Nắng nóng đỉnh điểm, cuộc sống đảo lộn
(QNO) - Đợt nắng nóng gay gắt đang xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt 38 - 40 độ C và dự báo còn kéo dài 2 - 3 ngày tới. Sáng nay 4.7, nhóm phóng viên Báo Quảng Nam điện tử ghi nhận tác động của nắng nóng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Một công nhân làm đường liên thôn ở xã Bình Đào làm việc vất vả dưới tiết trời nắng nóng. Ảnh: PHAN VINH |
Vất vả chống chọi với nắng nóng
Trời quá nóng, không thể ra đồng như những ngày bình thường nên ông Trần Anh Đạo (49 tuổi, thôn Vân Tiên, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) ra đồng từ trước 5 giờ sáng. Ông cấp tốc rải phân để khi mặt trời lên, nắng nóng thì cũng vừa lúc xong việc. “Nắng nóng quá nên tôi và bà con làm đồng ở đây phải tranh thủ đi làm từ lúc mặt trời chưa mọc. Chứ tầm 8 giờ sáng trở đi thì ngoài đồng nóng hơn 40 độ, không thể trụ nổi.” - ông Đạo nói.
Gần đó, dù mới hơn 8 giờ sáng, nhưng anh Lê Văn An cùng nhiều người khác đang thi công tuyến đường bê tông liên thôn tại xã Bình Đào phải mặc nhiều lớp áo kín người để chống chọi với nắng nóng. Nhiều việc phải làm gấp rút hơn mọi ngày để đến khoảng gần trưa thì nghỉ tránh nắng. Anh An nói: “Làm nghề này, chúng tôi chịu nắng cũng quen nhưng thời tiết khắc nghiệt như thế này thì chúng tôi cũng không chịu nổi”.
Cặp vợ chồng này ở Duy Vinh, mưu sinh nghề lưới trên sông nhưng phải giải nhiệt dưới cái nóng bức của ngày hè. Ảnh: HUỲNH HÀ |
Ông Nguyễn Văn Dũng ở Phong Thử, xã Điện Phước, Điện Bàn) hành nghề bán vé số dạo nhiều năm nay. Mỗi ngày, ông đạp xe vài tiếng đồng hồ từ Điện Bàn lên Đại Lộc để bán vé số kiếm sống. Giữa cái nắng nóng gay gắt, với chiếc xe đạp, những người bán vé số lớn tuổi như ông vô cùng vất vả nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên phải chịu khó, chịu khổ. “Mỗi ngày đạp xe cả chục tiếng dưới trời nắng nóng tôi kiếm được chừng trăm ngàn đồng nhưng cũng tùy bữa bán đắt, bán ế. Nắng nóng quá, buổi trưa phải tìm quán cà phê, có khi là nhà người quen, bóng cây để tránh nắng chứ không thể đạp xe về nhà nổi" - ông Dũng nói. Tại TP.Tam Kỳ, nắng nóng ngoài tời có lúc hơn 40 độ do hiệu ứng đô thị nhưng nhiều người vẫn phải mưu sinh kiếm sống bất chấp trời nắng gay gắt. Gần 11 giờ trưa, đường sá vắng người qua lại nhưng ông Kỳ - hành nghề xe ôm ở cây xăng Hùng Vương - Điện Biên Phủ vẫn nhẫn nại chờ khách. “Bình thường một ngày chạy xe ôm được vài ba trăm ngàn, nắng nóng thế này cánh xe ôm chúng tôi cũng ế hẳn, đến tài xế tắc xi cũng than ế mà. Mong ông trời mau qua cơn nóng". Cô Hà, một công nhân của công ty môi trường đô thị đang chăm sóc cây cảnh trên đường Hùng Vương cũng thấy công việc ngày thường trở nên nặng nhọc hơn nên cố ra đường làm việc sớm hơn mọi ngày để về nhà sớm hơn. (P.VINH - Q.HỒ - H.LIÊN - TH.NHẬT) Lo thiếu nước sản xuất Đang hì hục dùng máy bơm nước cho lúa, ông Nguyễn Thanh (54 tuổi, thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, Phú Ninh) cho biết, gần 1 tuần trở lại đây nắng nóng gay gắt khiến hơn 1 mẫu ruộng của ông bị khô nước. Trong khi đó, khu vực ruộng lúa này dù có hệ thống kênh mương nội đồng nhưng vì ở cuối tuyến nên nước không tới được. Ông Thanh phải bỏ ra 4 triệu đồng mua máy bơm nước loại lớn về bơm nước cứu lúa. Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, sáng nay 4.7 phòng đã đi kiểm tra thực địa về tình hình sản xuất vụ hè thu 2018 trên địa bàn huyện. Tại thời điểm kiểm tra, 3.150ha đất lúa cơ bản vẫn đang sản xuất ổn định. Tuy nhiên, một số hồ đập như Hố Lau, Đập Đá, Ba Phan… và một số diện tích lúa ở khu vực cuối kênh Phú Ninh có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất khi nắng nóng kéo dài. Tại Núi Thành, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện dự báo, địa phương sẽ bị thiếu hụt nước sản xuất tại một số xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Hòa… vì