Quảng bá di sản qua báo chí
Quảng bá di sản không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành mà còn là công việc thường xuyên của cơ quan báo chí, nhất là những địa phương sở hữu di sản văn hóa thế giới.
Phố cổ Hội An. Ảnh: K.LINH |
Kết nối quảng bá
Trong 2 hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn ra 2 năm gần đây, vấn đề kết nối quảng bá du lịch nói chung và quảng bá du lịch di sản nói riêng thông qua báo chí đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm. Năm 2017, tại hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 7 vòng IV do báo Khánh Hòa đăng cai tổ chức, chủ đề của hội thảo chính là “Vai trò của báo chí trong quảng bá du lịch”. Nội dung xoay quanh các vấn đề như tuyên truyền, quảng bá du lịch, du lịch di sản trên báo Đảng; mối quan hệ giữa báo chí và du lịch; du lịch với di sản… Qua đó, đặt ra những giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là với sự phát triển của mạng xã hội…
Có thể khẳng định, quảng bá di sản qua báo chí đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu nhằm thu hút du khách, kêu gọi đầu tư…; giúp xây dựng hình ảnh, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Thời gian qua, các tỉnh thành có di sản văn hóa thế giới như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa… đã đẩy mạnh kết nối quảng bá di sản thông qua kênh báo chí. Ngoài mối liên kết du lịch giữa 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã diễn ra, gần đây Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Nội..., những nơi sở hữu di sản thế giới cũng bắt đầu có sự kết nối thường xuyên hơn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Quảng Nam đã tiếp đón 2 đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa và Quảng Bình đến tìm hiểu, khảo sát du lịch, nhất là du lịch di sản. Đi cùng với đoàn là đội ngũ báo chí tháp tùng hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu điểm đến của mỗi địa phương, góp phần lan tỏa hình ảnh di sản xa hơn.
Theo bà Lê Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, qua thông tin báo chí, Quảng Nam nổi lên như là địa phương có tốc độ phát triển du lịch hiệu quả dựa trên những lợi thế về di sản. “Thanh Hóa muốn trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý du lịch; kinh nghiệm xúc tiến xây dựng thương hiệu, thu hút khách quốc tế; kinh nghiệm phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là sự phối hợp quảng bá điểm đến di sản của hai địa phương thông qua các doanh nghiệp và báo chí….” - bà Thìn chia sẻ. Đây cũng là những nhìn nhận của ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Theo ông Dũng, vai trò của báo chí trong quảng bá di sản nói chung và phát triển du lịch nói riêng là không bàn cãi. Từ khi hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, thông qua các hoạt động liên kết, quảng bá tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện truyền thông, lượng khách đến Quảng Bình mỗi ngày càng đông. Năm 2017, Quảng Bình đón hơn 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt. Quảng Bình, Phong Nha trở thành điểm đến thứ 4 tại Việt Nam theo bình chọn của trang mạng Trip Advisor (xếp trên Huế, Đà Nẵng, Hạ Long).
Báo chí các địa phương với di sản
Mới đây, nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, Báo Phú Thọ đã kết nối với Báo Quảng Nam đề nghị viết bài chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn quảng bá di sản văn hóa Quảng Nam trên Báo Phú Thọ, nhằm giúp bảo tồn phát huy hơn nữa các di sản văn hóa vùng đất tổ. Việc viết bài chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị di sản Quảng Nam đến Phú Thọ chính là điểm cộng thể hiện tính hiệu quả của báo chí, giúp di sản lan tỏa xa hơn.
Thông qua báo chí thương hiệu di sản Khu di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được quảng bá lan tỏa rộng hơn. Ảnh: KHÁNH LINH |
Thực tế, phát huy giá trị di sản thông qua báo chí đã trở thành kênh thông tin chính thống được nhiều địa phương quan tâm, nhất là những tỉnh thành có di sản văn hóa hoặc thiên nhiên thế giới. Tại Quảng Bình, từ khi Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, công tác quảng bá di sản được tỉnh tập trung đầu tư mạnh mẽ như xúc tiến giới thiệu, đẩy mạnh truyền thông, kết nối báo chí nhằm quảng bá hiệu quả di sản này. Thể hiện rõ nhất chính là sự phối hợp giữa Sở Du lịch và Báo Quảng Bình, coi trọng vai trò báo chí với công tác phát huy, bảo tồn di sản, tạo nền tảng cơ sở vững chắc để phát triển du lịch.
“Báo chí quảng bá di sản hoặc tất cả hoạt động liên quan đến di sản là tốt rồi, nhưng một số vấn đề chuyên sâu về công tác bảo tồn, gìn giữ di sản như áp lực phố cổ, môi trường… vẫn chưa được đào sâu, rồi tính định hướng, tính dự báo cũng chưa mạnh, chưa tập trung vào từng chuyên đề với sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan báo chí” (Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố Hội An) |
Theo nhà báo Diệu Hương, phóng viên theo dõi mảng du lịch của Báo Quảng Bình, mỗi tháng Báo Quảng Bình phát hành 2 trang tuyên truyền về du lịch. Ngoài ra còn có các clip giới thiệu hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng và các di sản khác trên báo điện tử. “Hiện tại Báo Quảng Bình đẩy mạnh làm clip để quảng bá du lịch. Trong đó, tập trung mạnh vào du lịch di sản và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản di sản hang động nơi đây” - Diệu Hương cho biết.
Tương tự, nhà báo Nguyễn Thơm - Phó ban Kinh tế, Báo Ninh Bình chia sẻ, việc tuyên truyền quảng bá di sản Tràng An trên báo được xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Mỗi năm, tỉnh đều dành kinh phí tỉnh hỗ trợ tuyên truyền du lịch với Báo Ninh Bình, nhằm tăng cường quảng bá mạnh mẽ du lịch di sản cũng như công tác bảo tồn di sản trên địa bàn tỉnh. “Hiện mảng tuyên truyền du lịch nằm trong Ban Kinh tế nên việc quảng bá du lịch di sản cũng chính là hoạt động kinh tế du lịch nên chúng tôi xây dựng các chuyên trang lồng ghép du lịch di sản vào đó” - bà Thơm chia sẻ.
Quảng Nam, địa phương có 3 di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm) đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho báo chí khai thác. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, thông qua báo chí “thương hiệu” di sản cũng được quảng bá giới thiệu đến công chúng, nhà đầu tư nhiều hơn. Theo ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố Hội An, vai trò của báo chí với di sản Hội An đã được thành phố ghi nhận. Tuy vậy, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì báo chí vẫn còn yếu trong những định hướng chiến lược, nhất là định hướng dư luận chưa cao, chỉ chạy theo sự kiện, sự vụ. “Báo chí quảng bá di sản hoặc tất cả hoạt động liên quan đến di sản là tốt rồi, nhưng một số vấn đề chuyên sâu về công tác bảo tồn, gìn giữ di sản như áp lực phố cổ, môi trường… vẫn chưa được đào sâu, rồi tính định hướng, tính dự báo cũng chưa mạnh, chưa tập trung vào từng vấn đề chuyên sâu với sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan báo chí” - ông Phùng nói.
KHÁNH LINH