Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Từng bộ ngành, địa phương cùng suy nghĩ để đóng góp vào sự tăng trưởng
(QNO) - Sáng 2.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Lê Văn Thanh, Trần Văn Tân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hội nghị 6 tháng là hội nghị quan trọng, vì chúng ta đã đi được 1/2 chặng đường của năm 2018. Hội nghị này không chỉ đánh giá, phân tích tình hình, làm rõ những nhận định, đặc biệt là đánh giá sát diễn biến trong nước và quốc tế, những kết quả đạt được, mà còn nhận diện được những yếu kém, tồn tại, những nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Để từ đó chúng ta nói rõ hơn, xử lý cụ thể hơn những giải pháp khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm 2018. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta không phải nêu nhiều thành tích, nhiều tình hình mà cái chính là đưa ra những giải pháp sát đúng với đất nước, với địa phương, vùng miền”.
Thủ tướng cho biết, sau khi xin ý kiến Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tập hợp 18 vấn đề trọng tâm cần tập trung thảo luận; trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an ninh an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác... Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu rõ những khó khăn, trở ngại; lãnh đạo các bộ nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ |
Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 11.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 8.300 tỷ đồng, đạt 53,6% dự toán, vượt 3,6% so với tiến độ thu bình quân 6 tháng (50%) và cao hơn cùng kỳ năm trước cả về số thu và tiến độ thu. Hầu hết các sắc thuế thu đều tăng và vượt dự toán thu.
Đến nay, nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, tổng vốn huy động của các ngân hàng cuối tháng 6 hơn 48.380 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay gần 54.480 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 13.082 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ, chiếm 32% GRDP.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.Đ |
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so cùng kỳ. Đến cuối tháng 6.2018 có 707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26,4% so cùng kỳ. Nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 6.122 doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đánh giá: “Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án vùng đông nam và ven biển Điện Bàn - Hội An. Các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,28%; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, điều trị bệnh và các chương trình y tế được triển khai rộng khắp. Tình hình an ninh - quốc phòng được bảo đảm. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn”.
Nhìn nhận về những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng kiến nghị, đề xuất với Chính phủ về các vấn đề liên quan. Trong đó, kiến nghị Trung ương xem xét tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nêu trên ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đã đạt xã nông thôn mới ít nhất từ 3-5 năm kể từ ngày xã đạt chuẩn nông thôn mới, để các xã này có điều kiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới bền vững.
Vùng núi Quảng Nam có độ dốc cao, lượng mưa lớn nên trong thời gian vừa qua, tình hình sạt lở đã xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng và con người (tập trung ở các huyện có lượng mưa rất lớn và thường xuyên như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn - đây là những địa bàn thuộc huyện 30a, 30b). Từ thực tiễn đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho Quảng Nam dự án bổ sung xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc di dời, sắp xếp dân cư vùng dân tộc thiểu số bị thiên tai uy hiếp thường xuyên (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), trong đó ưu tiên 3 huyện miền núi nêu trên, tỉnh đảm bảo việc hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới.
91% người dân tin tưởng vào nỗ lực phòng chống tham nhũng
Đánh giá khái quát những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng hơn 6,8%, lạm phát vẫn giữ được mức 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do chúng ta; chính do quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Chứ nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”.
Chia sẻ như vậy, Thủ tướng mong muốn từng bộ ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển của đất nước.
Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng cho rằng, điều đáng mừng nhất là công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ thiếu đói trong 6 tháng giảm mạnh đến gần 40%; tỷ lệ thất nghiệp thấp, chiếm 2,2%; phát đến gần 22 triệu thể bảo hiểm y tế miễn phí; bộ máy và biên chế có những tiến bộ so với cùng kỳ...
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh diễn biến tình hình thế gới và trong nước có nhiều phức tạp, với sự phấu đấu của các ngành quân đội, công an, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tích cực, tạo không khí phấn khởi làm ăn kinh doanh toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư và nhân dân. Viện Nghiên cứu dư luận xã hội nhận định, đa số người dân ghi nhận chuyển biến tích cực về đối ngoại - hơn 70%; 62% người dân ghi nhận quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phòng chống tham nhũng cũng được người dân tin tưởng, đã tăng lên 59%; đặc biệt có đến 91% tin tưởng vào nỗ lực phòng chống tham nhũng.
“Điều khái quát lớn mà chúng ta đang phấn đấu quyết liệt đó là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, rất nhiều ngành, địa phương năng động, sáng tạo trong phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành trong cả nước rất quyết liệt, năng động, trách nhiệm cao trong tìm lối đi, cách làm để phát triển phát triển địa phương của mình trong khuôn khổ pháp lý của Đảng, Nhà nước. Nhiều địa phương đạt được kết quả phát triển rất đáng mừng” - Thủ tướng đánh giá.
Không để bức xúc kéo dài
Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước và cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, lăn xả với công việc của nhiều cán bộ, đảng viên. Có nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án xảy ra nhưng không thể vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là tình hình phổ biến trong các ngành, địa phương; còn người nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ.
Trước khi nói các vấn đề liên quan đến kinh tế, Thủ tướng nêu 3 vấn đề bức xúc mà các ngành, địa phương đã nhận thấy để cần chủ động hơn trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ. Đó là thiên tai, an ninh trật tự và các vấn đề xã hội bức xúc khác. Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đưa đất nước phát triển đúng hướng.
Đối với các vấn đề xã hội bức xúc khác, Thủ tướng cho biết, tại Kỳ họp lần thứ 5 vừa qua, có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Lòng dân, các lợi ích chính đáng của nhân dân cần được hết sức quan tâm giải quyết kịp thời. Đây là yêu cầu cần thiết hiện nay đối với mọi cấp, mọi ngành trong đối thoại, giải quyết công việc. Nhưng chúng ta vẫn lập lại kỷ cương, phép nước, dân chủ nhưng phải tập trung, dân chủ với số đông, với nhân dân và phải kiên quyết xử lý đối với kẻ xấu, cầm đầu chống đối đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất 7 năm qua Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch đầu tư, tăng trưởng kinh tế diễn biến tích cực, GDP duy trì đã tăng trưởng cao, 6 tháng đầu năm ước đạt 7,08% là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước tăng vượt bậc, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,07%, đóng góp 48,9% vào mức tăng trưởng chung; trong đó riêng công nghiệp tăng 9,28%, ngành xây dựng tăng 7,93% - thấp hơn mức tăng cùng kỳ (8,5%). Khu vực dịch vụ tăng 6,9%, tương đương mức cùng kỳ năm 2017 (6,98%), đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6 chỉ số giá tiêu dùng CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, cụ thể trong tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. |
NGUYÊN ĐOAN