Cam go công cuộc giảm nghèo
Công cuộc giảm nghèo càng về sau càng khó hơn. Vì thế mà hướng giảm nghèo được xác định phải gắn với địa chỉ cụ thể và thực chất thì mới mang tính bền vững. Đây là chủ trương phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhằm hạn chế việc đưa vào hộ nghèo không đúng hoặc… ép thoát nghèo. Tuy nhiên, cách thực hiện ở cơ sở đang tồn tại nhiều vấn đề trong việc rà soát hộ nghèo đến đăng ký thoát nghèo bền vững.
Giảm nghèo phải gắn với địa chỉ cụ thể và thực chất thì mới mang tính bền vững. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
KHÔNG SÁT THỰC TẾ
Từ việc rà soát hộ nghèo đến đăng ký thoát nghèo đều khập khiễng, nhất là ở khu vực miền núi. Người dân đăng ký theo vận động chứ không hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, nên khó có thể thực hiện đúng như đăng ký.
1. Ông Nguyễn Gặp (sinh năm 1934) và bà Đào Thị Cúc (sinh năm 1938) ở thôn Nghi Hạ (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) đều không còn sức lao động. Ông Gặp đã nhận trợ cấp xã hội dành cho người già, bà Cúc hết năm này cũng sẽ vào diện bảo trợ xã hội. Thoạt nhìn, ông bà hiển nhiên ở trong danh sách hộ nghèo. Nhưng rà soát lại, mới biết ông bà có đến 9 người con đều có công ăn việc làm, nhưng ở riêng mà không ở chung với ông bà. Ban ngày, họ đi làm thì gửi con cho ông bà trông giữ. Bà Cúc nói: “Tui với ổng già rồi, có làm chi được nữa. Con cái dù lớn nhưng có gia đình riêng, chúng nó có về cho được đồng nào hay đồng đó. Ruộng đất cũng giao cho tụi nó làm. Thu nhập không có thì nghèo đúng rồi. Giờ xã đến vận động, nói nhà tui ra khỏi hộ nghèo. Ừ thì xã nói vậy, ổng đăng ký, Nhà nước đưa vô thoát thì thoát thôi, chớ có biết hướng làm ăn gì đâu”. Ở trường hợp này, theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) nhận định, xã Quế Hiệp đã không bám sát chỉ đạo của tỉnh là tuyệt đối không đưa vào danh sách hộ nghèo đối với hộ có đông con cái có thể nuôi dưỡng cha mẹ, nhưng tách cha mẹ ra riêng để được hưởng hộ nghèo. Đến bây giờ, xã Quế Hiệp vận động gia đình ông Gặp ra khỏi danh sách hộ nghèo lại không phù hợp. Bởi đến năm sau, cả hai ông bà đều thuộc diện bảo trợ xã hội thì dù có thoát nghèo cũng không còn ý nghĩa gì, chỉ có mục đích giúp xã đạt đủ chỉ tiêu trên giao mà thôi.
Nhiều hộ nghèo ở Nam Trà My là gia đình trẻ, có lao động mà không có con đường làm ăn để thoát nghèo. Ảnh: D.L |
2. Bà Hồ Thị Hóa cùng chồng là Hồ Văn Son (thôn 5, xã Sông Trà, Hiệp Đức) theo sự vận động đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững trong năm này. Hai vợ chồng đều đang độ tuổi lao động sung sức, trước bà Hóa làm ở Hội LHPN xã Sông Trà, nhưng bà nghỉ về nhà làm kinh tế. Hơn 3 năm trước, gia đình bà Hóa đã có được khoảng 2ha cao su, hơn 3,5ha keo. Ở trong diện hộ nghèo, bà Hóa được Hội LHPN xã hỗ trợ mua bò con để nuôi. Nhưng khi đi mua bò, thấy bò mẹ đẹp quá, vợ chồng bà Hóa đã mua thêm bò mẹ. Vợ chồng làm ăn chăm chỉ, chăm sóc cao su, keo của gia đình và đi làm thêm cho người khác, ngày công lao động 180 nghìn đồng. Bà Hóa nói: “Cách đây hơn 3 năm chưa có đất đai ông bà cho nên chưa làm chi thoát nghèo được. Giờ keo lớn, cao su cho mủ rồi, có thêm hai con bò nữa. Xã vận động và tôi đã đăng ký thoát nghèo”. Nếu xét theo tiêu chí đa chiều, việc đưa hộ bà Hóa vào hộ nghèo cuối năm 2017 hoàn toàn không đúng. Bởi gia đình bà đã có nhà cửa được xây từ nguồn hỗ trợ hơn 3 năm rồi, có đất sản xuất, có sức lao động, xe máy, phương tiện nghe nhìn... Ở trong diện hộ nghèo, gia đình bà Hóa được hỗ trợ mọi chế độ dành cho hộ nghèo. Và giờ đăng ký thoát nghèo, họ lại tiếp tục được hỗ trợ chế độ dành cho hộ thoát nghèo(?).
