Tiếng nói nhân văn
Làn sóng văn minh mới, với thời đại công nghệ 4.0, đang và sẽ tác động nhiều mặt làm thay đổi đời sống con người. Những ngành nghề truyền thống chịu áp lực lớn với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Trong đó, cuộc khủng hoảng của báo chí truyền thống đã xảy ra do sự cạnh tranh gay gắt của các phương thức truyền thông mới (báo chí đa phương tiện trên internet, mạng xã hội) dẫn đến sự sụt giảm về lượng người đọc, lượng phát hành, doanh số…
Trong xa lộ thông tin đa chiều và phức tạp như hiện nay, đòi hỏi các loại hình báo chí, nhất là báo chí truyền thống, phải luôn đổi mới và sáng tạo về tổ chức thông tin, cách tiếp cận và xử lý thông tin. Đội ngũ làm báo chính thống phải là lực lượng có bản lĩnh trí tuệ, có tâm và tài, để đưa thông tin chính xác, trung thực, kịp thời, phân tích sắc bén với cái nhìn nhân văn về các vấn đề của cuộc sống. Bởi việc đưa thông tin như thế nào để thể hiện được những giá trị nhân văn có tính phổ quát vẫn tiếp tục là nền tảng cho báo chí, truyền thông. Khát vọng phát triển gắn với việc bảo vệ, thực thi quyền con người, bồi đắp văn hóa, luôn là thước đo giá trị cho mọi sản phẩm của truyền thông đại chúng. Do vậy, dù phải đổi mới, tiếp tục phải cải cách mạnh phương thức thông tin, báo chí cũng không thể chọn con đường nào khác là lấy văn hóa làm động lực phát triển, làm nên tiếng nói giàu tính nhân văn.
Với Báo Quảng Nam, con đường phát triển đã, đang và sẽ luôn cần dựa trên tính nhân văn, những giá trị văn hóa phổ quát, đồng thời định vị bản sắc cốt lõi thể hiện tính cách Quảng đã được hun đúc từ xưa đến nay. Thử thách đặt ra cho báo địa phương là tìm chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả bản địa nhưng đồng thời cũng phải vươn ra, nối kết những thông tin, tâm tình ở mọi miền quốc gia, khu vực. Thử thách về phương thức thông tin là làm thế nào để phát triển truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ, nhằm đảm bảo quyền được thông tin phong phú, đa dạng và thu hút nhiều đối tượng công chúng. Để vượt lên những thử thách đó cần một quá trình tổ chức lại đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp hóa song hành với hiện đại hóa phương tiện. Trước mắt, Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện thành công Đề án phát triển giai đoạn 2015-2020, nhằm đạt mục tiêu trở thành kênh thông tin tích hợp nhiều loại hình báo chí, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới...
Là “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam”, Báo Quảng Nam đã tiếp nối truyền thống 88 năm hình thành và phát triển, trên nền tảng giữ gìn và phát huy nguồn mạch nhân văn của xứ sở. Đồng thời cũng thấy rằng trách nhiệm và sứ mệnh làm cầu nối cho tiếng nói nhân văn được lan tỏa rộng hơn, sâu hơn, là hành trình không bao giờ có điểm kết thúc. Báo chí có nỗ lực phát huy quyền được biết, quyền được thông tin, mới có ích hơn cho cộng đồng xã hội. Phải nỗ lực và nỗ lực không ngừng để đáp ứng sự mong đợi trong việc bảo vệ và thực thi quyền được thông tin của Nhân dân một khi báo chí đảm nhiệm chức năng “phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”.
Tiếng nói nhân văn là khơi dậy mạch nguồn trong lành của giá trị văn hóa, đạo đức làm người.
Tiếng nói nhân văn của báo chí cách mạng là xây đắp dòng chảy dân chủ hóa đồng hành với “thượng tôn pháp luật”, làm cầu nối vững chãi giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tiếng nói nhân văn càng sâu sắc, càng lan rộng, càng củng cố chỗ đứng không thể thiếu của báo chí, truyền thông đại chúng trong đời sống hiện đại, văn minh.
BÁO QUẢNG NAM