Kết nối Cù Lao Chàm
Không phải ngẫu nhiên mà Trại sáng tác văn học 2018 kéo dài hai tháng lại được tổ chức khai mạc ở Cù lao Chàm vào những ngày cuối tháng 6. Ở đó, hứa hẹn nhiều những chất liệu giúp các nhà văn “chuyển hóa” thành tác phẩm.
Đoàn Chi hội Nhà văn đi thực tế Cù Lao Chàm. Ảnh: Ngô Hòa |
1. Tôi đọc truyện dài “Tiếng chuông dưới đáy biển” từ rất sớm, hồi còn học phổ thông. Truyện lấy bối cảnh đáy biển vùng đảo bảy hòn: Lao, Tai, Lá, Mô, Ông, Dài, Khô mẹ Khô con này với bao nhiêu nét lung linh kỳ bí. Thì tất nhiên là phải lung linh rồi bởi sau này vùng đảo được ghi nhận là khu bảo tồn sinh quyển của thế giới mà. Từ đất liền hễ nhìn về phía biển thì Cù lao Chàm lại hiện ra trong tầm mắt. Mỗi lần nhìn là một lần nghĩ điều gì đó. Đơn giản hoặc bộn bề. Nhưng ra với đảo lại là chuyện khác. Cù lao Chàm đã “tiến” lên từ thôn Tân Hiệp, trở thành xã, từ một đơn vị hành chánh của xã ven biển Cẩm An, nay đã trực thuộc… thành phố. Phía tây đảo, Hội An bây giờ thay đổi vô cùng ngoạn mục sau 20 năm trở thành di sản văn hóa thế giới, để trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng. Sau một thời gian xa cách với đất liền, cuối cùng rồi Cù lao Chàm cũng kết nối được với đất liền và ngày càng bền chặt, ngày càng thêm gần gũi.
Tám năm trước, Chi hội Văn học Quảng Nam đã tổ chức một chuyến đi thực tế thật ấn tượng về vùng biển đảo kỳ diệu này. Đi trên con tàu gỗ vòng quanh đảo, loanh quanh mọi hang cùng ngõ hẻm của hòn Lao và nghỉ lại ở bãi Chồng. Hồi ấy, mọi thứ đang còn trong dạng phôi thai, kiểu “tiềm năng”. Có những con đường be bé, hẹp hẹp; những căn nhà xiu xíu chen chúc bên nhau nơi bãi Làng, và khi ấy, bãi Hương vẫn vô cùng cách trở, chỉ vỏn vẹn vài nhà dân với cái “sườn” một khu nhà hàng “bị vỡ kế hoạch” hay hụt vốn gì đó còn để lại mấy cái trụ xi măng xám xịt chĩa lên nền trời (!). Đi một vòng, chưa nghĩ thêm được gì mà chỉ cảm nhận trong lòng mỗi người những tia hy vọng chưa được rõ ràng và mong manh. Các sáng tác từ chuyến đi thực tế ấy sau này tập hợp trong tập tuyển thơ văn xinh xắn mang tên “Sắc biển”. Sắc biển, như cảm nhận ban đầu trước một vẻ đẹp nguyên sơ tiềm ẩn. Và những hy vọng, có vẻ cũng tiềm ẩn nốt (?).
2. Không phải ngẫu nhiên mà Trại sáng tác văn học 2018 kéo dài hai tháng lại được tổ chức khai mạc ở Cù lao Chàm vào những ngày cuối tháng 6. Ở đó, hứa hẹn nhiều chất liệu giúp các nhà văn “chuyển hóa” thành tác phẩm. Ở đó, tập tuyển “Sắc biển” ra đời mấy năm trước như một sự hình dung dễ thấy về những gì thu nhận được qua một đợt đi thực tế sáng tác. Hai chục hội viên của Chi hội Văn học lần này “thâm nhập” Cù Lao Chàm đậm nét hơn. Lại một lần trở lại những nơi chốn quen thuộc từng làm nên “dấu ấn Cù Lao Chàm” trong lòng bao du khách như: chùa Hải Tạng, giếng Chăm, Bảo tàng biển, hang Yến, nhà thờ Tổ nghề yến, các miếu, lăng, các bãi biển đẹp mê mẩn, các rạn san hô quyến rũ ở các đảo xa, gần… Đã cảm nhận được sự thay đổi và phát triển của bãi Làng. Từ một làng chài nhỏ tồn tại bao đời nay đã trở thành địa điểm du lịch với các cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp phục vụ cho khách trong nước lẫn nước ngoài. Điều thú vị là đa số những người “làm du lịch” lại là dân Cù Lao Chàm chính gốc. Họ đã kịp thời thay đổi và bắt nhịp kịp thời cùng sự phát triển của điểm đến du lịch nổi tiếng này.
