Thăm lại nhà tù Côn Đảo

VĂN PHIN 09/07/2018 14:22

Các cựu tù ở huyện Núi Thành vừa có chuyến thăm lại nhà tù Côn Đảo - nơi họ bất chấp gian khổ, hy sinh, đấu tranh với kẻ thù để góp phần nhỏ bé đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay.

Trở lại Côn Đảo sau nhiều năm, ông Nguyễn Tài, một cựu tù Côn Đảo, hiện sinh sống tại thị trấn Núi Thành không giấu nỗi xúc động. Ký ức về những ngày tháng cũ lại ùa về trong ông. Năm 1964, ông bị bọn địch bắt đưa ra giam ở Côn Đảo bằng tàu thủy. Những gian khổ thời còn trong ngục, bao người bạn tù, đồng đội nằm lại nơi này không khỏi khiến những cựu tù như ông Tài bùi ngùi. Đó cũng là tâm trạng chung của 12 cựu tù Côn Đảo được đồng hành trong chuyến thăm lại nơi này, trong tổng số 22 người ở huyện Núi Thành vẫn còn sống. Các cụ đã kinh qua nhiều nhà tù ở Côn Đảo và từng chịu nhiều cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng vẫn giữ tấm lòng trung trinh với cách mạng. Ông Phan Thanh Bình, hiện sống ở xã Tam Giang hồi tưởng: “Tôi bị địch bắt ra Côn Đảo năm 1964 cùng với anh Nguyễn Tài, Phạm Duy Hưng (hiện ở xã Tam Xuân 2). Do không chịu chào cờ địch, không khai báo, không ly khai cộng sản... nên chúng tôi bị biệt giam vào chuồng cọp. Bao hà khắc của bọn cai tù không làm chúng tôi chùn bước. Anh em kiên gan đấu tranh bằng mọi hình thức, cho đến tận ngày cuối cùng được tự do”.

Cùng lượt với ông Tài, ông Bình, ông Phạm Duy Hưng cũng bị địch bắt đưa ra Côn Đảo vào đầu năm 1964. Trải qua 6 năm bị biệt giam chuồng cọp, bị tra tấn dã man nhưng ông Hưng vẫn giữ tròn khí tiết. Ông Hưng kể: “Chúng tôi bị nhốt vào chuồng cọp 4 người một phòng, có lúc chúng giam 8 đến 12 người một phòng. Chật quá, chúng tôi phải nằm trên sàn xi măng và ăn uống, vệ sinh tại chỗ. Trong phòng chỉ có một thùng gỗ vệ sinh, một tuần mới đem đổ phân tiểu một lần, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra nhưng cũng phải ráng chịu. Đã thế, thỉnh thoảng bọn gác ngục còn đổ vôi bột và nước nhớp vào chuồng cọp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ vững ý chí, chuẩn bị tư tưởng để chiến đấu với kẻ thù”.

Theo ông Phan Thanh Bình, cựu tù Côn Đảo, hiện sống tại thôn Đông Xuân (xã Tam Giang), trong ba cuộc tuyệt thực đấu tranh đòi quyền lợi lịch sử ở nhà tù Côn Đảo đều có sự tham gia của  cựu tù yêu nước kiên trung của huyện Núi Thành, trong đó có ông Bình, ông Nguyễn Tài và Phạm Duy Hưng. Các cựu tù đã đấu tranh cho tù nhân tắm nắng, viết thư về gia đình, được khám bệnh, cấp thuốc men. Trả tự do cho 40 người không có bản án… Cùng với ông Tài, ông Bình và ông Hưng, những cựu tù huyện Núi Thành bị giam cầm, tra tấn dã man ở các nhà tù Côn Đảo vẫn trung kiên, bất khuất đi theo Đảng cho đến ngày giải phóng quê hương.

Về Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương ở Côn Đảo, các cựu tù Côn Đảo huyện Núi Thành đã nghiêng mình trước anh linh của hàng vạn liệt sĩ đang nằm tại đây, trong đó có 9 liệt sĩ quê Núi Thành. Họ nằm lại trong niềm thương tiếc của đồng đội và sự biết ơn của bao người hôm nay. Côn Đảo, nơi đó có máu xương của những người con kiên trung vùng đất Núi Thành, đã xả thân mình vì Tổ quốc, vì dân tộc…

VĂN PHIN

VĂN PHIN