Tản mạn về cái "máu hay cãi"

PHÙNG TẤN ĐÔNG 07/07/2018 11:12

“Máu” đây là máu thiên/nghiêng về nghĩa bóng - máu “hay cãi”, như nhận xét của cụ Phan Châu Trinh là tính cách chung của người Quảng Nam, những người bình thường nhưng hiếu sự, nhất là tự dưng cứ coi việc thiên hạ là việc của mình rồi cứ đứng ra “gánh vác trách nhiệm” chuyện làng, chuyện nước. Đã có biết bao nhiêu chuyện, thực có, hư cấu có về tính cách hay “can dự” vào “đại sự” của dân Quảng. Như chuyện vui rằng, ngay cả khi bị kẻ cướp tấn công giữa canh khuya, đường vắng, cướp hung hãn rút súng  biểu “giơ tay lên”, người bị cướp ngập ngừng hỏi “giơ tay trái hay tay phải?”.Tên cướp quát “đưa cả hai tay, mày đúng là dân Quảng Nam”…

Hò khoan đối đáp xứ Quảng – một kiểu “cãi” rất nghệ thuật. Ảnh: B.T
Hò khoan đối đáp xứ Quảng – một kiểu “cãi” rất nghệ thuật. Ảnh: B.T

1. Có ai thể hiện trình độ “không run sợ” mà triết lý nhà Phật gọi là “vô úy” như người bị cướp trong câu chuyện trên. Trước cái chết mà vẫn giữ được tinh thần “yêu sự thông thái, trí tuệ” như nghĩa gốc của môn triết học Tây phương. Chết thì chết nhưng “théc méc” thì vẫn “truy” cho “ra năm rõ mười”. Thành ngữ Quảng Nam về sự rạch ròi, tường minh thì nhiều vô kể. Nào là “hai mặt một lời”, “nói có sách mách có chứng”, “nói phát một”, “nói chắc bắp”, “nói có trời có đất”, “nói có thanh thiên bạch nhật”, “nói trước cho chắc”, “nói lời thời giữ lấy lời”, “nói trắng mặt”, “có chi nói nấy”… Nhưng có cái hay mà nhiều người do “lấy hình bắt bóng” cứ không hiểu, cứ cho người Quảng là “gặp chi cãi nấy”. Gặp ba cái lẻ tẻ, vụn vặt người Quảng đâu thèm cãi. Cãi phải “đáng cãi” - tức là việc mà trước khi cãi, người muốn cãi phải có sẵn trong đầu một “đề án cãi” từ đề tài, chủ đề, đến đối tượng, phạm vi đề tài, phương pháp tiếp cận vấn đề tranh biện, rồi luận cứ, luận chứng, rồi mẹo, luật để giành thắng lợi…

Người Quảng có câu ni hay và xứng đáng để làm slogan “đọc vị” và loại bỏ nhanh đối tượng tranh luận, rằng “cãi với thằng say như háy với thằng đui”. Gặp đối tượng trình độ hiểu biết kém, cuồng tín, duy lý cực đoan, “thần kinh có vấn đề”… hay lường trước cuộc tranh luận chỉ có thể kết thúc bằng “võ thuật”, rằng sẽ là chuyện “ông nói gà bà nói vịt”, chẳng “nhằm máu chi hết” thì phải biết tránh, tránh một cách “lịch sự, tế nhị” kiểu “tránh voi không xấu mặt nào” - bằng cách “hy sinh chân lý” để tìm đường thoát thân, tránh mất thời giờ, tổn thọ vì “chân lý thì còn dài” mà đời người hữu hạn…

2. “Hay cãi” là thường trực tranh luận để truy cầu chân lý mà ngày nay chân lý được hiểu là chân lý với ý nghĩa tương đối thôi. Thời của công nghệ thông tin, thời  thế giới phẳng và toàn cầu hóa như một định mệnh “đáng yêu”, thế giới của đối thoại ân cần, hòa dịu và không ai có thể “độc quyền chân lý” cũng như độc quyền sở đắc chân lý… Những người Quảng Nam hay cãi đã đúc kết nhiều bài học quý để tránh chuyện phải “cãi giữa chừng”, “cãi đơn phương” (vì đối tượng cãi đã cố ý lơ, đã vờ không cãi để vấn đề “chìm xuồng” và hát bài “nhắc chi chuyện cũ…”) như khi cãi phải quán triệt sâu sắc các phương châm cãi đúng vấn đề, đúng chứng lý, cãi khoa học (phạm vi giới hạn đề tài, cãi có phân khúc, phân kỳ, giai đoạn - nghĩa là có “lộ trình”, phương pháp cãi…), cãi kiên trì, cãi linh hoạt (mưu trí, khôn khéo), cãi biết thắng từng bước, cãi sáng tạo để đạt tâm phục khẩu phục và xác định cãi để thực thi công lý/chân lý”.

