Ghi ở nơi phát tích rượu vang thế giới

Phóng sự của TƯỜNG MINH 23/06/2018 13:55

Gruzia, quốc gia nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở biển Đen chính là nơi phát tích của rượu vang thế giới khi bằng chứng khảo cổ học mới nhất cho thấy họ đã sản xuất rượu vang từ… 8.000 năm trước.

Lâu đài của Hoàng tử Ivane Bagration.
Lâu đài của Hoàng tử Ivane Bagration.

Và ở Gruzia, gần như gia đình nào cũng tự nấu rượu vang để uống, nên thay vì hỏi “anh khỏe không” hoặc “mi đi mô đó?” khi gặp nhau, họ sẽ hỏi “vườn nho của anh thế nào?”.

Bình rượu vang 8.000 năm tuổi

“Anh nên tham quan bảo tàng của chúng tôi” - lời rủ rê của một bác taxi già ở thủ đô Tbilisi (Gruzia) là nhân duyên để tôi may mắn được tận mắt chứng kiến một chiếc bình lớn dùng để lên men rượu vang được tìm thấy ở khu vực Khramis Didi Gora, hiện trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Gruzia, có niên đại lên đến… 8.000 năm tuổi. Trên bình có hình dụng cụ nghiền nho và một người đàn ông nhảy múa. Và đây là một trong hai chiếc bình, cùng rất nhiều mảnh gốm vỡ đóng vai chính trong diễn biến mới về cuộc tranh cãi chưa hồi kết về việc dân tộc nào biết làm rượu vang sớm nhất thế giới.

Trước đó, một nhóm các nhà khoa học từ Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Israel và Gruzia đã khám phá các di chỉ khảo cổ cho thấy cộng đồng cư dân sống tại khu vực miền nam Caucasus đã uống rượu vang nho từ cách đây hơn 8.000 năm. Đây là một phát hiện thú vị, làm đảo ngược những nhận định về nguồn gốc cổ xưa của rượu vang. Bởi từ trước tới nay, giới khoa học ghi nhận dấu tích rượu vang nho cổ xưa nhất ở khu vực núi Zagros của Iran vào năm 5400 - 5000 trước Công nguyên (cách đây khoảng 7.000 năm).

Một hầm rượu vang trong lâu đài.
Một hầm rượu vang trong lâu đài.

Stephen Batiuk từ Đại học Toronto (Canada) thuộc nhóm nghiên cứu nói trên đã đăng bài trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) nói: “Chúng tôi tin rằng đây là mẫu vật cổ nhất về quá trình trồng nho thuộc khu vực Âu - Á, và cách sản xuất rượu vang”. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng những công nghệ mới để giám định các mảnh vỡ của bình gốm, cũng như những vết cặn bên trong bình. Các kết quả phân tích hóa học các cổ vật này cho thấy việc uống rượu làm từ nho đã xuất hiện từ thời kỳ đồ đá mới, cách nay hơn 8.000 năm.

Vườn nho của ông thế nào?

Gruzia cũng từng được mệnh danh là “hầm rượu” của Liên bang Xô viết (Gruzia mới được tách ra khỏi Liên bang Xô viết từ năm 1991). Cách nay khoảng 1.000 năm, một vài khu vực trên đất nước này đã là nơi sản xuất rượu nho nổi tiếng. Ngày nay, người dân Gruzia đang duy trì các phương pháp trồng nho truyền thống, tái lập các vườn nho với khoảng 500 giống nho khác nhau và phục hồi danh tiếng của loại hàng hóa nổi tiếng của đất nước – rượu vang. Và ở hầu hết vùng của Georgia, mỗi nông dân đều sở hữu một vài hécta nho.

Nho ở Gruzia là giống nho hoang dã, nên rượu vang ở đây có sự khác biệt với nhiều nơi khác. Ảnh: H.V.M
Nho ở Gruzia là giống nho hoang dã, nên rượu vang ở đây có sự khác biệt với nhiều nơi khác. Ảnh: H.V.M

“Vườn nho của ông thế nào?”; ông Gamtkitsulashvili - một người trồng nho ở vùng Shato-Mukhrani há mồm ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi bằng câu cửa miệng của người bản địa. “Làm sao anh biết được?”. “Tôi đọc trong sách”. Gamtkitsulashvili cười lớn nói “rất tốt” và mời khách tham quan vườn nho. Theo Gamtkitsulashvili, cây nho là một thứ rất thiêng liêng với người Gruzia. “Chúng tôi sống vì cây nho và rượu vang thì luôn chảy trong huyết mạch”. Với những người như Gamtkitsulashvili, cây nho và làm rượu vang không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là một vinh dự. “Theo truyền thống, chúng tôi luôn giữ vài trăm lít rượu vang trong nhà để dùng và biếu người thân. Một phần nho thu hoạch được bán cho nhà máy sản xuất rượu vang hoặc vận chuyển lên thành phố để bán”. Ví như ngay thủ đô Tbilisi có hẳn một khu vực dành riêng cho việc mua bán nho.