đây là các vùng ở cuối tuyến kênh. Cùng với đó là nguy cơ bị nhiễm mặn ở các vùng này khi hạn hán xảy ra. “Khi có đợt nắng nóng, trung tâm đã đi kiểm tra và nhận định các đập, hồ chứa như Hố Mây (xã Tam Nghĩa), Thái Xuân (xã Tam Hiệp)… vẫn tích nước đủ cho sản xuất. Đến nay 3.600ha lúa vụ hè thu này vẫn đang ổn định, chúng tôi chỉ lo lắng khi nắng nóng tiếp tục diễn ra trong thời gian dài” - ông Hà Văn Tâm, Trưởng bộ phận trồng trọt - bảo vệ thực vật, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho hay. Tại Duy Xuyên, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, những ngày gần đây do mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao, khiến trạm bơm điện Mỹ An ở thị trấn Nam Phước phải ngưng hoạt động hoặc vận hành hết sức èo uột. Do vậy, 30ha lúa non đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ của hàng trăm hộ dân trên địa bàn thị trấn Nam Phước đang đối mặt với nguy cơ bị khô hạn nặng. Ông Phạm Hồng Thắng - Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi thị xã Điện Bàn cho biết, tình hình khô hạn là cực kỳ gay gắt, mực nước ở nhiều trạm bơm do đơn vị quản lý một số thời điểm xuống rất thấp, nhưng xâm nhập mặn không diễn ra như các năm trước do đã có đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Cụ thể, như ở trạm bơm La Thọ trong tháng 6.2018, có ngày mực nước hạ xuống 1,05m, trong khi theo thiết kế để vận hành ổn định thì trạm cần mực nước khoảng 1,8m. Tương tự là trạm bơm Thanh Quýt có ngày hạ còn 1,65m, trong khi mực nước thiết kế chuẩn để vận hành khoảng 2m. Lý giải về điều này, ông Thắng cho biết trong các ngày đầu tuần (từ thứ Hai đến thứ Tư) do ảnh hưởng của điều tiết thủy điện từ thượng nguồn nên mực nước về các trạm bơm khá thấp, qua đó các trạm bơm của đơn vị phải luân phiên lấy nước để đảm bảo điều tiết, hoạt động ổn định. Điều đáng mừng là khoảng hơn 4.500ha diện tích cây trồng do đơn vị quản lý tưới tiêu vẫn được đảm bảo ổn định. (THANH THẮNG - ĐOÀN ĐẠO - NHÃ PHƯƠNG - QUỐC TUẤN) Tập trung chống hạn Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, do thời tiết quá khắc nghiệt nên trong vụ hè thu này Quảng Nam có không dưới 10.000ha lúa đã, đang và sẽ đứng trước nguy cơ khô hạn nghiêm trọng. Số diện tích này tập trung chủ yếu tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My… “Để chủ động đối phó với tình trạng nắng hạn và nhiễm mặn, ngay từ đầu vụ hè thu 2018 UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung xây dựng cụ thể những phương án phòng chống, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Theo dự tính, vụ này toàn tỉnh sẽ phải chi ít nhất 10 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn. Trong đó, chủ yếu là đắp đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên các con sông, mua máy bơm dã chiến và nhiên liệu hỗ trợ chính quyền cơ sở, các hợp tác xã nông nghiệp để tận dụng mọi nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối, đầm lạch… cứu cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông” - ông Trương Xuân Tý nói. Nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Cường (Quế Sơn) thông tin, hàng loạt ao hồ và sông suối cạn kiệt, mạch nước ngầm tụt giảm mạnh khiến hơn 200 hộ dân thường xuyên sử dụng các giếng đào trên địa bàn xã (phần lớn tập trung ở thôn Phú Cường 1) bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nguồn nước phục vụ việc ăn uống và tắm giặt, hằng ngày rất nhiều gia đình phải chở thùng, can nhựa loại lớn đi khắp nơi xin nước về dùng. Nhiều vùng khác của huyện Quế Sơn cũng đang đối mặt với thực trạng trên. Theo ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, hiện nay tại các xã Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế Châu, Quế Phong, Quế An cũng có hơn 3.