"Tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ..."
Vừa qua, Hội Nhà văn Đà Nẵng đã phối hợp với Chi nhánh Nhà Xuất bản Kim Đồng tại Đà Nẵng và Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm “ Nâng cao chất lượng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi”. Ảnh: T.K |
Chủ trì tọa đàm có nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp VHNT Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng và nhà thơ Cao Xuân Sơn - PGĐ NXB Kim Đồng.
Tham dự tọa đàm có khá nhiều nhà văn đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam, một số bạn đọc yêu thích văn học thiếu nhi, nhiều học sinh giỏi văn của các trường phổ thông.
Với tấm lòng “tất cả vì tuổi thơ”, nhiều thế hệ nhà văn đã dành cho các em những trang văn đẹp đẽ, ngọt ngào; những câu chuyện góp phần lưu giữ trong các em một tuổi thơ trong trẻo, tươi đẹp.
Như Thanh Quế với tiểu thuyết “Cát cháy”, tác phẩm đã giúp ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Như Quế Hương với nhiều tác phẩm đằm thắm, sâu sắc viết cho thiếu nhi.
Như câu chuyện quê nhà luôn ám ảnh trong các tác phẩm của Nguyễn Kim Huy với Triền sông thơ ấu, Lê Trâm với Mơ về phía chân trời, Nguyễn Tam Mỹ với Trong và ngoài rào gai, Tiêu Đình với Đội bóng nhí Xóm Mới, Phan Văn Minh với Mưa đầu mùa, Trần Trung Sáng với Búp bê phiêu lưu ký...
Một số tác phẩm tiêu biểu dành cho thiếu nhi. |
Sự xuất hiện của Bùi Tự Lực với truyện dài “Nội tôi” được tái bản 7 lần với gần 5 vạn bản, rồi “Chó hoang” được bạn đọc nhỏ tuổi hồ hởi đón nhận thể hiện qua việc liên tục tái bản, góp phần tạo thêm một gương mặt mới viết cho trẻ thơ.
Năm 2017, 2018 là Nguyễn Bá Hòa với Mõm đen ngày trở về, là Mạc Ly với truyện dài Trận thư hùng được NXB Kim Đồng chọn in và gửi đến các độc giả nhí.
Trong tọa đàm, nhà văn Thanh Quế nói rằng viết cho thiếu nhi không hề dễ dàng, nhưng nhờ những trại sáng tác, những sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của các nhà xuất bản đã giúp ông viết ra được những tác phẩm như một sự ưu ái dành cho thế hệ trẻ như tiểu thuyết Cát cháy hay tập truyện Những đám mây kể chuyện. Nhiều nhà văn như ông đã thành danh chính nhờ các tác phẩm viết về tuổi thơ. Nguyễn Kim Huy dành một cái nhìn bao quát về văn học thiếu nhi xứ Quảng gần đây cùng những điều trăn trở, những việc cần thiết phải làm để có thêm nhiều tác phẩm hay cho các em thiếu nhi.
Đến với tọa đàm, không ít nhà văn tỏ ra băn khoăn bởi chưa có lớp nhà văn “kế cận” để “thay thế” lớp nhà văn hiện thời, rất ít tác giả trẻ quan tâm đến việc viết cho thiếu nhi, về không gian truyện/vấn đề quan tâm trong các sáng tác dành cho các em thường gói gọn trong những “bối cảnh cũ” mà chưa được mở ra/kéo dài tới không gian/thời gian đương đại các em đang sống, đang quan tâm.
Ở cả Đà Nẵng và Quảng Nam chưa có nhiều tác giả gắn được các sáng tác với đời sống “đương đại” như các nhà văn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một vài nơi đã làm. Tất cả chừng như vẫn đang tiếp tục “đòi hỏi” thêm ở những tấm lòng của các nhà văn dành cho tuổi thơ…
TIỂU KHÊ