Rượu & bữa cơm nhà

C.B.L 28/06/2018 09:11

Đêm qua, trong lúc tìm tài liệu tra cứu, vô tình tôi ngồi đọc lại những dòng trong Bản án chế độ thực dân Pháp của Bác Hồ: “Chúng dùng thuốc phiện và rượu cồn để làm cho giống nòi ta suy nhược. Lúc ấy, cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện nhưng cũng chỉ có vẻn vẹn 10 trường học”. (Trích Chương II: Việc đầu độc người bản xứ).

Trong hai nạn thuốc phiện và rượu cồn, sau gần 100 năm từ ngày Bác viết Bản án chế độ thực dân Pháp, thì rượu cồn vẫn hiển hiện hằng ngày hàng giờ trên khắp nước Việt; không phải từ thực dân Pháp, mà từ chính người Việt.

Theo con số được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố hồi năm 2017, gần 40% số vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra, và trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Con số từ Viện Pháp y quốc gia: xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông thì 34% nạn nhân trong máu có nồng độ cồn.

Những con số ấy được báo chí công bố nhiều lần, vào nhiều thời điểm khác nhau, nhưng liệu có khiến người sau cuộc nhậu giật mình? Hay ai cũng tự nhủ, kiểu “nó chửi cả làng, nhưng chừa mình ra”? Người Việt mình rất lạ. Vui, nhậu. Buồn, nhậu. Kỷ niệm, nhậu. Lễ lạt, lại nhậu. Không có lý do gì, cũng nhậu. Hôm nay, ngày 28.6, Ngày gia đình Việt Nam, rồi cũng sẽ có những cuộc nhậu.

Tại hội thảo về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia được tổ chức hồi đầu tháng 6 này, có con số được đưa ra khiến… giới nữ giật mình: một nam giới Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (con số năm 2010). Đây được cho là mức tiêu thụ rất cao, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 10 ở châu Á và thứ 29 thế giới.

Người Nhật, khi đến xâm lược nước ta, những năm 1940 - 1945, được/bị gọi là Nhật lùn. Sau hơn 60 năm, bây giờ thể trạng của người Nhật đã “ăn đứt” thể trạng người Việt. Có thể thấy ngay, nếu nhìn vào đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật tại World Cup 2018. Thể trạng của người Việt làm sao cải thiện nổi, nếu nhìn vào thứ bậc xếp hạng tiêu thụ rượu bia này.

Về tần suất, những cuộc nhậu quán xá luôn tỷ lệ nghịch với bữa cơm nhà, nhậu nhiều thì cơm nhà ít. “Bữa cơm yêu thương” có thể chỉ còn là uyển ngữ chứ không là kết nối giữa các thành viên gia đình.

Bỗng nhớ về loài cá hồi, loài cá ngược sông để đẻ. Theo tài liệu mở Wikipedia, cá hồi sinh ra tại khu vực nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại vùng nước ngọt để sinh sản. Truyền thống dân gian cho rằng, loài cá này trở về đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, hành động quay lại nơi ra đời được các nhà nghiên cứu cho là phụ thuộc vào ký ức khứu giác. Những cuộc trở về nhà của loài các hồi hay loài lươn biển với hành trình ngàn dặm, trải bao ghềnh thác, nhưng đều về đúng bổn quán.

Một so sánh khá khập khiễng nhưng có thể chấp nhận không, rằng con người, nếu không đủ đầy ký ức khứu giác, khởi đi từ bữa cơm nhà, liệu có “trở về”, sau những gian nan?

Nhà.

C.B.L

C.B.L