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Theo tìm hiểu, ngoài Quế Sơn, hàng chục nghìn hộ dân ở nhiều nơi như Nông Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nam Giang, Tiên Phước… cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vì hàng loạt giếng đào đã cạn kiệt nước. (N.SỰ) Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên thì nêu giải pháp: “Nhằm giải cứu 30ha lúa của huyện, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên cùng chính quyền địa phương đang tập trung vận động, hướng dẫn nhân dân kéo đường dây điện ra các cánh đồng và đóng khoảng 30-40 cái giếng khoan ngay trên ruộng để hút mạch nước ngầm tưới cho lúa”. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố có tổng cộng 43.500ha đất canh tác lúa. Tuy nhiên, vụ hè thu 2018 này nông dân toàn tỉnh chỉ đưa vào sản xuất 42.000ha, còn lại 1.500ha không thể gieo sạ được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tại nhiều địa phương kết cấu hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng hoặc thi công không đồng bộ, bài bản. Đặc biệt, từ cuối tháng 3 dương lịch đến nay, nắng nóng xuất hiện nhiều đợt kéo dài trên diện rộng khiến hàng loạt ao hồ, sông suối cạn kiệt và dòng chảy của các con sông Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Bàn Thạch, Ly Ly… tụt giảm mạnh. (NGUYỄN SỰ) Chủ động phòng chống cháy rừng Ông Hà Phước Phú - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngoài thực hiện tốt các nội dung trong văn bản chỉ đạo về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn cháy nổ tại một số điểm rừng. Trên cơ sở đó tích cực chủ động phương án phòng ngừa cháy rừng. Theo dõi chặt chẽ về thông tin trên trang web phòng cháy chữa cháy của trung ương, nếu có tình trạng nền nhiệt cao, nguy cơ cháy rừng sẽ điện báo cho các đơn vị quản lý rừng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Theo dõi thông tin từ 14 trạm quan trắc khí tượng cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh báo về buổi trưa hàng ngày để kiểm tra, cũng như theo dõi thông tin vệ tinh ngoài trung ương. “Ở cấp huyện có ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, nếu điểm cháy vượt tầm kiểm soát của cấp huyện sẽ báo ngay về tỉnh. Ngoài ra, còn có 2 đội chuyên chữa cháy số 1, số 2 ở hai cánh phía nam và phía bắc đảm bảo công tác chữa cháy. Các chủ rừng đã xây dựng phương án chữa cháy và gửi cho lực lượng kiểm lâm để theo dõi. Đối với địa bàn vùng núi thì tận dụng lực lượng chữa cháy tại chỗ khi có tình huống cháy xảy ra” - ông Phú nói. (T.THẮNG) Đảm bảo an toàn tuyến sông nước Theo ghi nhận của chúng tôi, sau gần 1 tuần xuất hiện đợt nắng nóng này, lượng khách du lịch đến Hội An đổ xô chọn các loại dịch vụ giải trí, vui chơi sông nước; tuyến khách đổ ra Cù Lao Chàm cũng tăng hơn ngày thường. Theo chính quyền địa phương, bình quân những ngày này, Cù Lao Chàm đón khoảng 4.000 lượt khách trong và ngoài nước. Các công ty có dịch vụ vận chuyển khách ra đảo cũng cho hay lượng du khách ra đảo đông, chủ yếu thích lặn biển, ngắm san hô. Bình thường số giờ lặn biển chỉ 1 tiếng đồng hồ, nhưng trong các ngày nắng nóng, đa số du khách lặn biển từ 2 - 2,5 tiếng đồng hồ để tránh nóng. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh nắng nóng Trưa 4.7, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có văn bản khẩn cấp gửi các địa phương, cơ quan, ban ngành về việc tăng cường tuyên truyền cảnh báo, hướng dẫn nhân dân cách phòng tránh nắng nóng. Theo đó đề nghị UBND các địa phương, cơ quan thông tấn báo chí cập nhật, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo hướng dẫn các biện pháp phòng tránh nắng nóng cho người dân. Đồng thời khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với nắng nóng (đặc biệt là từ 10 - 16 giờ); tăng cường uống nhiều nước, nhiều lần; bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý trong môi trường nhiệt độ cao; hạn chế chăn thả trâu