nhưng có đến 6,3 tỷ tấn hiện là rác thải. Chúng ta sai lầm khi cho rằng phần lớn nhựa sẽ được tái chế, nhưng sự thật chưa đến 9%, 12% tiêu hủy bằng cách đốt, 79% còn lại nằm khắp ngõ ngách của trái đất...
Tại Việt Nam, mỗi năm thải ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và nằm trong top 5 của thế giới. Trung bình người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày. Những con số này buộc chúng ta phải nhìn lại thói quen tiêu dùng, sử dụng ny lon và hành vi vứt rác vô tội vạ. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trong đó 50% là dân số trẻ, số này mỗi ngày dùng ít nhất một ly nước uống cùng với 1 ống hút nhựa thì sẽ thải ra môi trường khối lượng chất thải khổng lồ không thể phân hủy. Ngoài ra, những ống hút mang đủ loại màu sắc bắt mắt được làm từ màu công nghiệp hoặc chất huỳnh quang, là chất cấm trong thực phẩm, có khả năng gây ung thư. “Rõ là những vật dụng từ nhựa rất tiện lợi, chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào các vật dụng nhựa dùng một lần, điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường cũng như sức khỏe của chính chúng ta” - bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học (thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường) chia sẻ hôm dự lễ kỷ niệm 9 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chung tay giảm rác thải nhựa
Cù Lao Chàm, sau 9 năm nói không với túi ny lon thành công, mới đây đã phát động chiến dịch nói không với ông hút nhựa. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng người dân Cù Lao Chàm đã thực hiện tốt chương trình không sử dụng túi ny lon trên đảo, thì từ nhận thức cao này, sẽ giúp họ dễ dàng nói không với ống hút nhựa. Còn ông Lê Ngọc Thảo - Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho rằng, với việc không sử dụng ống hút nhựa, các sản phẩm từ nhựa và thay vào đó là những việc làm đầy ý nghĩa như xách giỏ đi chợ, tận dụng giấy, báo để làm bao bì thay thế cho túi ny lon hay việc khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác một cách văn minh, có kiểm soát sẽ tạo được một Cù Lao Chàm rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng thực hiện được. “Chính từ điều này đã thu hút được các nhà nghiên cứu, các tổ chức giáo dục, đào tạo và những tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới đến với khu sinh quyển của chúng ta” - ông Thảo bày tỏ.
Nhưng chỉ mỗi sự nỗ lực của Cù Lao Chàm không là chưa đủ, vì chất thải nhựa trong môi trường biển tự do “di cư” và nơi chúng cập đến, sẽ bị ảnh hưởng dù ngay cả khi người dân địa phương không thải ra ngoài. Chính điều này, mà IUCN đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về giảm các loại chất thải nhựa ra biển tại một số khu vực biển đảo ở Việt Nam. Mới đây nhất, vào ngày 31.5, tại đảo Lý Sơn, IUCN đã phối hợp với Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và phát triển cộng đồng (Live & Learn), Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật (HSI), Khu Bảo tồn biển Lý Sơn và Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Ngày hội môi trường tại đảo Lý Sơn.
Với chương trình truyền thông “Giảm một chai, cứu tương lai” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6 và Tuần lễ Biển và hải đảo tại Việt Nam từ ngày 1 - 8.6, mục tiêu của chương trình còn hướng đến là góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng chai nhựa dùng một lần tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn; góp phần làm giảm rác thải nhựa; bảo tồn các loài sinh vật biển trong đó có rùa biển và bảo vệ môi trường biển đảo Lý Sơn. “Chúng tôi kêu gọi du khách nên mang theo bình đựng nước riêng và giảm sử dụng chai nhựa khi đi du lịch trên đảo, và có hơn 10 doanh nghiệp là các khách sạn, nhà nghỉ tại đảo Lý Sơn cam kết cung cấp nước uống miễn phí cho du khách. Việc giảm thải rác thải nhựa cần có sự chung tay của nhiều địa phương, thậm chí là ở quy mô khu vực và toàn thế giới. Có như vậy chúng ta mới chống lại sự ô nhiễm của rác thải nhựa bền vững được” - bà Nguyễn Thùy Anh - cán bộ truyền thông IUCN chia sẻ.
XUÂN THỌ