Làm báo tới già
Cha tôi tuổi Giáp Thìn, sinh năm 1904. Ông lớn lên trong cảnh chữ Hán đang suy tàn mà nền tân học thì chưa kịp manh nha. Ông đi theo con đường mà người anh ruột của ông (bác ruột tôi) đã đi: Học chữ Hán với thầy đồ, học qua Quốc ngữ rồi học thêm một chút tiếng Pháp. Cuối cùng ông đậu cái sơ học yếu lược Pháp - cỡ như xong bậc tiểu học ngày xưa.
Tác nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Bởi học hành dở dang nên ông rất khao khát được cho con cái học hành tốt hơn mình. Tháng 5.1963, trước khi tôi thi lấy bằng trung học, cha tôi “thảo luận” với tôi: “Đậu trung học rồi, con cứ chọn ban văn chương và sinh ngữ, học ba năm lấy bằng tú tài ban C rồi kiếm trường đại học mô dạy nghề làm báo, học để ra làm báo. Quảng Nam mình có những nhà báo giỏi như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Châu Trinh. Cố học theo gương người xưa mà làm”.
Tôi đậu tú tài toàn phần ban C năm 1966, nhìn quanh nhìn quất từ Huế trở vào không có trường nào dạy báo chí chính quy cả. Ở Đà Lạt có trường đại học có phân khoa báo chí và chính trị kinh doanh nhưng tôi dị ứng với hai chữ “chính trị” nên không ghi danh học. Tôi phải đi con đường zích zắc: Vào Sài Gòn học triết ở văn khoa rồi thi vào Đại học Sư phạm để ra làm giáo sư triết (tên gọi ngạch trật thời ấy). Rứa mà tôi vẫn mê nghề báo! Rải rác từ thời trung học cho đến khi ra trường đi dạy, tôi đã viết nhiều bài trên báo chí ở Sài Gòn mà lại chọn con đường hư hỏng nhất là... làm thơ và viết văn xuôi! Hóa ra, tôi viết báo... trật, thiệt là nát bét đến năm bảy tầng.
Năm 1979, quân bành trướng xâm lăng biên giới sáu tỉnh biên giới phía Bắc, các anh chị báo Tuổi Trẻ rủ tôi đến, đưa cho tôi cả ngàn trang tư liệu “Phổ biến hạn chế”, bảo tôi nghiên cứu kỹ và viết loạt bài chống chủ nghĩa bành trướng. Tôi thi công tốt loạt bài ấy. Năm 1984, báo Tuổi Trẻ Cười ra đời, tôi phụ biên tập với các anh. Năm 1985, kỷ niệm mười năm đánh thắng giặc Mỹ, tôi viết bài Cáo đánh Mỹ, được hoan hô nhiệt liệt. Những bài viết này mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa.
Bạn học cùng Trường Trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) của tôi ngày trước là thiếu tá Huỳnh Bá Thành - Phó Tổng biên tập Báo Công An TP.Hồ Chí Minh, qua tới... rạch Tân Quy (Nhà Bè) tìm tôi trong khi tôi đang đi đánh cá. Thành nói: “Ê, thằng con chim, mi bỏ... cái chức cán bộ phòng giáo dục đi, về mà làm báo với tau. Treo lưới lên đi, đừng đánh cá nữa!”. Tôi nghe sướng ran hai lỗ tai, bèn bỏ ngang mười năm biên chế, về báo Công an TP.Hồ Chí Minh, làm tổ trưởng phóng viên.
Tôi chịu khó chịu cực, nơi nào cũng đi đến, việc gì có lợi cho cơ quan, cho bạn đọc là làm ngay; giữ mình thanh tịnh, ai tặng tiền cũng không bao giờ lấy. Năm 1993, Huỳnh Bá Thành qua đời đột ngột vì cơn bạo bệnh; buổi sáng mùa xuân bên cạnh Thành chỉ có hai thằng bạn học cùng trường là tôi và Nguyễn Hữu Khánh Duy đứng khóc bạn. Ba tháng sau, tôi chuyển sang làm công tác tòa soạn ở Báo Thanh Niên. Bốn năm sau đó, tôi chuyển sang làm công tác tòa soạn ở Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh và ở đây cho đến năm 2010 thì xin nghỉ việc vì mình đã... quá đát!
