Nhớ nhung lời trách mắng

HOÀNG VĂN MINH 24/06/2018 14:09

Cô bạn đồng nghiệp hứng lên “đè ra” phỏng vấn cho số báo kỷ niệm ngày của nghề. Hỏi “với anh, nghề báo sướng nhất là gì?”. Tôi trả lời “sướng nhất là lâu lâu được nghe ai đó điên tiết chửi mình... ngu một cách chân thành”.

Tác giả (phải) tác nghiệp dưới hầm than ở Quảng Ninh. Ảnh: H.V.M
Tác giả (phải) tác nghiệp dưới hầm than ở Quảng Ninh. Ảnh: H.V.M

Nói thật mà bạn không chịu tin, cứ nài nỉ “hay là trả lời theo kiểu khác”. Cũng như không nhiều người tin cho đến bây giờ, sau gần 20 năm làm báo, tôi vẫn ấm ớ không hiểu vì sao mình lại trở thành một nhà báo, một người viết phóng sự chuyên nghiệp, bởi nghề báo chưa bao giờ có trong “từ điển nghề nghiệp” của tôi suốt từ thời ấu thơ cho đến khi tốt nghiệp đại học…

Vẫn nhớ như in một ngày tháng 5.1999, mùa tốt nghiệp. Lứa đại học của tôi có mấy đứa đi thực tập ở các tờ báo, được in bài mang về dán lên một tấm bảng để vừa khoe, vừa làm sản phẩm báo cáo tốt nghiệp. Tôi, cũng như nhiều người bạn học văn thời điểm đó, đi ngang qua tấm bảng, liếc nhìn nửa mắt và cười mỉa: “Tưởng đăng thơ hay truyện ngắn gì trên báo Văn nghệ già, Văn nghệ trẻ, đăng mấy cái tin, bài vớ vẩn trên báo mà cũng khoe!”.

Trong suy nghĩ của tôi, báo chí Việt Nam đỉnh cao lúc đó là báo Văn nghệ, tác phẩm báo chí đỉnh cao là... truyện ngắn, thơ… Và ước mơ cháy bỏng của tôi là sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng, ít lắm cũng như Nguyễn Huy Thiệp! Vậy nên ra trường, xin về thử việc tại Văn phòng báo Lao Động ở Huế, tác phẩm báo chí đầu tiên mà tôi gửi về tòa soạn là một bài… tản văn kể chuyện gái trai hoan lạc trên một triền cát đêm trăng ven biển!

Cũng năm đó thành phố Huế chìm trong biển nước, nhà báo Lê Thanh Phong, bây giờ là cây bình luận hàng đầu của làng báo từ Sài Gòn ra cứu trợ Huế. Ngày đầu tiên, Lê Thanh Phong dùng xe máy chở tôi đi một vòng quanh thành phố để xem các sinh viên tình nguyện dọn bùn trong các khu di tích. Rồi bảo: “Chiều anh có chút việc nhà, Minh viết bài phóng sự về những gì anh em mình đã thấy sáng nay. Viết xong mang lên nhà anh xem...”.

Tôi dạ tới mô mặt tái tới đó vì từ ngày bước chân vào nghề báo cho tới lúc đó mới chưa đầy hai tháng, tin mấy chục chữ còn chưa viết được lấy mô ra chữ và viết phóng sự đến mấy ngàn chữ? Nói vậy chứ nguyên một buổi chiều hì hục trên máy tính, cuối cùng tôi cũng in ra được 4 trang giấy A4 chi chít chữ với hai chữ “phóng sự” nằm trên cái tít rất kêu.

Trời chạng vạng, lại mưa lâm thâm. Đúng hẹn, tôi mang tác phẩm của mình lên khu nhà thờ Phủ Cam. Lúc đó Lê Thanh Phong đang ngồi uống rượu với mấy người anh em. Rượu và toàn món ngon. Lê Thanh Phong cầm lấy 4 trang A4 của tôi, từ tốn đeo kính, rồi rút trong túi ra một cây bút đỏ. Trời đất như đổ sập trước mắt tôi khi đọc tới đâu, anh Phong lấy bút gạch tới đó. Vừa gạch vừa lầm bầm mắng: “Viết như ri mà mi cũng viết được à?”. Chưa hết, “ghét” nhất là lâu lâu anh ấy lại tạm dừng việc gạch đỏ và mắng tôi để uống một ly rượu. Sau khi gạch đỏ 4 trang giấy, anh Phong bảo “mang về viết lại, viết ri chưa ra phóng sự”.

Tôi buồn đến mức ra về mà không thèm mặc áo mưa. Của đáng tội, hôm ấy chỉ tám phần buồn là chuyện bài vở, hai phần còn lại là do trời mưa, tôi thèm rượu, túi lại hết tiền, nhưng có thể Lê Thanh Phong cho rằng: “Trẻ con thì không được ăn thịt chó !?”.

Những năm tháng sau này, người chửi tôi ngu nhiều nhất là nhà văn Vĩnh Quyền, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao Động tại miền Trung. Nhưng bao giờ sau đó cũng là một bản thảo trả lại với chi chít những dòng bôi xanh bôi đỏ chỉ ra những lỗi ngớ ngẩn cùng gợi ý viết lại cho tốt hơn.

Và tôi đã học được rất nhiều thứ về nghề từ những bản thảo như thế. Tôi hay trêu đó là kiểu mắng chửi có trách nhiệm. Sau này khi làm biên tập và không còn ai cầm tay chỉ việc, cũng chẳng có ai dám hoặc thèm mắng mình ngu khi viết, mới thấy việc trả lại bản thảo bôi xanh bôi đỏ rồi nhấc máy mắng mỏ ai đó đã lấy đi của mình rất nhiều thời gian mà nếu không đủ kiên nhẫn và tình yêu thương, sẽ không thể nào làm nổi hết tháng này sang năm khác.

Hôm trước, máy rung và bên kia là nhà thơ Ngô Mai Phong, người đang giữ chuyên mục “Tản mạn” và “Chuyện dọc đường” của Lao Động. Chưa kịp dạ thưa, đã nghe bên kia quát lên đại ý “Minh ơi tao đang đọc bản thảo và sao mày có thể viết ngu thế? Và chuẩn bị mà nhận lại một bản thảo toàn lỗi đã được viết hoa to đùng”. Thay vì buồn rầu, tôi bật cười thành tiếng một cách sung sướng. Nhà thơ ngạc nhiên: “Sao mày có thể cười được khi nghe ngươi khác mắng mình ngu?”.

Nhà thơ đâu biết, tôi đang nghe rưng rưng hạnh phúc vì những năm tháng chập chững với nghề báo bỗng hiện về như một cuộn phim chiếu chậm. Vì lâu lắm rồi chẳng có ai mắng mình đầy yêu thương đến thế…

HOÀNG VĂN MINH

HOÀNG VĂN MINH