Lên rừng, xuống biển
Chúng tôi cứ mải miết với nghề, mỗi cái tên lạ như một niềm kích thích. Ngày mai sẽ là đâu, một làng bản xa xăm, ít người lui tới phía đại ngàn, hay theo những con tàu ra biển khơi xanh thẳm ngoài kia… “Ở phía ấy, có gì?”, tự hỏi, và rồi giục mình, cứ đi thôi…
Tác giả bài viết trong chuyến đi vào làng Aur (Tây Giang). Ảnh: T.CÔNG |
1. Tôi và Alăng Ngước, bạn đồng nghiệp, người anh em cùng sinh ra ở núi. Trở về núi, chúng tôi như được trở về với mái nhà của mình. Nhưng giữa trập trùng cao xanh kia, vẫn là bao mới mẻ mà chúng tôi chưa có dịp đặt chân khám phá. Sức người hữu hạn, mà phía ấy, lại cứ mới mẻ từng ngày, cứ đổi thay từng ngày. Cuộc đi vì thế, bao giờ cũng là niềm háo hức.
Chúng tôi đã từng có một hành trình dài tìm kiếm những bản làng nơi đầu con nước, xa xôi nhất vùng cao. Họ đã sống thế nào, nơi thượng nguồn? Chúng tôi tự hỏi như vậy, và rồi tự phác thảo hành trình với bao cái tên đầy lạ lẫm. Chưa một lần đặt chân đến đó, và gần như đơn độc trong cả hành trình, nhưng thật may mắn, mỗi lần đến, lại gặp được đúng “mỏ vàng” mà mình cần. Aur - ngôi làng tách biệt trong rừng già ở xã A Vương (Tây Giang), người chỉ đường cho biết mất khoảng 4 giờ đồng hồ băng bộ bằng con đường rừng độc đạo. Đến khi đi thật, chúng tôi mất đến… 6 giờ giữa rừng. Quá mệt. Dốc nối dốc, không một bóng người. Thấp thoáng một mái nhà cách chừng ba… ngọn núi, chúng tôi động viên nhau “sắp tới rồi”. Mừng ngay cả khi… thấy một bãi phân bò, dấu hiệu của một ngôi làng. Thế nhưng, đến được địa điểm ấy, mới nhận ra đó chỉ là ngôi làng cũ, mái nhà chúng tôi nhìn thấy đã bỏ hoang mấy năm rồi.
Trời chiều bảng lảng. Những lo lắng trỗi dậy về việc liệu có lạc đường, không lương thực, không sóng điện thoại. Thật may, khi chân gần như mỏi rụng thì đến làng. Và càng may hơn nữa, đó lại là ngôi làng “đẹp” nhất mà chúng tôi từng đến. Đẹp về cảnh quan, và “đẹp” về cả tình người. Chúng tôi được đồng bào “nuôi” như khách quý, được nghe câu chuyện hết sức thú vị về nguồn gốc của làng, và được một bữa uống rượu cần, nghe bà con kể chuyện và thưởng thức đặc sản vùng cao đầy mê đắm giữa đại ngàn… Sau chuyến đi đó, chúng tôi còn lặn lội đến nhiều ngôi làng khác, mà ở mỗi nơi là một huyền sử lấp lánh của người vùng cao. Là Măng Lùng, ngôi làng neo mình giữa chênh vênh sườn núi Ngọc Linh. Là Côn Zốt - cổng trời ở Nam Giang. Hay làng Mèn, một nơi mà cư dân nổi danh với biệt tài leo trèo như sóc… Sau những vất vả của hành trình dài, đổi lại, là một loạt bài thú vị về người vùng cao, mà chúng tôi đã may mắn được gặp, được nghe, và kể lại cho độc giả của mình.
2. Hết lên rừng, tôi lại thử sức mình với biển. Vài lần ra biển, nhưng chỉ là cuộc đồng hành với tàu Cảnh sát biển, hay tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn, biển cả vẫn là một miền mới lạ đầy phấn khích. Vậy là đi. Ngư dân sẵn lòng cho đồng hành nhưng cũng không giấu được sự ái ngại sợ nhà báo… say sóng. Quả thật, với người không quen, chỉ cần vài chục phút lắc lư với con sóng dập dềnh, có khi đã nôn đến mật xanh mật vàng vì say sóng. Bước lên thuyền thúng bơi ra tàu, chính tôi cũng thấy... ớn!. Sóng lắc như đánh đu trên mặt biển. Tàu nhổ neo, tôi nhảy vào khoang lái… nằm, để thích nghi dần với sóng. Nhưng được mươi phút, lại bật dậy lần ra sau lái, vì tò mò. Ra xem thuyền trưởng Bùi Văn Trí (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành) thả câu cá ngừ, nghe anh kể về chuyện biển, chuyện cá, mực, những câu chuyện khiến mình quên luôn cơn say sóng. Tôi… tỉnh queo, trái ngược với những lo lắng khi khởi hành.
Đêm, khi tàu buông neo, lần đầu được trải nghiệm câu mực với chiếc cần câu bé tí xíu dưới ánh đèn sáng rực của tàu chụp mực, thấy rõ từng đàn cá nhỏ lấp lánh màu sắc bơi lượn dưới thân tàu. Mực tươi vớt từ biển, còn trong vắt, chớp nháy dưới ánh đèn, rút túi mực, thả vào tô mì tôm pha với nước sôi đã trở thành món đặc sản ngon đến lạ lùng. Những con mực tươi ngon nhất đời mà tôi từng được thử, ngay giữa biển. Phiên đánh bắt kéo dài suốt đêm. Lần đầu mục sở thị cách ngư dân “chụp mực”, nghe những câu chuyện họ kể về đánh bắt, về câu cá, về hải trình hàng chục ngày lênh đênh ngoài biển Hoàng Sa, Trường Sa. Giữa đêm, cá kéo đến dưới thân tàu, ngư dân lấy vợt xúc cá như bắt từ trong… hồ cá nhà mình. Những con cá tươi nhảy tanh tách, lấp lánh ánh bạc, nấu trên thuyền cho bữa ăn khuya.
Đến khi sáng sớm, trở về bờ, lại được ngư dân tặng cho một túi mực tươi đem về làm quà. Những người dân làng biển dễ mến và hào phóng. Dù đêm đó, sản lượng đánh bắt được chỉ ở mức dưới trung bình, nhưng hình như không ai có chút lăn tăn. Sáng hôm sau nữa, nhận được tin nhắn của ngư dân Trần Văn Thuận trên tàu, rằng chuyến đánh bắt trúng đậm. Tôi nói đùa, rằng do mình… đen đủi, nhưng đáp lại là một gương mặt cười, và lời mời gọi đi một chuyến nữa, dài ngày với anh em…
Vậy đó, nghề báo như bao công việc khác, cũng có lắm lúc buồn vui. Nhưng sau mỗi chuyến đi, những niềm vui góp lại qua năm dài tháng rộng, cứ nuôi lớn dần đam mê của những người đi viết. Tôi thấy mình may mắn với nghề, với bao hành trình đã đi qua và cứ dặn lòng, phía trước, còn bao điều thật mới, thật khác đang đón chờ!
THÀNH CÔNG