Trên đây là những trường hợp rất điển hình trong việc các địa phương cơ sở soát xét không chính xác theo quy định, phản ánh không đúng thực trạng đời sống người dân cũng như tình trạng hộ nghèo của địa phương. Từ đó dẫn đến những bất hợp lý, ảnh hưởng đến thực chất công tác xóa nghèo.
CÒN TƯ TƯỞNG TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI
Người dân đăng ký thoát nghèo theo vận động, nhưng không biết làm gì để thoát nghèo là thực trạng chung ở một số huyện miền núi của tỉnh.
Đăng ký để vay tiền
Chúng tôi đến nhà Hồ Văn Ranh (thôn 6, xã Phước Trà, Hiệp Đức) khi ông đang… đi nhậu ở nhà hàng xóm. Gọi mãi ông Ranh mới chịu về nhà. Hỏi ông sao không đi làm mà nhậu sớm, ông nói không đi làm thuê thì nhậu chớ biết làm chi. Trong danh sách đăng ký thoát nghèo bền vững của xã Phước Trà, ông Ranh có tên. Nhưng hỏi lại, thì ông nói không rõ có đăng ký hay không(!). Gặng hỏi mãi, ông mới nói là vì thấy trong thôn có một số người rủ nhau đi đăng ký thoát nghèo, nghe nói đăng ký thì được vay tiền nên ông Ranh cũng đến xã đăng ký. Hỏi vậy định làm gì để thoát nghèo, ông Ranh trả lời: “Không biết, cứ đăng ký thôi, Nhà nước cho thoát được thì thoát, không được thì thôi. Mà Nhà nước cho thoát thì được thưởng tiền, rồi được vay tiền không lãi suất nữa, nên mình đăng ký”. Hỏi ông vay tiền để làm gì, ông nói vay không lãi thì vay chứ chưa tính được sẽ làm gì với số tiền vay để có thể thoát nghèo bền vững. Nhà có đất đai để trồng keo, ông Ranh mới gieo được 2 lon hột keo trên rẫy, nuôi 2 con bò, ngày nào có công việc thì đi làm thuê, không thì ở nhà.
Một số người dân có tâm lý cứ đăng ký thoát nghèo để vay tiền, thoát được thì thoát, không được thì thôi, chẳng mất mát gì. Hồ Văn Xây (thôn 4, xã Phước Trà) cũng có ý định đăng ký để được vay tiền không lãi suất. Nhà có đất rẫy sản xuất, ông Xây trồng keo, đã cho thu hoạch một mùa được 30 triệu đồng. Số tiền này, ông Xây mua xe máy cho con đi, tiền còn mua giống keo trồng lại. Vợ chồng ông có nhận chăm sóc 4ha cao su của nông trường. Ông Xây nói: “Thì tôi cứ đăng ký rứa đó, thoát được hay không được Nhà nước biết chớ tôi không biết. Có việc thì đi làm tháng được 10 đến 20 ngày, không có ai thuê thì ở nhà. Nghe nói đăng ký sẽ được vay tiền không có lãi, vay được thì về trồng keo nuôi bò chi cũng được. Cứ làm thôi, đến đâu hay đến đó, có gạo thì ăn cơm, không gạo thì ăn khoai sắn”.