bò, gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời hơn 37 độ C; che lưới chống nắng, giữ độ ẩm cho cây trồng... (V.PHIN) Trong khi đó, các tour du lịch sông nước cũng thu hút du khách, tính riêng tour du khách tham quan rừng dừng nước Cẩm Thanh mỗi ngày đón khoảng 1.000 lượt khách. Ngoài ra các tour chèo thuyền kayak, thuyền thúng trên sông cũng kín lịch. Bãi biển tại Hội An những ngày qua cũng đông nghịt người. Từ khoảng 15 giờ chiều, các bãi biển Cửa Đại, An Bàng đều kín người. Còn ở Núi Thành, ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương đã dự báo được lượng khách đến vui chơi, tắm biển tăng cao khoảng 500 - 700 lượt/ngày tại các bãi biển ở Tam Quang, Tam Nghĩa, Tam Tiến… nên đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân vui chơi, tắm biển an toàn. “Tại các bãi tắm đã quy hoạch, chúng tôi đã cho cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm và có biển hướng dẫn các khu vực tắm an toàn cho người dân và du khách; cùng với luôn có ban quản lý bãi tắm, đội cứu hộ ứng trực để bảo vệ du khách. Riêng với các điểm du lịch như Hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây), suối Nà Nghệ (xã Tam Sơn) và đặc biệt là các bãi tắm chưa quy hoạch, các sông, hồ, suối thì huyện liên tục chỉ đạo các địa phương phải tăng cường quản lý, nhắc nhở để phòng tránh tối đa việc bị tai nạn đuối nước, nhất là với các em học sinh đang trong dịp nghỉ hè” - ông Ngô Đức An nói. Trong khi đó tại Điện Bàn, hàng nghìn lượt người dân địa phương và khách du lịch đã đổ về các bãi biển như: Hà My, Thống Nhất (phường Điện Dương), Viêm Đông (phường Điện Ngọc) để tránh nóng. Ngoài ra, các điểm du lịch sinh thái có khí hậu mát mẻ như: Triêm Tây, đồi thông Bồ Bồ… cũng thu hút lượng lớn khách du lịch. (MINH HẢI - ĐOÀN ĐẠO - QUỐC TUẤN) Cẩn trọng bệnh do nắng nóng Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại Núi Thành), các bệnh do nắng nóng có tăng nhẹ. Lượng người bệnh nhập viện không tăng đột biến, chỉ tăng một số ca bệnh liên quan đến hô hấp, suy nhược do thời tiết thay đổi. Theo Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại, với quy mô 790 giường bệnh và tình hình số ca nhập viện, bệnh viện vẫn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ở huyện Núi Thành và cả người dân của tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, bệnh viện cũng đã chuẩn bị phương án đón tiếp khi lượng bệnh nhân tăng hoặc khi có dịch bệnh xảy ra. Còn theo thống kê từ Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa (Thăng Bình), trong 2 tháng nắng nóng vừa qua, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.500 ca bệnh có liên quan đến thời tiết. Trong đó chủ yếu là các nhóm bệnh hô hấp, tiêu hóa, sốt và các bệnh lây lan như thủy đậu, quai bị... Riêng tuần nắng nóng đỉnh điểm này, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 ca bệnh người lớn và 200 ca bệnh là trẻ em. Ông Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa khuyến cáo: “Vào những ngày nắng nóng kéo dài như thế này, người lao động nên hạn chế làm việc quá lâu dưới trời nắng. Đặc biệt đối với trẻ em, các phụ huynh chú ý chăm sóc con trẻ cẩn thận, tránh để các em tiếp xúc với nhiều môi trường nhiệt độ khác nhau. Khi có những biểu hiện bất thường như mỏi mệt, thân nhiệt tăng cao nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất”. Thăng Bình: Xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết Nắng nóng diễn ra dài ngày khiến nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết. Tại thôn 3, xã Bình Triều (Thăng Bình) đã có 6 trường hợp bị sốt cao phải nhập viện. Hai mẹ con chị Trần Thị Năm (thôn 3, xã Bình Triều) nhập viện 1 tuần qua nhưng do nắng nóng liên tục nên bệnh tình không thuyên giảm. “Bữa đầu nhập viện sốt tới gần 40 độ, tuy nay đã giảm nhưng cả người mệt rã rời, miệng thì đắng ngắt. Riêng con trai tôi thì cứ sốt đi sốt lại, không ăn được gì, tôi rất lo lắng” - chị Năm nói. Nhiều trẻ em nhập viện Nhi Quảng Nam (clip) Theo Bệnh viện Nhi Quảng Nam, trong đợt nắng nóng này, từ ngày 1.4 đến ngày 30.6, đã có hơn 2.600 bệnh nhi nhập viện điều trị. Trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 250 lượt trẻ em đến khám bệnh và từ 30 đến 50 trẻ em phải nhập viện. