Khai quật địa đạo Ngọc Sơn (Thăng Bình)
(QNO) - Địa đạo Ngọc Sơn (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) là một trong những nơi nuôi dưỡng dân quân du kích địa phương trong 2 cuộc kháng chiến. Dù đã bị bom đạn đánh sập khá lâu nhưng thông qua khảo sát, thu thập tài liệu, UBND xã Bình Phục đã khai quật được nhiều vị trí miệng hầm của địa đạo.
Miệng hầm địa đạo Ngọc Sơn được phát hiện trong vườn nhà ông Mai Xuân Lãnh. Ảnh: THẮNG QUÂN |
Di tích lịch sử cách mạng
Ông Trần Ngọc Phước - cán bộ văn hóa xã Bình Phục cho biết, qua việc điều tra, xác minh từ một số nhân chứng sống, địa đạo Ngọc Sơn được xây dựng vào khoảng tháng 10.1947 với mục đích nuôi dưỡng lực lượng dân quân du kích địa phương và đảm bảo cho cuộc kháng chiến lâu dài. Công trình này được du kích và nhân dân địa phương đào trong 1 năm với chiều dài gần 1.000m, chiều rộng hơn 1m, chiều cao hơn 1,2m và nằm sâu trong lòng núi Ngọc Sơn.
Sau khi khai quật miệng hầm, UBND xã Bình Phục xây dựng che chắn để tránh nước mưa gây sập miệng hầm. Ảnh: THẮNG QUÂN |
Miệng chính của hầm được ngụy trang bằng cái giếng nước nên muốn vào địa đạo phải xuống giếng. Địa đạo gồm có 3 nhánh (trước đây gọi là hầm 3 góc) bao gồm một nhánh từ miệng hầm xuống đến nhà ông Mai Văn Số, một nhánh đến sau nhà ông Mai Lam (nay là vườn nhà ông Mai Xuân Lãnh) và một nhánh đến nhà ông Đặng Quát (nay là nhà ông Đặng Ngọc Hóa, cùng thuộc tổ 8, thôn Ngọc Sơn Đông).
“Qua lời kể của các bậc cao niên địa phương, lúc đó để đảm bảo bí mật, công việc đào hầm được thực hiện vào ban đêm và di chuyển đất đào xuống ghe đem đến khu vực Bàu Bàng đổ để tránh địch phát hiện. Khi xây dựng xong, hầm vừa là nơi ẩn náu của lực lượng cách mạng vừa là cơ quan làm việc dành cho cán bộ. Địa đạo từng đón nhiều cán bộ tỉnh, huyện về họp và chỉ đạo phong trào cách mạng” - ông Trần Ngọc Phước cho biết.
Bên trong địa đạo Ngọc Sơn vừa được khai quật. Ảnh: THẮNG QUÂN |
Vào du kích địa phương năm 1965, từng chiến đấu tại khu vực chiến trường Ngọc Sơn, ông Trương Văn Châu (77 tuổi, thôn Tất Viên, xã Bình Phục) kể lại, địa đạo nằm sâu trong núi nên đây là nơi trú ẩn rất an toàn trong những đợt càn quét của quân Mỹ.
Theo ông Châu, năm 1966 nhiều lần địch dồn lực lượng du kích vào thế bí nhưng nhờ có hầm nên không bị phát hiện. Khoảng 8 giờ sáng 20.10.1967, lính Mỹ tổ chức một trận càn lớn tại Ngọc Sơn, cho 6 xe tăng và nhiều máy bay đổ bộ ngoài động cát tiến vào làng lùng lục. Trước tình thế khó khăn, lực lượng quá chênh lệch nên khoảng 10 người trong trung đội du kích địa phương đã vào địa đạo để trú ẩn. Tuy nhiên do thời tiết lúc này mưa vừa tạnh nên đã để lại rất nhiều dấu chân, vì thế bị địch lần theo và phát hiện.
Ông Trương Văn Châu - nhân chứng sống kể lại những dấu mốc lịch sử ở địa đạo Ngọc Sơn. Ảnh: THẮNG QUÂN |
“Lúc đó, tôi bị thương khi chiến đấu cách hầm vài trăm mét nên được đồng đội dìu xuống hầm. Địch phát hiện nên chúng bắt đầu cho bom mìm đánh liên tục vào miệng hầm. Những đồng chí còn lại đã cố gắng xung phong, chiến đấu đẩy lùi địch ra khỏi hầm. Sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính gác. Đêm hôm đó, đồng chí Lê Tấn Hùng - Xã đội trưởng và y tá Trương Tổng đã đào đất trốn thoát, còn lại nhóm chúng tôi bị bắt vào sáng hôm sau. Lúc đó, tôi chứng kiến địch dùng máy bay chở thuốc nổ TNT dài đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo” - ông Châu kể.
Đề xuất xếp hạng di tích cấp tỉnh
Gần 50 năm bị vùi lấp hoàn toàn, những năm gần đây, UBND huyện Thăng Bình đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện phối hợp với UBND xã Bình Phục cùng một số nhân chứng lịch sử tiến hành khảo sát, khai quật địa đạo Ngọc Sơn.
Ông Trần Ngọc Phước cho biết thêm: “Trong năm 2015 và tháng 3.2018, địa phương đã phát hiện và khai quật được 2 miệng phụ của địa đạo. Hai miệng hầm này đã được chúng tôi xây dựng tường rào bảo vệ để di tích khỏi bị vùi lấp vào mùa mưa, và thực hiện việc khoanh vùng bảo vệ”.
Một miệng hầm địa đạo Ngọc Sơn. Ảnh: THẮNG QUÂN |
Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, địa đạo không chỉ là dấu tích lịch sử cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến mà còn là câu chuyện để giáo dục các thế hệ trẻ và khơi dậy truyền thống hào hùng của địa phương. Vì thế, UBND xã Bình Phục đã tuyên truyền người dân địa phương chung tay bảo vệ; đồng thời tìm kiếm kinh phí để khai quật nhiều vị trí khác của địa đạo Ngọc Sơn.
“Vừa qua, UBND xã Bình Phục phối hợp với Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo góp ý tư liệu lịch sử địa đạo Ngọc Sơn. Hội thảo đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng, góp phần hoàn thiện hồ sơ về địa đạo Ngọc Sơn để đề xuất xếp hạng di tích cấp tỉnh” - ông Thông nói.
HỒ QUÂN - THANH THẮNG