Vòng luẩn quẩn
Bà Hồ Thị Thu (thôn 1, xã Trà Tập, Nam Trà My) cũng đăng ký thoát nghèo theo vận động. Hai vợ chồng đang nuôi 4 đứa con nheo nhóc. Nhà có một con bò. Bà Thu ở nhà giữ con, còn chồng Hồ Văn Xây đi làm thuê. Lúc còn trong hộ nghèo, bà Thu đã vay 30 triệu đồng, mang về mua bò, nay đã hơn 3 năm nhưng chưa trả được đồng vốn nào. Mỗi mùa lúa, vợ chồng họ gieo được 2 ang lúa giống, lúc được mùa thì đủ gạo ăn, lúc mất mùa thì thiếu gạo, phải ăn khoai sắn thêm. Bà Thu nói: “Đăng ký thoát nghèo là do xã nói nên đăng ký, chớ mình muốn ở hộ nghèo hơn. Làm chi để thoát nghèo mình cũng không biết nữa. Mà không thoát được thì ở hộ nghèo thôi, có ảnh hưởng chi ai đâu”.
Tương tự, dù đăng ký thoát nghèo bền vững nhưng Hò Văn Lên (thôn 1, xã Trà Tập) không xác định được hướng đi nào cho con đường thoát nghèo. Nhà có rẫy mà không có đường xe lên, nên Lên không trồng được cây keo. Việc chính của Lên là đi làm thuê nuôi 3 đứa con. Nhưng đâu nhiều nhặn gì, mỗi tháng đi làm thuê nhiều lắm được 7 ngày, một ngày việc nhẹ thì 80 nghìn đồng tiền công, việc nặng được 150 nghìn đồng. Lúc đi làm, nhận tiền công thì mua liền bao gạo, để đó ăn dần, hết gạo kiếm việc đi làm mua gạo ăn tiếp. Dù được hỗ trợ vay vốn, Lên cũng không dám vay vì không biết làm gì ra tiền để trả nợ. Lên cho hay: “Thôn nói đăng ký để được hỗ trợ giống cây để trồng trọt mà chờ mãi có thấy đâu. Làm chi để thoát nghèo được thì tôi không biết nữa, chắc không thoát được đâu”. Lên vẫn đăng ký thoát nghèo khi biết chắc không thoát được. Nhiều người như Lên cũng “bế tắc” trong vòng luẩn quẩn của cái nghèo đeo bám.
ÁP LỰC CHỈ TIÊU
Năm 2018, chỉ tiêu giảm nghèo được giao về từng địa phương không theo tỷ lệ mà theo số lượng. Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện giảm nghèo bền vững lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi các địa phương đang phải gồng mình vì chỉ tiêu.
Nhiều hộ nghèo trong độ tuổi lao động đăng ký thoát nghèo mong được vay tiền không lãi suất. Ảnh: D.L |
Sợ không hoàn thành chỉ tiêu
Xã Phước Trà năm 2018 được huyện Hiệp Đức giao chỉ tiêu phải đưa được 57 hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Nhưng xã cố gắng lắm cũng chỉ vận động được 22 hộ đăng ký. Xã rà soát và giao cho các hội đoàn thể vận động thêm được 12 hộ. Chủ tịch UBND xã Phước Trà, ông Hồ Văn Chiêng nói: “Trên giao chỉ tiêu như thế cao quá, số hộ đã đăng ký rồi cũng “hên xui” thôi, thoát được thì tốt, không được thì thôi. Cuối năm không đạt, rồi ngồi kiểm điểm cũng nhìn nhau mà chấp nhận thôi. Hộ có lao động chủ yếu làm thuê, hoặc có đất nhưng không biết cách làm ăn nên không thu nhập cao. Người dân không có hướng để thoát nghèo nên không dám đăng ký. Xã vận động, họ đăng ký vậy mà hỏi họ thì họ nói không biết, chỉ thích ở hộ nghèo”.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2017 là 16,79%, cận nghèo là 5,5%. Tốc độ giảm nghèo có tiến bộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao ở những xã vùng cao. Ông Thọ cho biết: “Giá cao su và giá keo xuống nên đời sống người dân vất vả hơn, đi làm thuê là chủ yếu mà giá xuống thì ngày công cũng thấp. Ý thức giảm nghèo và thoát nghèo còn thấp, huyện đã cố gắng tuyên truyền để người dân nhận thức tốt và vươn lên làm ăn, nhưng cách làm ăn còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ nhiều nhưng hiệu quả không cao; vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nhiều cơ chế chính sách nhưng giảm không được bao nhiêu hộ nghèo. Rà soát hộ nghèo còn tồn tại, nhiều hộ đúng ra thoát nghèo rồi nhưng vẫn để trong diện nghèo, giờ có chính sách thì đăng ký thoát nghèo, thế nên vừa nhận được chính sách hộ nghèo, lại được thêm chính sách thoát nghèo bền vững”.
