Xanh tốt đồi chè Việt Nam

QUỐC HƯNG (Theo UN Environment) 26/06/2018 13:49

(QNO) - Biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân khiến nông dân trồng chè của Việt Nam gặp không ít khó khăn.

chè đang là một trong những nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nông sản Việt Nam. Ảnh: UN Environment
Chè đang là một trong những nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nông sản Việt Nam. Ảnh: UN Environment

Sinh sống tại miền Bắc Việt Nam, bà Thanh bắt đầu trồng chè vào năm 1983 và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà. Đồi chè của bà Thanh được thu hoạch theo chu kỳ 6 lần trong một năm. Những năm trước, các cơn mưa bất thường với lượng mưa lớn ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng mùa thu hoạch chè. “Khi cơn mưa đến, đất mặt - lớp đất màu mỡ bị cuốn đi chỉ còn lại đá và đá, không thể phát triển được gì” - bà Thanh nói.

Cơ quan Môi trường Liên hiệp quốc (UN Environement) cho biết, biến đổi khí hậu đã dẫn đến tăng lượng mưa lớn và lũ lụt ở khu vực miền Bắc Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Việc trồng chè trên đất dốc lớn thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề vì thiếu độ che phủ của cây cối và sạt lở đất.

Vì những thách thức suy thoái đất này và tác động của nó đối với nông dân trồng chè ở khu vực châu Á, UN Environement hợp tác với Rainforest Alliance - một tổ chức phi chính phủ làm việc nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo phát triển bền vững, thiết lập dự án phát triển chè bền vững từ năm 2014.

Đồi chè xanh tốt của bà Thanh. Ảnh: UN Environment
Đồi chè xanh tốt của bà Thanh. Ảnh: UN Environment

Dự án này được triển khi tại 5 vùng sản xuất chè nổi tiếng nhất châu Á: Darjeeling và Assam (Ấn Độ), Vân Nam (Trung Quốc), tại Sri Lanka và Việt Nam. Theo dự án, nông dân tìm hiểm sâu hơn về hệ lụy của suy thoái đất và họ sẽ được đào tạo kỹ thuật canh tác, quản lý đất bền vững, tăng năng suất, chất lượng, cải thiện sinh kế người trồng chè. Dự án cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, trồng cây che bóng để điều hòa nhiệt độ và giữ độ ẩm thường xuyên.

Cũng theo UN Environment, kể từ khi áp dụng các biện pháp và kỹ thuật trồng chè của dự án trên, đồi chè 2ha của bà Thanh sinh trưởng xanh tốt trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Sản lượng chè tăng gấp đôi, thu nhập của gia đình bà Thanh từ đó cũng tăng lên gấp đôi. “Chúng tôi đã ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ hoàn toàn” - bà Thanh giải thích.

Bà Thanh nói, bây giờ bà và nhiều người trồng chè trong vùng chỉ sử dụng phương pháp hữu cơ để kiểm soát sâu bệnh và tăng cường chất dinh dưỡng của đất. “Tôi đã học cách áp dụng trồng cây che bóng mát, hàng rào để bảo vệ đồi chè, để các hệ sinh thái tự nhiên có thể chống lại sâu bệnh. Chúng tôi cũng cũng trồng xen kẽ cây chè với các loại đậu, bổ sung thêm ni tơ làm màu mỡ cho nguồn đất” - bà nói. Bên cạnh đó, bà Thanh cũng tham gia tư vấn cho 70 người trồng chè khác trong vùng với các kỹ thuật canh tác chè bền vững.

QUỐC HƯNG (Theo UN Environment)

QUỐC HƯNG (Theo UN Environment)