Ở Gruzia, là thượng khách, bạn sẽ được thiết đãi bằng rượu vang “handmade” - loại rượu vang không hóa chất được sản xuất truyền thống trong những chiếc bình đất sét khổng lồ có hương vị vô cùng độc đáo. Việc sử dụng những chiếc bình đất sét khổng lồ có tên gọi Kvevri được coi là phương pháp cổ xưa nhất trong chế biến rượu vang mà Gruzia hy vọng không chỉ tạo ra thứ rượu rất có lợi cho sức khỏe mà còn thúc đẩy du lịch cho làng nghề truyền thống. Những chiếc bình này gắn với cách làm rượu vang truyền thống là đổ nước ép nho vào bình và chôn xuống đất. Thân cây, vỏ và hạt được dùng để lên men tự nhiên kéo dài khoảng vài tháng. Thứ làm ra độ mát của rượu chính là sự kết hợp giữa vị nho và đất sét, trong độ ẩm của đất.

Không bán gì khác ngoài những câu chuyện

Tôi đã có một buổi chiều với những trải nghiệm tuyệt vời ở Shato-Mukhrani (Château Mukhrani) - công ty sản xuất rượu vang thuộc nhà máy rượu vang tại làng Mukhrani. Đây nguyên là một lâu đài của hoàng tử Ivane Bagration (1812 - 1895) - một trong những chủ đất lớn nhất Gruzia thời bấy giờ và là người đầu tiên hiện đại hóa ngành công nghiệp sản xuất rượu vang ở Gruzia. Nhà máy và lâu đài rượu vang được xây dựng từ năm 1876, sử dụng các chuyên gia và công nghệ đóng chai rượu vang của Pháp sau đó xuất rượu qua Pháp và nhiều nước châu Âu.

Chiếc bình lớn có niên đại 8.000 năm dùng để lên men rượu vang được tìm thấy ở khu vực Khramis Didi Gora, hiện trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Gruzia.
Chiếc bình lớn có niên đại 8.000 năm dùng để lên men rượu vang được tìm thấy ở khu vực Khramis Didi Gora, hiện trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Gruzia.

Việc sản xuất rượu của hoàng tử Ivane Bagration còn gắn liền với một giai thoại kiểu “khôn vặt” rất thú vị như từng nghe trong các truyện trạng của người Việt. Rằng sau khi bị Pháp từ chối không cho nhập rượu vang, hoàng tử Ivane Bagration mới nghĩ ra một kế. Ông thuê những sinh viên ăn mặc kiểu quý tộc, vào gọi món ở các nhà hàng sang trọng nhất nước Pháp và kiên quyết phải uống rượu vang Gruzia thì mới chịu. Việc này kéo dài, các nhà hàng ở Pháp không còn cách nào khác là phải cho nhập rượu để phục vụ khách hàng. Và rượu vang Gruzia “đóng đinh” trong lòng nước Pháp từ ngày đó. Rượu vang Gruzia sau đó liên tiếp chiến thắng ở các giải Grand Prix tại triển lãm rượu vang St. Petersburg năm 1882 và huy chương vàng tại triển lãm rượu vang - “Triển lãm Universalle Internationale de 1889” với thể loại “vang sủi”.

Nhưng lâu đài và nhà máy rượu đã lụi tàn ngay sau đó khi con trai của hoàng tử Ivan chuyển nhượng lại cho người Nga. Đến năm 2001, một nhóm kinh doanh đã thành lập Công ty Château Mukhrani với ý định khôi phục di sản vinh quang cũ và thiết lập lại sản xuất tại Mukhrani, kết hợp các công nghệ hiện đại và truyền thống, theo bước chân của hoàng tử Ivane Mukhranbatoni. Shato-Mukhrani được thiết kế dành cho tầng lớp thượng lưu nhiều tiền và sành rượu với 13 loại rượu vang hảo hạng. Trong đó có rượu vang trắng “Goruli mtsvane” mà không nơi đâu còn sản xuất một cách công nghiệp.

Tại đây, lần đầu tiên tôi được tham gia một buổi thử các loại rượu vang khác nhau kèm với những món ăn truyền thống của người Gruzia như một buổi tiệc ngoài trời tổ chức trong công viên của lâu đài. Không chỉ uống và ăn, hôm ấy tôi còn được những nữ nhân viên của Công ty Château Mukhrani xinh đẹp cập nhật rất chi tiết từ cách cầm ly, xoay lắc, uống, thức nhắm đi kèm… cho từng loại vang mà lâu nay tôi nghĩ mình đã hiểu biết đủ. Để rồi, dù không phải là người nhiều tiền và sành rượu, thậm chí thô lỗ với văn hóa rượu, nhưng tôi đã rời Château Mukhrani với một balô lặc lè rượu vang các loại sau khi được mời thử rượu và nghe những chuyện kể.

“Ở đây không bán gì khác ngoài sản phẩm chính hãng” là câu slogan của Công ty Château Mukhrani. Thật ra thì phải nói chính xác là “ở đây không bán gì ngoài những câu chuyện” và một phần lịch sử. Và Công ty Château Mukhrani đã “ép” được du khách mua rất nhiều rượu của mình sau khi kể cho họ nghe những câu chuyện không thể thú vị hơn. Nó nhắc cho tôi nhớ về những chai rượu vang Đà Lạt - một nơi không hề có vườn nho. Hay những hầm rượu vang - dấu tích của người Pháp và văn hóa Pháp được khôi phục để cho khách du lịch vào ngắm ở Bà Nà, Phan Thiết…

Phóng sự của TƯỜNG MINH

Phóng sự của TƯỜNG MINH