Ông Thọ phân tích thêm, trong xã Sông Trà, có 2 thôn người Kinh tỷ lệ hộ nghèo là 10%, 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số là tỷ lệ nghèo là 72%, mặc dù cũng là đất đó, điều kiện đó. Xã Phước Trà có 6 thôn người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo là 58%. Vậy thì xoáy vào vấn đề chính là người Kinh biết cách thức làm ăn, đồng bào không làm ăn được nên khó thoát nghèo. Với chính sách đào tạo nghề, huyện đến xã phải gặp mặt lao động, dỗ dành, động viên, đưa xe chở đi, hỗ trợ thêm tiền ăn, nhưng cũng không vận động được họ đi học thì không biết làm cách nào nữa. Theo ông Thọ, với miền núi, đầu tư bây giờ chỉ nên hỗ trợ sản xuất tại chỗ, bày người dân cách làm ăn để người dân có sinh kế thoát nghèo. Chứ hiện nay chính sách nhiều nhưng hỗ trợ nhỏ giọt nên không giải quyết được căn bản vấn đề. Chỉ có kéo được doanh nghiệp đến đầu tư thì mới giải quyết được việc làm tại chỗ cho lao động miền núi. Nhưng hiện tại cơ chế chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp về miền núi. Thế nên chỉ tiêu về giảm nghèo đối với huyện là vấn đề khó.
Khó từ nhiều phía
Thực trạng vận động hộ sắp vào và đã vào diện bảo trợ xã hội đăng ký thoát nghèo ở xã Quế Hiệp (Quế Sơn) cũng chính vì lý do chỉ tiêu giao. Chỉ tiêu huyện Quế Sơn giao về cho xã Quế Hiệp là 24 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, xã vận động được 29 hộ đăng ký. Lúc đầu xã thông báo, hộ nào tự nguyện thì đến xã đăng ký trước. Sau đó, xã tiếp tục xét và vận động thêm những hộ dân đủ điều kiện. Về những hộ đã và sắp vào diện bảo trợ xã hội nhưng lại vận động thoát nghèo, ông Trần Anh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết: “Hộ người già được hưởng chính sách bảo trợ xã hội nhưng con cái họ có công ăn việc làm ổn định nên xã vận động họ vào danh sách hộ thoát nghèo. Đúng là trước đây xã có phần xuê xoa khi để các hộ đó trong danh sách hộ nghèo. Giờ thì xã phải vận động đưa họ ra khỏi danh sách hộ nghèo, cũng khó lắm nhưng cố gắng làm. Nói thật là năm này 24 hộ thoát nghèo còn làm được, chứ năm sau mà giao chỉ tiêu như thế này nữa thì không thể giảm được vì không có điều kiện để giảm”.
Ông Hồ Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) cho biết năm 2018, xã có 42 hộ đăng ký thoát nghèo, và 2 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững. Chỉ tiêu nghị quyết của xã mỗi năm vận động từ 45 đến 50 hộ thoát nghèo nên phải đạt được con số này. Ông Giáp nói: “Người dân đăng ký thoát nghèo bền vững thì sẽ được ưu tiên đầu tư từ các chương trình, chính sách như phát triển sản xuất tập trung chăn nuôi bò, trồng cây chuối mốc, sâm nam. Nhưng đầu ra sản phẩm chưa đảm bảo, chủ yếu thương lái lên đến nơi mua nhỏ lẻ. Xã tổ chức lấy ý kiến người dân về nhu cầu phát triển sản xuất để thoát nghèo phù hợp, rồi hỗ trợ người dân theo nhu cầu. Xã phân công cán bộ phụ trách các hộ đăng ký, định hướng cho họ làm ăn thoát nghèo”. Nhưng trong thực tế không như ông Giáp đã nói. Bởi 5 hộ dân mà chúng tôi đến tận nhà tìm hiểu đều không xác định được con đường thoát nghèo, ngoài căn nhà tái định cư mà họ đang ở, họ không có tài sản gì đáng giá, không có phương án sản xuất nào nên hình hài, có sức lao động nhưng không có việc làm, đông con cái...
