Nhiều nước châu Á khuyến khích giới trẻ học nghề
(QNO) - Giới trẻ tại khu vực được khuyến khích tham gia học nghề thay vì học đại học.
Giới trẻ Hàn Quốc xếp hàng xin việc làm. Ảnh: poandpo |
Sean Lee, năm nay 33 tuổi, sinh sống tại Singapore nhớ lại, anh quyết định từ bỏ giảng đường đại học vốn là ước mơ của rất nhiều người để theo đuổi đam mê của mình: nhiếp ảnh. Vào năm 2011, Sean Lee vinh dự nhận Icon De Martell Cordon Bleu - một trong những giải thưởng nhiếp ảnh danh giá nhất của Singapore. Trong 7 năm qua, công việc nhiếp ảnh của Sean Lee ăn nên làm ra với rất nhiều đơn đặt hàng thường xuyên.
Theo các chuyên gia, đại học được xem là một cánh cửa dẫn đến thành công, nhưng không phải là cánh cửa duy nhất. Thực tế hiện nay có rất nhiều sinh viên đại học tại khu vực châu Á khi ra trường không kiếm được việc làm.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở người có trình độ cao tăng mạnh. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê nước này, trong tổng số hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tỷ lệ người có trình độ tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao thứ hai với gần 36%, chỉ đứng sau nhóm lao động tốt nghiệp trung học là 40,6%. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự cạnh tranh việc làm ngày càng trở nên khốc liệt hơn trong một xã hội có trình độ phát triển ngày càng cao.
Trong khi đó, thị trường lao động tại khu vực lại thiếu hụt lao động có kỹ năng hay tay nghề cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp. Ông Setyoko thuộc Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết: “Chúng tôi đã thuyết phục được giới trẻ rằng giáo dục nghề nghiệp có thể dẫn tới một sự nghiệp tốt và không cần phải theo đuổi bằng đại học”.
Công nhân nhà máy sản xuất hàng điện tử tại châu Á. Ảnh: usine-digitale |
Giám đốc điều hành tại Bộ Công nghiệp Indonesia - Pramono Setyoko nói: “Các công ty ở Indonesia đang tìm lao động tay nghề nhưng không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có thể phù hợp với nhu cầu của họ. Đó là lý do tại sao Chính phủ đang khuyến khích các trường học phổ thông trung học và ngành công nghiệp hợp tác đề đào tạo nghề cho học sinh đáp ứng với nhu cầu lao động ở nhiều ngành nghề. Nhiều công ty tại Indonesia tuyển dụng lao động thông qua kỹ năng nghề nghiệp thay vì bằng cấp”.
Các chuyên gia giáo dục Singapore cho rằng, nhiều người lựa chọn giáo dục nghề nghiệp bởi vì họ không có cơ hội vào đại học, hoặc họ có niềm đam mê đối với một số lĩnh vực. Vì thế giáo dục nghề nghiệp cho phép họ đi sâu hơn vào lĩnh vực mà họ quan tâm.
Thực tế cho thấy, cũng như giới trẻ tại nhiều quốc gia, học sinh Singpore vẫn nỗ lực kiếm bằng đại học với ước mơ tương lai tươi sáng hơn. Nhưng hiện nay, nhiều người trẻ Singapore có xu hướng chọn con đường học những nghề để dễ xin việc.
Theo trang web scmp.com, ngay từ năm 2015, Singapore khởi động chương trình quốc gia SkillsFuture, trong đó giới chức giáo dục công nhận việc thành thạo một kỹ năng nhất định như nấu ăn, lập trình cũng tốt như thành tích kiếm được một tấm bằng đại học. Nhưng quan niệm trọng bằng cấp của nhiều người tại châu Á không phải dễ thay đổi nhanh.
NAM VIỆT