Vì môi trường xanh toàn cầu

QUẾ LÂM 26/06/2018 09:15

Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) diễn ra tại TP.Đà Nẵng từ ngày 23 đến 29.6, sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng, giải pháp và hành động cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu đang rất nóng hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp các đại biểu GEF 6 tại TP.Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp các đại biểu GEF 6 tại TP.Đà Nẵng.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 có sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu, bao gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao từ 183 quốc gia thành viên, các cơ quan Liên hiệp quốc, ngân hàng khu vực, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp GEF6 vào sáng ngày 27.6.

Bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF cho biết, kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, đảm bảo hơn và đáng sống hơn. “Giải pháp duy nhất cho vấn đề nêu trên là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, và đó chính những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai” - bà Naoko Ishii nhấn mạnh.

Trong chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD gồm: biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD; suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD. Hết năm 2016, Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD; trong đó GEF toàn cầu đồng thuận 6 dự án với tổng kinh phí trong STAR là 18,8 triệu USD. Ngoài ra, GEF6 tài trợ Việt Nam gần 15 triệu USD với các lĩnh vực: hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.

Theo ông Robert Bisset - Trưởng ban truyền thông GEF, Kỳ họp Đại hội đồng GEF với các chuỗi sự kiện như: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp Hội đồng GEF6; Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); Diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF. Ngoài ra, có 70 sự kiện bên lề. Đặc biệt, kỳ họp sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng, giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ các nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 của GEF (giai đoạn 2018 - 2022). Đến nay, có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD cho  GEF7 nhằm  bảo vệ tốt hơn tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.

Sự kiện Việt Nam đăng cai Kỳ họp GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF: thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời truyền thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về môi trường.

Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (5.12.1991), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và môi trường làm đầu mối  điều hành GEF tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD, thực hiện 107 dự án về môi trường trong nước và tham gia giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Trong đó, có 56 dự án quốc gia với tổng tài trợ 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực/toàn cầu với 294 triệu USD. Ngoài ra, có 4 dự án từ Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt  cho 2 dự án quốc gia với 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với 1 triệu USD.

QUẾ LÂM

QUẾ LÂM