Cần thêm những tấm lòng...
Một góc nhỏ trên trang 8 số thứ Sáu hàng tuần, nhưng mở ra hy vọng cho người người gặp tai ương, nghèo khó…, ấy là chuyên mục “Địa chỉ từ thiện” của Báo Quảng Nam.
Tác giả (giữa) trong một đợt trao quà cho học sinh nghèo vùng cao. |
1. Dù là “góc nhỏ” nhưng mục “Địa chỉ từ thiện” bắc rất nhiều cây cầu nhân ái đến phận đời khốn khó. Để rồi, biết bao tấm lòng đã mở ra, bao phận người không may được trợ giúp. Những mảnh đời tưởng chừng như không có lối thoát được nhiều bàn tay chìa ra đúng lúc để giúp họ vượt qua ốm đau, khó khăn, hoạn nạn; bao học sinh nghèo, trẻ em mồ côi cha mẹ đứng trước nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường. Hơn hết, những nhà hảo tâm đã tiếp thêm niềm tin vào điều tốt đẹp về con người, về cuộc sống. Và cũng để xác tín một điều rằng, xã hội vẫn luôn có nhiều, thật nhiều người tốt, biết sẻ chia và sẵn sàng sẻ chia...
Một cô cán bộ về hưu ở phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) nhiều lần gọi điện hỏi thăm anh em làm việc tại bộ phận công tác xã hội ở Báo Quảng Nam và nhắn nhủ rằng, có hoàn cảnh nào khó khăn, nhất là học trò nghèo, thì thông báo, để cô có cơ hội được “tiếp sức”. Bởi dù đây là chuyên mục cô quan tâm nhất nhưng đôi lúc do bận bịu mà không theo dõi hết các bài viết đã đăng. Mới đây, cô gửi 1 triệu đồng để hỗ trợ một học sinh nghèo bị tai nạn giao thông. Khi chúng tôi thông báo cho cô biết là em này vừa qua đời, hỏi cô có muốn chuyển sang giúp đỡ trường hợp khó khăn khác hay không, cô bảo: “Mình định bụng giúp ai rồi thì nên giúp, còn trường hợp khác, để cô thu xếp”. Câu trả lời của cô nhẹ tênh, vậy mà chúng tôi cảm thấy mình là người có lỗi rồi áy náy mãi...
Đồng hành với mục “Địa chỉ từ thiện” của Báo Quảng Nam trong suốt một năm qua là Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam. Từ ngày 1.6.2017 đến 31.5.2018, công ty đã trích 100 triệu đồng để hỗ trợ 50 trường hợp được phản ánh trên chuyên mục “Địa chỉ từ thiện” (mỗi trường hợp 2 triệu đồng). Ông Ngô Đức Trung - Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam chia sẻ, doanh nghiệp luôn xem các hoạt động xã hội - từ thiện là trách nhiệm của mình. Trong năm 2017, cùng với việc hỗ trợ các địa chỉ từ thiện của Báo Quảng Nam, công ty đã trích hơn 600 triệu đồng cho công tác xã hội. “Quảng Nam còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, nhiều học sinh nghèo, nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ, doanh nghiệp chúng tôi muốn sẻ chia nhiều hơn nữa, chỉ tiếc là nhiều khi lực bất tòng tâm...” - ông Trung tâm sự. |
Một người khác, đang tuổi thanh niên, là chủ một cửa hàng ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) thỉnh thoảng cũng đến tòa soạn hỏi thăm về các hoàn cảnh khó khăn mong được chia sẻ. Quy mô làm ăn của anh không lớn, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng việc thiện của anh thì rất đều đặn và vô tư. Bởi anh thường nhắc chúng tôi đừng ngại báo tin cho anh biết những hoàn cảnh khó khăn sau khi được nêu trên báo mà chưa hoặc ít nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng để tiếp sức. Hiểu và tin vào tấm lòng thiện lương của anh, thỉnh thoảng chúng tôi lại gọi điện cho anh, một cách e dè. Nhưng lần nào cũng vậy, khi bắt máy anh luôn có lời chào ấm áp và câu nói kết thúc cuộc gọi luôn là “Cảm ơn các anh chị đã cho tôi biết tin. Bây giờ tôi chuyển tiền đây”. Hay như gia đình một viên chức của Báo Quảng Nam, cũng đều đặn hằng tuần, trích 300 nghìn đồng giúp mỗi hoàn cảnh đăng trên báo…
2. Gần 10 năm làm công tác tiếp công dân, có khi tôi mắc... “bệnh nghề nghiệp”. Có những người đến tòa soạn một cách rụt rè, thiếu tự tin, nên thoạt đầu tôi nghĩ hoặc là họ đến gửi đơn khiếu nại khiếu kiện, hoặc là đến để nhờ viết bài về hoàn cảnh của mình đăng báo. Qua vài câu chào hỏi ban đầu, biết họ là người bán nước giải khát, là người bán vé số tuổi ngoài 60, là một chị buôn ve chai..., cứ nghĩ dự đoán của mình là đúng. Nhưng không. Nhiều trong số những người tảo tần ấy đến là vì muốn được sẻ chia sự thương khó của những phận người không may được nêu trên mặt báo. Lý do thật đơn giản: Chúng tôi tin nhà báo! Hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Nam mình nhiều lắm nhưng muốn giúp cũng không phải dễ, chi bằng nhờ Báo Quảng Nam chuyển giùm. Tôi tự trách mình và thêm nể phục những người thầm lặng ấy.
Cũng bằng tấm lòng và niềm tin vào anh em làm báo, mới đây một cựu chiến binh gọi điện đến tòa soạn thông báo về tình trạng bệnh tật của hai trường hợp mà người này làm cầu nối để viết bài trên mục “Địa chỉ từ thiện” của Báo Quảng Nam. Trong những lần rong ruổi về lại chiến trường xưa hay đến các bệnh viện để làm từ thiện, người cựu binh này luôn chú ý tìm kiếm những hoàn cảnh thương tâm, ghi chép cẩn thận rồi sau đó nhờ Báo Quảng Nam tìm hiểu, viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Nhà hảo tâm đến với mục “Địa chỉ từ thiện” của Báo Quảng Nam thuộc nhiều thành phần, không hẳn ai cũng giàu, nhưng đều có chung lòng nhân ái. Có người góp nhặt từng đồng tiền lẻ, có người góp hàng tuần vài trăm nghìn đồng, một cách âm thầm nhưng đều đặn và bền bỉ. Hành trình kết nối của Báo Quảng Nam với những hoàn cảnh khó khăn qua chuyên mục “Địa chỉ từ thiện”, do vậy không hề đơn độc vì đâu đó giữa cuộc sống này vẫn luôn có những người đồng hành như thế!...
PHAN LÊ CHÂU NỮ