THOÁT NGHÈO CẦN THỰC CHẤT
Trước thực trạng đăng ký thoát nghèo bền vững không thực chất, cách thực hiện ở cơ sở tồn tại nhiều vấn đề, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều đã và đang có nhiều cuộc khảo sát để chấn chỉnh. Chúng tôi ghi nhận ý kiến các địa phương, sở ngành của tỉnh.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh): Giao chỉ tiêu là cách làm chưa sát thực
Chủ trương giảm nghèo gắn với địa chỉ cụ thể là chủ trương đúng, hạn chế được thực trạng đăng ký để hưởng chính sách rồi tái nghèo, vừa lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa không giải được bài toán giảm nghèo. Qua khảo sát, rất nhiều hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững nhưng không rõ chính sách, không có được phương án sản xuất cho thấy được con đường thoát nghèo. Các xã vì chỉ tiêu mà vận động người dân rồi đăng ký thoát nghèo bền vững không đúng thực tế. Chỉ tiêu giao từ trên xuống, rồi cứ thế khi xuống đến xã, xã phải thực hiện, đạt hay không tính sau. Người dân đăng ký thoát nghèo mà trong nhà không có tài sản gì cả, đất đai không biết trồng cây gì cho hiệu quả, có sức lao động thì đi làm thuê, ngày được ngày mất. Nhìn qua đã thấy họ không thể làm gì để thoát nghèo được, nhưng vẫn có tên trong danh sách đăng ký. Trong thực tế còn có tình trạng nhiều hộ dân đủ điều kiện thoát nghèo trong năm trước, nhưng vẫn cứ là hộ nghèo, nay lại đăng ký thoát nghèo bền vững để tiếp tục được hưởng chính sách. Các địa phương cần rà soát lại kỹ danh sách đăng ký, khảo sát từng hộ dân để xác định cho được hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, từ đó mà tác động giúp họ thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Chỉ tiêu là áp lực nhưng là mục tiêu phấn đấu
Hộ nghèo ở Nam Trà My phần đông là gia đình trẻ, có sức lao động nhưng nhiều người ăn theo. Chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện trong năm nay giảm 500 hộ nghèo, là áp lực nhưng cũng là mục tiêu để huyện phải khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được. Huyện sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Hộ nghèo có sức lao động còn trẻ sẽ được vận động đi học nghề, đi làm, xuất khẩu lao động. Hộ nghèo không đi lao động được ở xa thì hỗ trợ bằng mọi nguồn lực cho họ phát triển sinh kế. Các hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo và vận động đăng ký thoát nghèo sẽ được tập trung hỗ trợ cây, con giống, học nghề, làm việc. Trước tiên là phải tuyên truyền mạnh, thay đổi nhận thức, khắc phục tình trạng lười lao động của người dân. Các hội đoàn thể phải xung kích đồng hành giảm nghèo, phải bám dân, định hướng cho họ hướng đi phù hợp, hỗ trợ sinh kế kiểu “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn họ vay vốn phát triển sản xuất. Huyện sẽ kiên quyết loại bỏ khỏi danh sách hộ nghèo đối với người có sức khỏe, có đất đai nhưng lười lao động.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Phải rà soát lại việc đăng ký thoát nghèo
Tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương năm 2018 giảm 6.016 hộ nghèo. Theo danh sách các địa phương gửi đến Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có 3.635 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Chúng tôi kiểm tra thực tế ngẫu nhiên thì đã phát hiện nhiều nơi khảo sát, đưa danh sách hộ đăng ký thoát nghèo không sát thực tế. Sở đã đề nghị tất cả địa phương phải rà soát lại, loại ra khỏi danh sách những hộ đăng ký nhưng không có khả năng thoát nghèo. Từ nay đến 15.7, tất cả thông tin liên quan đến hộ nghèo diện bảo trợ xã hội, diện người có công và đăng ký thoát nghèo bền vững sẽ được báo cáo đến UBND tỉnh. Từ đó sẽ sàng lọc được hộ nào đủ điều kiện thoát nghèo, hộ nào không đủ điều kiện thì không đưa vào danh sách, dù họ có tự nguyện đăng ký hay được vận động đăng ký. Khi hộ nghèo đăng ký và hội đủ điều kiện thì sẽ được đầu tư tổng lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách riêng của tỉnh về giảm nghèo. Mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo phải thực chất, đạt chỉ tiêu nhưng không phải để báo cáo thành tích mà để nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội cho hộ thoát nghèo bền vững.
Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