Tôi say mê nghề báo, trong suốt hai mươi năm đó, căn bản là tuần nào cũng có một chuyến đi. Một bức thư bạn đọc gửi cầu cứu, một người bị án oan sai, một hành động sai trái được bao che, một gia đình ai đó gặp hoạn nạn - hễ có nguồn thông tin là tôi tìm đến. Công tác phí của cơ quan cấp có khi không đủ, tôi bỏ thêm chút tiền túi ra. Đi đến nơi, tôi thường được các vị lãnh đạo hữu quan giúp đỡ cho đọc hồ sơ; cá biệt cũng có nơi nghi ngại, làm khó. Thế nhưng, tôi tin mình và tin rằng không có việc gì là không tìm hiểu được. Cũng đã có những lời đe dọa, những gợi ý bỏ qua nhưng tôi vượt qua được.
Nghỉ việc trong cơ quan báo chí, tôi tưởng đâu đã có những ngày nhàn nhã, chuyên tâm viết sách, viết ca khúc, soạn hòa âm phối khí hay làm các talkshow cho vui.
Thế nhưng, nợ duyên với báo chí quá sâu, quá lậm. Trường đại học yêu cầu dạy hai tín chỉ Tiểu phẩm - tạp văn và Bình luận văn hóa nghệ thuật giải trí cho sinh viên năm thứ tư; tôi đi dạy. Báo này đặt hàng loạt bài các “vụ án” ngộ nghĩnh; án không ra án trong những miền sâu, miền xa, vùng dân tộc thiểu số; tôi phải viết. Báo kia muốn có một tư liệu “độc” về một nhà thơ; tôi phải viết. Xuân thu nhị kỳ, các báo làm giai phẩm, đặc san đề nghị có bài; tôi phải có bài. Báo Tuổi Trẻ Cười thường xuyên mỗi tháng phải có ít nhất bốn bài; tôi phải thi hành đúng nghĩa vụ dân sự. Đang uống cà phê ngắm hoa cỏ mùa xuân, ai đó gọi điện thoại “Anh viết cho em khoảng 600 chữ, bình luận về vụ XYZ, gửi em trước 3 giờ chiều” là phải về nhà mở laptop ra gõ ngay.
Nhà báo yêu nghề y như phụ nữ có con mọn; lúc con khóc là phải “cho bú” ngay. Công tác tòa soạn cũng vậy mà phóng viên tác chiến cũng rứa. Bạn đồng nghiệp trẻ thì không nói làm chi nhưng bạn... già 71 tuổi như tôi cũng phải chơi theo cái luật chơi ấy. Vả chăng, người ta có tin mình, có mến mình thì mới gọi, mới đặt hàng; báo in ra mới có tiền nhuận bút mà sống. Không làm lấy chi ăn hỡi trời?
Sống nghề viết báo
Cái sống tươi vui.
Được đăng bài báo
Lại có tiền xài!
Mười năm trước, tôi bị nhồi máu, tưởng toi nhưng rồi mạnh giỏi. Cuối năm qua, lại bị mổ khối u trong cổ, tưởng đâu mất tiếng nói nhưng lại nói được. Hôm nay, nhan sắc đã xinh đẹp lại, có vẻ ra tác phong một vị đại lão gia tươi tỉnh. Than ôi, cái đầu càng ngày càng thông minh. Tôi hạ quyết tâm làm báo tới già gân; làm cho tới khi nào các ngón tay không thể gõ xuống trên bàn phím laptop nữa thì nghỉ làm.
Chết không viết báo
Là chết u mê.
Lòng ta đau khổ
Trí ta nặng nề!
Không có đồng thu nhập nào ngay ngắn, lương thiện, sạch sẽ như đồng tiền nhuận bút của nghề báo. Nhà báo cảm thấy hạnh phúc bởi viết báo, làm báo là cái nghề đẹp nhất trên đời này; cái nghề tạo ra phản biện, đối thoại, giao lưu minh bạch, thẳng thắn và bình đẳng nhất. Một người như tôi nghỉ không có lương hưu thì lại phải cần làm báo, làm hoài làm hủy, làm miết tới cho tới khi phím Shift nó mòn thì thôi! Không làm lấy chi ăn hỡi trời?
ĐỒ BÌ