Tăng cường thực hiện năng lượng tiết kiệm

QUẾ LÂM 27/06/2018 09:08

“Đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên đến 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế”.

Đại biểu trao đổi trước cuộc họp. Ảnh: T.N
Đại biểu trao đổi trước cuộc họp. Ảnh: T.N

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đình Toán - Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại hội nghị “Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, trong khuôn khổ sự kiện Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) diễn ra tại TP.Đà Nẵng chiều 26.6. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toán cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Nhận thức được các vấn đề đặt ra của quá trình phát triển, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp theo định hướng phát triển bền vững như Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo thống kê, năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng bao gồm cả khu vực dân dụng chiếm tỷ lệ khoảng 36 - 37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia của Việt Nam, chỉ đứng sau sản xuất công nghiệp. Với tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 được dự báo khoảng 10%/năm, lượng điện năng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và theo đó là lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng lên đáng kể hàng năm.

Ở cấp ngành, Bộ Xây dựng mới đây đã cập nhật và ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, có hiệu lực từ ngày 1.6.2018 và sắp tới là Lộ trình và kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng. Như vậy, Việt Nam đã làm đồng bộ ở các cấp, các ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia, đóng góp vào nỗ lực của quốc tế như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã đệ trình Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC); theo đó đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên đến 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

Bà Adriana Dinu - Giám đốc Phát triển bền vững Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khẳng định, cùng với các tổ chức quốc tế, Quỹ Môi trường toàn cầu GEF, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP đã và đang chung tay với Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề này thông qua Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. Việc thực hiện hiệu quả dự án nêu trên sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện chính sách, năng lực và tăng cường đầu tư hiệu quả vào các công trình xây dựng, tiến gần hơn tới hiện thực hóa các cam kết quốc tế.

Sự kiện bên lề về “Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng” là cơ hội để các quan chức, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, đại biểu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng trao đổi những khó khăn, thách thức, kinh nghiệm và đề xuất sáng kiến về hỗ trợ thực thi quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình, cơ chế khuyến khích phát triển công trình tiết kiệm năng lượng, các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng… Đây là những nội dung rất hữu ích đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung trong việc triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công trình xây dựng. Trong chu kỳ GEF tới, GEF và UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững của Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn thế giới.

QUẾ LÂM

QUẾ LÂM