"Trận cầu kinh tế"
Đang mùa World Cup. Lần đầu tiên hình thức “công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video” (VAR) được áp dụng. Sự trao đổi thông tin dựa vào công nghệ trực tuyến hỗ trợ rất đắc lực cho các trọng tài trên sân ra quyết định và ảnh hưởng đến kết quả của nhiều trận đấu: chính xác hơn, công bằng hơn.
Người hâm mộ bóng đá chắc cũng rất hiểu tầm quan trọng của các cầu thủ “kiến tạo”, người tung ra những đường chuyền cuối cùng đặt đồng đội vào cơ hội ghi bàn. Bóng đá hiện đại đã dịch chuyển sự quan tâm đến các “chân chuyền” nhiều hơn, so với sự tập trung vào các “tay săn bàn” trước đây.
Hai sự kiện đó, danh từ “kiến tạo” và công nghệ VAR tình cờ khiến liên tưởng đến những thông điệp thường được thủ tướng chính phủ nhắc đi nhắc lại: xây dựng một chính phủ kiến tạo và phát triển đất nước với cách mạng công nghiệp 4.0.
Kiến tạo trong các thông điệp của thủ tướng, có lẽ mang nhiều tham vọng hơn là những đường chuyền “mang tới cơ hội ghi bàn”. Mục tiêu của chính phủ kiến tạo phải là những kết quả cụ thể trong đời sống kinh tế - xã hội, những bàn thắng, chứ không chỉ dừng ở tầm “cơ hội”.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, Tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng vừa trình một báo cáo đề xuất sửa chữa 9 bộ luật để tháo bỏ 37 điểm cản trở doanh nghiệp “trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư”. Đáng chú ý là có tới 16 điểm vướng mắc được kể ra do sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định giữa các luật, các cơ quan khiến doanh nghiệp lúng túng không biết đường nào mà lần.
Đây lại là một cơ hội để chính phủ và thủ tướng hiện thực hóa quyết tâm kiến tạo bằng cách tận dụng công nghiệp 4.0 trong “trận cầu kinh tế”.
Một trong những đặc trưng của công nghệ 4.0 là “sự liên thông”. Đây là lúc cần phải mở rộng hình thức “một cửa liên thông” trong cải cách hành chính đến tầm chính sách, nơi ngọn nguồn xuất phát những luật, những quy định làm mẫu mực cho nền hành chính vận hành.
Môi trường công nghệ thông tin cho phép sự kết nối, chia sẻ dữ liệu dễ dàng giữa các cơ quan bộ ngành. Chẳng có lý do gì để tồn tại tình trạng “cờ tay ai nấy phất” rồi trống ngược kèn xuôi. Tình trạng cát cứ, bảo thủ vì “quyền và lợi” cục bộ của các cơ quan, bộ ngành nếu tiếp tục sẽ tạo ra một chính phủ phân hóa, không thể tập trung được quyền lực quản lý thì nói gì đến kiến tạo?
Khi thông tin được chia sẻ, sự hợp tác và minh bạch được đề cao, quá trình quản lý và ra quyết định của các cơ quan cũng được “tự động hóa” tối đa, từ đó gánh nặng thay vì tập trung (quá tải) lên vai chính phủ sẽ được san sẻ hợp lý vào các khâu, các bộ phận giúp việc.
Qua báo cáo của Tổ tư vấn, hẳn nhiên người ta chờ đợi sự chỉ đạo quyết liệt của thủ tướng. Tuy nhiên quyết tâm của cá nhân thủ tướng là chưa đủ. Có lẽ phải đòi hỏi sự trách nhiệm nhiều hơn ở tầng lập pháp: trực tiếp nhất là Ủy ban pháp luật và Ủy ban kinh tế Quốc hội…
Chỉ riêng một nội dung hẹp liên quan đến “chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư”, đã liên quan đến 9 luật, liệt kê đến 37 điều ách tắc; nếu suy rộng ra, có thể thấy việc rà soát và điều chỉnh các bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực, là nhiệm vụ phức tạp và cấp bách biết bao nhiêu.
C.B.L