Đẩy nhanh số hóa truyền hình

HOÀNG LIÊN 06/07/2018 13:22

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân vừa chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án số hóa truyền hình mặt đất (số hóa truyền hình) tỉnh nhằm chỉ đạo những nội dung, công việc thực hiện trong thời gian đến.

Thanh tra, kiểm tra việc bày bán thiết bị đầu thu số DVB-T2 trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Thanh tra, kiểm tra việc bày bán thiết bị đầu thu số DVB-T2 trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đẩy nhanh tiến độ

Theo lộ trình chung của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số hóa và Quyết định số 310/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2451/QĐ-TTg, Quảng Nam thuộc các tỉnh nhóm III trong lộ trình triển khai đề án số hóa. Ngoài Quảng Nam, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên  Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận cũng thuộc danh mục các địa phương triển khai lần này. Theo tiến độ, các địa phương sẽ triển khai số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31.12.2018.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT Quảng Nam có 14 huyện/thành phố gồm Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và TP.Tam Kỳ được nhận hỗ trợ lần này. Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo đang sử dụng máy thu hình công nghệ tương tự chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2, chưa có đầu thu truyền hình số DVB-T2, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình internet trong thời gian triển khai hỗ trợ tại địa phương. Mỗi hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận hỗ trợ 1 đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh kèm theo ăng ten phù hợp cùng với dây cáp nối có độ dài tối đa 15m. Vùng hỗ trợ là vùng mà ở đó các hộ dân thu tín hiệu truyền hình bị ảnh hưởng khi các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh do Bộ TT-TT công bố. Trong quý 4.2018, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, doanh nghiệp cung cấp đầu thu truyền hình số, UBND cấp huyện lập kế hoạch và triển khai việc hỗ trợ, lắp đặt đầu thu cho hộ dân.

Cũng theo bà Quyên, thời gian qua, Sở TT-TT đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện khảo sát, đo đạc tần số để có hướng đề xuất hỗ trợ hợp lý. Sở TT-TT cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thống kê, rà soát lại số liệu hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ đầu thu trên địa bàn tỉnh, lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ TT-TT. Sở cũng đã tổ chức các đoàn thanh tra,  kiểm tra thị trường đầu thu số, thiết bị thu xem truyền hình số tại các cửa hàng điện máy trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng các đại lý kinh doanh đầu số, thiết bị thu nhìn không đảm bảo chất lượng, không hợp chuẩn, hợp quy. Sở cũng đã lập kinh phí dự trù cho công tác thông tin - tuyên truyền về đề án số hóa gồm 200 triệu đồng và hơn 290 triệu đồng phục vụ công tác tập huấn thống kê cho cán bộ xã/thị trấn và các thôn trên địa bàn tỉnh bên cạnh một số công tác khác.

Chủ động lộ trình thực hiện

Theo số liệu dự kiến từ Ban chỉ đạo Đề án số hóa tỉnh, cả tỉnh có 32.686 hộ nghèo và cận nghèo dự kiến được hỗ trợ đầu thu DTH và DVB-T2 năm 2018. Trong đó có 14.938 hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu DTH, 6.343 hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu DVB-T2; số hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu DTH là 5.693 hộ, DVB-T2 là 5.712 hộ. Trước đó, giai đoạn 2015 - 2016, Quảng Nam có hơn 15.000 hộ nghèo và cận nghèo thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và TP. Hội An đã được hỗ trợ từ đề án do ảnh hưởng từ công cuộc số hóa của Đà Nẵng.

Ông Mai Văn Tư - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cho biết, Đài PT-TH tỉnh đã và đang thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tổ chức thông tin tuyên truyền về đề án sâu rộng; chủ động sắp xếp lại bộ máy nhân sự phục vụ cho đề án; triển khai đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của đài và các đài trực thuộc. Phía Đài PT-TH tỉnh cũng đầu tư cho công cuộc số hóa, hướng tới phát sóng chuẩn HD; các đài huyện cũng đã từng bước tiếp cận với công nghệ số nên việc chuẩn bị cho số hóa đã sẵn sàng. Đài cũng đã làm việc với Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV), đơn vị được Bộ TT-TT cấp phép mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên triển khai các nội dung theo đúng kế hoạch. Cũng theo ông Mai Văn Tư, bên cạnh nhiều địa phương được hỗ trợ từ đề án, vẫn còn nhiều địa phương thuộc miền núi vùng “lõm sóng”, không thể bắt được truyền hình số hóa nên cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Việc hỗ trợ đầu thu vệ tinh cần tiến hành song với với hỗ trợ thiết bị đầu thu số hóa nhằm đảm bảo tất cả hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, UBND tỉnh giao Sở TT-TT chủ trì triển khai đề án trên địa bàn tỉnh, giao Đài PT-TH tỉnh có kế hoạch phối hợp với Công ty TNHH Kỹ thuật truyền hình số Miền Nam nhằm triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu đến hộ nghèo, cận nghèo đúng kế hoạch. Đồng thời, Sở TT-TT phối hợp với các huyện triển khai tập huấn xuống tới tận cán bộ thôn, bản về mục đích, ý nghĩa chương trình, cách thức điều tra, thống kê, lập danh sách hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện hỗ trợ. Đài PT-TH tỉnh hướng dẫn các đơn vị triển khai đề án, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân; lập kế hoạch sản xuất chương trình, tập huấn, triển khai chuyển dổi công nghệ số hóa truyền hình. Sở TT-TT, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê lại số hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh đủ tiêu chuẩn hỗ trợ để trình UBND tỉnh phê duyệt, trình Bộ TT-TT đúng kế hoạch, tiến độ.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN