Duy Xuyên: Khó quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

PHAN VINH 09/07/2018 14:34

(QNO) - Huyện Duy Xuyên hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhưng chỉ có gần 20% trong số đó được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và giấy cam kết thực hiện ATVSTP.

Nhiều gánh hàng rong trước cổng các khu công nghiệp không được quản lý về VSATTP. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều gánh hàng rong không được quản lý về VSATTP. Ảnh: PHAN VINH

Thờ ơ chấp nhận

Ghi nhận vào mỗi buổi sáng hằng ngày trên tuyến ĐT610, đoạn từ ngã ba Nam Phước lên đến cầu Sắt (xã Duy Sơn) có gần 100 quán ăn ven đường. Trong đó phần lớn là các quán bún, mỳ... lấy nguồn nguyên liệu chế biến từ trong nhân dân, không được qua kiểm tra ATVSTP. Mặt khác lưu lượng các loại xe máy, xe vận tải chạy trên tuyến đường này khá đông khiến bụi bặm bay vào thức ăn. Tuy nhiên, các quán ăn này vẫn đông thực khách.

Anh Huỳnh Văn Sĩ (41 tuổi, xã Duy Trung, Duy Xuyên) vì bận bịu công việc và đưa con đi học sớm nên ngày nào anh cũng vào các quán ven đường để ăn sáng. “Biết là xe chạy bụi bặm nhưng chúng tôi ăn nhanh chóng rồi đi nên chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Thỉnh thoảng tôi hay gặp vài vấn đề về bệnh tiêu hóa nhưng chỉ là đau bụng hoặc nặng thì buồn nôn, khó chịu một lát rồi cũng qua” - anh Sĩ nói.

Một cơ sở chế biến mỡ động vật trên địa bàn huyện Duy Xuyên bị tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo VSATTP. Ảnh: PHAN VINH
Một cơ sở chế biến mỡ động vật trên địa bàn Duy Xuyên vừa bị tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo VSATTP. Ảnh: A.B

Ngoài ra, trên địa bàn Duy Xuyên còn có hàng chục cơ sở dịch vụ nấu ăn đám tiệc. Quá trình nấu nướng được thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau; phần lớn là ngay tại địa điểm gần nơi tổ chức, khá nhếch nhác và mất vệ sinh. Bà Trương Thị L. - chủ một cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn xã Duy Sơn chia sẻ: “Trong thực đơn mà gia chủ đặt, có vài món chúng tôi sơ chế và nấu ở nhà. Còn lại, để giữ nóng thì chúng tôi mang lên gần nơi tổ chức tiệc để nấu. Dù như vậy là sai quy định VSTATP nhưng chúng tôi cũng cố gắng vì còn uy tín lâu dài với khách hàng nữa”.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa - công nhân một nhà máy công nghiệp đóng trên địa bàn huyện chia sẻ, khi vừa tan ca làm trời đã sập tối. Mà bước ra khỏi cổng công ty đã có người bán đồ ăn thì mua cho nhanh chứ đi chợ lại thêm mất thời gian. “Mua như vậy thì cũng cố lựa những món thấy tươi, sạch chứ thực ra chất lượng bên trong cũng không thể biết được” - chị Hoa nói.

Nhiều vi phạm

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm lớn nhỏ. Về quy định, tất cả cơ sở này phải có chứng nhận ATVSTP hoặc giấy cam kết ATVSTP. Tuy nhiên chỉ gần 20% cơ sở có đầy đủ thủ tục. Địa phương cấp huyện chỉ có thẩm quyền cấp giấy cam kết ATVSTP. Nhưng phần lớn, các cơ sở chỉ làm thủ tục này khi bị đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Kinh tế - hạ tầng, Phòng Y tế và Phòng NN&PTNT kiểm tra và phát hiện sai phạm.

Khó quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Ảnh: PHAN VINH
Khó quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Trần Thi - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, mỗi năm Ban chỉ đạo ATVSTP huyện có 3 đợt kiểm tra vào dịp trước Tết Nguyên đán, Tháng ATTP và dịp Trung thu. Trung bình mỗi năm đoàn thực hiện kiểm tra gần 200 cơ sở. Từ đầu năm 2018 đến nay, đoàn kiểm tra gần 80 cơ sở, phát hiện 46 cơ sở vi phạm, trong đó tiêu hủy hàng quá hạn, không đảm bảo chất lượng của 8 cơ sở. Đặc biệt vừa qua, đoàn cho tạm ngưng hoạt động chế biến mỡ động vật của Công ty TNHH MTV Ban Nguyên (đóng tại xã Duy Trinh) vì động không có giấy phép và không đảm bảo vệ sinh.

Ông Thi cho rằng, việc quản lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là những cơ sở di động như dịch vụ nấu ăn đám tiệc và buôn bán hàng rong. Đồng thời, ý thức về vấn về ATVSTP của người dân cũng còn hạn chế.

“Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh củng cố Ban chỉ đạo VSATTP ở cấp xã, thị trấn; nâng cao năng lực thực hiện ở cơ sở để giúp sức hiệu quả hơn cho cấp huyện; áp dụng mạnh mẽ hơn các chế tài xử lý đối với cơ sở vi phạm. Đặc biệt là tuyên truyền rộng rãi cho người dân về ý thức sử dụng thực phẩm an toàn. Bởi người dân mới là yếu tố quyết định sự tồn tại hay biến mất của các cơ sở không đảm bảo VSATTP” - ông Thi nói.

PHAN VINH

PHAN VINH