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị sốt, viêm đường hô hấp và tiêu chảy… Nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi do nắng nóng. Hiện tại, Bệnh viện đã triển khai đồng bộ nhiều phương án dự phòng cho việc số lượng bệnh nhi tiếp tục tăng cao đột biến như bổ sung thêm giường bệnh; lắp đặt thêm quạt để đảm bảo thoáng mát cho bệnh nhi; bố trí đầy đủ bàn khám, sắp xếp, nhanh chóng sàng lọc bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của bệnh nhi và người nhà. (P.VINH - Q.HỒ - A.QUÂN) Clip nhiều trẻ em đến khám, điều trị bệnh mùa hè tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. (Thực hiện: ANH QUÂN) . Trong khi đó, ông Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn xác nhận tình hình lượt khám, chẩn đoán bệnh tại đơn vị tăng mạnh trong mấy ngày qua, nhất là người già và trẻ em. Theo thống kê của trung tâm, chỉ trong vòng 1 tuần qua đã có tới 3.544 lượt người dân (trong cả tháng 5.2018 chỉ có hơn 10 nghìn lượt) đến khám tại đơn vị, trong đó đã thực hiện chuyển tuyến cho hơn 1.000 bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn), dù đến thời điểm hiện tại tỷ lệ bệnh nhân đến khám hoặc nhập viện liên quan đến nắng nóng không cao so với ngày thường, nhưng không vì thế mà người dân chủ quan. “Mỗi ngày bệnh viện khám 400 - 500 bệnh nhân, nhập viện 60 - 70 người, so với ngày thường con số này là trung bình. Với thời tiết gay gắt và phức tạp như hiện nay, người dân nếu không phòng chống tốt sẽ dễ bị các triệu chứng, bệnh liên quan như say nắng, say nóng, cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đường ruột…” - bác sĩ Tấn nói. (ĐOÀN ĐẠO - PHAN VINH - KHÁNH LINH - QUÂN HỒ) Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhiệt độ mặt đường tăng cao, đường nhựa hấp thụ ánh nắng bốc hơi nóng khiến người đi đường cảm thấy nóng rát da khó chịu. Giữa “chảo lửa”, cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 2 (thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) vẫn làm nhiệm vụ. Đại úy Nguyễn Minh Tài - Phó đội trưởng Đội CSGT số 2 cho hay, mặc dù nắng nóng nhưng lực lượng của đội vẫn hoạt động bình thường, có mặt trên đường 24/24 để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo ATGT cho mọi người. Còn tại TP.Tam Kỳ, để tránh cái nóng oi bức, hàng nghìn người dân tìm đến các bãi biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) hoặc khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh) để tránh nắng, tắm mát tăng đột biến. Lực lượng CSGT Công an TP.Tam Kỳ đã phân công lực lượng chốt chặn tại các tuyến đường biển, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đại úy Ngô Đình Kiên - Đội phó Đội CSGT Công an TP.Tam Kỳ nói: “Khoảng 4-5 giờ chiều, người dân tìm về các vùng biển trên địa bàn thành phố rất đông nên đơn vị cũng tập trung tăng cường đảm bảo an toàn cho mọi người trên các tuyến đường này”. Cô Hà mặc kín đồ bảo hộ chăm sóc cây dưới trời nắng nóng. Ảnh: THANH NHẬT Nông dân huyện Phú Ninh bơm nước cứu lúa. Ảnh: THANH THẮNG Không có nước tưới, hàng loạt diện tích đất lúa phải bỏ hoang trong vụ hè thu này. Ảnh: VĂN SỰ Mặn liên tục xâm nhập sâu khiến nhiều trạm bơm điện ở Duy Xuyên vận hành hết sức khó khăn. Ảnh: VĂN SỰ Người dân cần trang bị kỹ năng khi tắm biển tránh nóng. Ảnh: MINH HẢI Khám, chẩn đoán cho bệnh nhi tại Trung tâm Y tế Điện Bàn. Ảnh: QUỐC TUẤN Một cán bộ thuộc đội CSGT Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) làm việc dưới cái nắng tại tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.T