Với phương tiện xe máy thuê từ dân có thể chạy một vòng quanh đảo, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Ngược lên bãi Bấc ở phía bắc với cung đường ngoằn ngoèo bên chân núi có thể hình dung ra sự dữ dội của biển khơi mùa bão dữ. Sẽ dễ dàng đến với cây đa di sản, một địa chỉ ghi dấu sự tồn tại lâu đời của nhiều loại thực vật phong phú trên hòn đảo xinh xắn. Là vùng âu thuyền, nơi tàu bè neo đậu để tránh các cơn lũ dữ hoành hành mỗi mùa biển động. Là “vùng kinh tế”, nơi dãn dân của bãi Làng, lúc này đang nhanh chóng trở thành nơi lưu trú, nghỉ dưỡng của khách khi muốn nghỉ lại. Ở đó, nhiều homestay đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch khắp nơi. Theo chân anh cán bộ kiểm lâm phụ trách đảo này chúng tôi đi về phía đông của đảo qua Eo Gió. Con đường vòng quanh đảo nằm ở phía mặt trời mọc này đã hoàn thiện từ lâu nhưng lại bị sạt lở khá nhiều nơi do mưa lũ và chưa được khắc phục. Mọi người chỉ dừng lại chụp hình rồi đi với hy vọng rằng những tảng đá lăn lóc chắn ngang nhiều đoạn đường sớm được dời đi để du khách có thể dễ dàng “lượn” một vòng quanh đảo mà không có cảm giác khó chịu vì bị chắn ngang đường. Cung đường từ bãi Làng về bãi Hương là con đường đẹp nhất đảo với những bãi cát mịn nằm nép bên chân sóng. Là bãi Xép xinh xắn bên làn nước trong như ngọc, mới nhìn đã “muốn ùm xuống tắm”! Là bãi Chồng nằm cách biệt trong một hẻm núi dưới những tán dừa xanh ngắt. Là bãi Hương đẹp như tranh nằm ở cực nam của đảo. Những hàng quán êm ả nép dưới những tán dừa bên mép nước nhìn ra biển khơi. Những căn nhà nho nhỏ, xinh xắn. Làng chài nằm chen chúc phía sau dãy hàng quán.
Chúng tôi rủ nhau vào làng. Đi ngoằn ngoèo một lúc, qua khỏi ngôi chùa là đến nơi. Một số ngư dân chờ giờ ra khơi, mấy chị vừa xong việc ở các nhà hàng về nhà nghỉ ngơi, những đứa bé đang kỳ nghỉ hè… Tất thảy cùng quây quần ở con ngõ đi xuống bãi cát. Tất cả tạo nên không khí yên bình và tĩnh lặng của một vùng biển đẹp. Như là sự kỳ vọng của bao người, của bao kiếp người. Ngược hẳn sự xô bồ đang diễn ra ở một công trình nghỉ dưỡng đang thi công nằm gần đó. Chúng tôi ngồi lại, cùng trao đổi với mọi người về chuyện làm ăn, sinh sống, chuyện biển khơi, cả câu chuyện của ngày mai với không ít điều trăn trở….
Buổi chiều êm ả ở Bãi Hương chừng như cứ muốn lắng lại mãi trong lòng mọi người. Cùng những trăn trở. Về ngày mai…
LÊ TRÂM