Như vậy mới biết câu dân Quảng Nam luôn cãi có nghề (nghề “thầy cãi” - luật sư) không phải do người xứ khác khen mà do dân Quảng “tự phong” vì “nghề cãi” lắm công phu, muốn cãi tốt - cũng nói theo cụ Phan Châu Trinh - là “chi bằng học”. “Không học lấy chi mà cãi” là câu trả lời ngắn gọn của  cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân khi ông “tránh” một cuộc cãi về lĩnh vực y học - lĩnh vực ông “chưa học” mà như ông nói “chưa học sâu thì cũng như không học, không học thì lấy chi mà cãi”. Mới đây chỉ một dòng trạng thái trên facebook - một người viết, rằng “người Quảng Nam nói như vậy…” thì lập tức có ngay phản hồi “người Quảng Nam không nói như vậy”… thì đúng chất Quảng bởi luận cứ ở đâu mà phán như vậy, người Quảng là người mô, nói ở đâu, trường hợp nào, tư cách chi mà anh dám đại diện cho hết thảy cộng đồng…

Thời thế đổi thay. Ngày nay, theo nhiều nhà nghiên cứu văn học đương đại thì bi kịch Hamlet của W.Shakespeare không hẳn chỉ là bi kịch của việc truy cầu chân lý, tìm kiếm một sự thật về một vương triều hay nỗi đau một hoàng tử Đan Mạch với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, mà bao trùm, phổ quát chính là “bi kịch của sự hiểu biết” - nghĩa là chứng “đau khổ vì có trí tuệ”. Đã có biết bao người Quảng Nam trả giá cho hệ lụy hay cãi của mình trong cuộc sống. Cái khí chất “Lục Vân Tiên” trong đời sống tinh thần dường luôn sẵn có trong mỗi người Quảng. Chuyện về một sinh viên giỏi nhưng vì tội trong buổi thi tốt nghiệp dám “cãi” thầy bị thầy cho dưới điểm trung bình, đành nợ môn học đúng một năm. Chuyện một thầy giáo vì thói quen hay “lên lớp” bị đám say rượu rượt chạy mất dép vì dám làm trọng tài, bênh vực phía đúng trong khi hai phe chờ can thiệp của... Google.

3. Người Quảng cãi rất fair-play. Khi thấy mình đuối lý, khi đối tượng trưng ra “tang chứng, vật chứng” hẳn hoi thì chấp nhận thua kiểu “thua thì chung đủ” nghĩa là chấp nhận không vì sĩ diện mà đổ cho hoàn cảnh và ẩu nhất là “đổ cho thầy dạy sai sách viết ẩu” hay “lỗi do đánh máy”, giũ bỏ trách nhiệm. Một bạn trẻ khi khởi đơn kiện về sự sắp xếp nâng lương không đúng trong cơ quan mà người bị kiện là con một vị quan chức có vai vế đã bị cho là “điên”, bạn ấy đã trả lời ý nhị “ai hèn không kiện thì để tôi kiện chứ”.

Nhưng khổ nhất là “cãi” với những người “cũng có biết mà biết lỡ dở”. Cãi với những người hoàn toàn không biết gì thì “thà về cãi với đầu gối” như ông bà dạy thì lòng đã “thanh thản” để mà “dĩ hòa vi quý” đi một lẽ, đằng này những người biết lỡ dở luôn đánh tráo khái niệm, chơi sai luật, cãi ông chằng bà chuộc, không đâu vào đâu hóa cãi chày cãi cối… thì quá khổ, kiểu cãi này gọi là “cãi giảm thọ”.

Người viết bỗng nhớ đến chuyện “cãi” với nhà văn Nguyễn Văn Xuân trước đây khi nhà văn viết rằng dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đời sống người dân vô cùng sung túc, no đủ và ông viện câu ca dao “hết gạo đã có Đồng Nai - hết củi đã có Tân Sài chở ra”. Đồng Nai thì gạo lúa phì nhiêu ai cũng biết, nhưng địa danh Tân Sài được ông cho là “Sài Gòn” (“sài” là củi, “gòn” là cây gòn) thì nhiều bạn trẻ thắc mắc, rằng củi mà đợi ở tận Sài Gòn chở ra Thuận Hóa, Quảng Nam thì… hơi phi lý, giá thành quá “siêu”. Hỏi thầy thì thầy nói “dân gian nói thế, mình nói theo…” rồi nhà văn cũng nghĩ lại “rằng… hỏi có lý, phải tiếp tục thắc mắc, tôi cũng chỉ biết đến đó…”. Mãi đến gần đây, các nhà nghiên cứu Huế mới tìm ra địa danh Tân Sài - tên một làng cổ ở Châu Minh Linh (vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay) mà sách “Ô châu cận lục” ghi là xã Tân Sài (bản Sài Gòn, 1961, tr.33) và “Tân Sài sương gieo ngàn củi” (bản Hà Nội 1997 - Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên dịch, tr.55). Câu ca dao vùng Huế lại khác: “hết gạo đã có Đồng Nai - hết củi đã có Tân Sài chở vô”. Nếu xét việc lấy “ca dao” làm sở cứ thì vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ bởi tính dị bản, tính võ đoán của văn học dân gian và như vậy chuyện lấy củi ở đâu vẫn “tồn nghi”, nghĩa là chưa có kết luận cuối cùng tuy Tân Sài ở Quảng Trị “nghe” có lý hơn...

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG