Làm thêm ngày hè

NHƯ TRANG 27/06/2018 14:13

Tranh thủ ngày nghỉ hè, nhiều học sinh, sinh viên kiếm việc làm thêm để phụ giúp cha mẹ và mua sắm sách vở đầu năm học mới cũng như có trải nghiệm mới trong rèn luyện kỹ năng sống.

Học sinh nhận việc nặn tò he làm thêm dịp hè. Ảnh: N.Trang
Học sinh nhận việc nặn tò he làm thêm dịp hè. Ảnh: N.Trang

Đang vào mùa thu hoạch sen, trên địa bàn phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) có nhiều cơ sở thuê nhân công bóc hạt sen. Biết thông tin cần người làm, các cô cậu học trò nhanh chóng đạp xe đến nhận sen về bóc vỏ với giá tiền công 15.000 đồng/kg. Cứ sáng hôm nay nhận sen, các em tập trung bóc vỏ, đến trưa giao lại cho thương lái và nhận tiền công. Nhiều em còn làm thêm ca chiều hoặc nhận sen về làm tại nhà. Em Trần Xuân Lành (trú tại khối 6, phường Vĩnh Điện) năm nay lên lớp 10, vừa nghỉ hè đã nhận sen về làm kiếm tiền kịp mua vải may áo dài. Lành chia sẻ: “Em bắt đầu nhận bóc vỏ sen từ lúc học lớp 6, đến nay cũng quen tay nên làm rất nhanh. Mỗi ngày em bóc khoảng 5kg sen kiếm được 75.000 đồng, nhờ thế em có thêm tiền sắm đồng phục và sách vở, đỡ đần ba mẹ bớt nhọc nhằn”. Cùng nhóm bóc vỏ sen với Lành, em Nguyễn Thị Thu Hà hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế tranh thủ ngày nghỉ hè về quê làm thêm. Việc bóc vỏ sen giúp Hà trang trải đi học xa cũng như trải nghiệm giá trị của lao động một cách thiết thực nhất.

Tại phường Thanh Hà (TP.Hội An), học sinh cấp 2 rủ nhau tìm đến làng gốm xin nhào đất sét và nặn tò he vừa giải trí, vừa có cơ hội trò chuyện với người nước ngoài, lại vừa kiếm thêm thu nhập. Ông Phan Văn Thu, chủ xưởng sản xuất tò he cho biết: “Năm nào cũng vậy, trường vừa cho nghỉ hè là cả chục em học sinh đạp xe đến đây xin học làm tò he. Chúng tôi cũng vui vẻ đón nhận và chỉ dạy tận tình. Có các cháu, làng gốm thêm tiếng cười”. Để làm tò he một cách thành thạo, mỗi em phải tìm hiểu kỹ về từng loại đất sét, cách nhào đất sét rồi sau đó mới nặn thành phẩm theo hình các con vật: trâu, chó, mèo, rồng, rắn… Tiền công sẽ tính theo số lượng tò he các em làm được, theo đó giá tiền công là 1.000 đồng/con.

Em Nguyễn Thị Thùy Vi năm nay lên lớp 8, kỹ năng nặn tò he đất rất thành thục. Đôi bàn tay nhỏ xinh làm thoăn thoắt hết con này đến con nọ, Vi còn biết vẽ hoa văn và khoét lỗ thổi cho con tò he khiến nhiều nghệ nhân và du khách rất thích thú. Em Nguyễn Văn Khoa mới 12 tuổi nhưng đã biết phụ mẹ làm hơn 30 con tò he mỗi ngày. Không chỉ thế, Khoa còn động viên các bạn tìm đến làng gốm xin làm tò he kiếm tiền mua sách, đặc biệt có cơ hội gặp gỡ du khách Tây nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Với các em học sinh này, dịp hè là khoảng thời gian rèn luyện bản thân, tích lũy thêm vốn hiểu biết, khẳng định nghị lực vượt khó và chứng minh sự năng động của mình.

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG