"Thư viện" của nhà báo
Có bạn mới vào nghề báo thắc mắc tại sao thấy tôi tiếp xúc với nhân vật, hỏi lơ phơ, ghi lất phất mà cũng viết được cái phóng sự dài nhằng vậy? Tôi bảo: “Ghi trong sổ tay là phụ, ghi trong đầu mới là chính. Nhưng ghi trong sổ tay hay ghi trong đầu cũng đều là “cất” vào thư viện riêng của mình”.
Tác giả ghi chép bằng sổ “cục gạch” khi hỏi chuyện một công nhân trên đường Hồ Chí Minh năm 1998. Ảnh: Trà Ban |
Trong kho lưu trữ của mình, tôi vẫn còn giữ nhiều cuốn sổ tay be bé, mỗi sổ dày chừng 30 trang. Đó là những sổ ghi chép của tôi mỗi lần tiếp xúc với nhân vật hoặc chỉ đơn giản là ghi vu vơ vài câu vần vè cho vui. Nhưng tất cả những gì tôi ghi lại trong các cuốn sổ đó, nó cũng là “thư viện” rất quan trọng của mình. Những mật ngữ ấy, trừ tôi ra, không ai có thể đọc và hiểu được đầy đủ nội dung và ý nghĩa của nó. Ngoài những cái ghi trong sổ tay, tôi còn ghi trong đầu mình nữa. Đó cũng là một dạng “thư viện” nhưng các thông số chứa ở “thư viện trong đầu” này cần phải được giải phóng nhanh chóng, biến nó thành bài báo ngay sau chuyến đi.
Ghi trong sổ
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan “phát quà hội nghị” luôn kèm theo cuốn sổ tay gửi các đại biểu. Nhà báo, dĩ nhiên cũng có một cuốn sau những lần dự hội nghị như thế. Thú thật, xài mấy cuốn sổ tay dày như cục gạch ấy rất ngại. Thứ nhất, nó chiếm một diện tích và trọng lượng kha khá trong chiếc ba lô công tác, ảnh hưởng đến việc mang theo những thứ cần thiết trong sinh hoạt, nếu qua đêm ở đâu đó. Nhưng quan trọng hơn, vì dày quá, ghi chép cả năm chưa hết, ngày nào cũng nhìn thấy “nó” xập xệ, trông mất hứng. Bỏ thì tiếc mà nhìn hoài nó, quả là quen quá hóa chán. Những nhà báo mà “tiết kiệm” ghi chép như tôi, những cuốn sổ “cục gạch” ấy có khi xài mấy năm vẫn không có cơ hội thay sổ mới.
“Thư viện” của nhà báo đôi khi chỉ là những cuốn sổ tay rất mỏng. Ảnh: Trần Đăng |
Thế rồi, những người sản xuất văn phòng phẩm sản xuất những cuốn sổ tay, bằng... bàn tay, nhỏ xinh, lại vừa vặn bỏ vào túi áo. Hẳn là họ không chỉ sản xuất loại sổ tay ấy để phục vụ cho các nhà báo hay “tiết kiệm” ghi chép, mà còn dành cho nhiều đối tượng khác. Chẳng hạn như ông bạn tôi, chả bao giờ dùng ví; điện thoại của ông, ông cũng chẳng biết cách lưu số của bạn bè hay đối tác làm ăn nên ông chọn cuốn sổ tay dạng này. Nó là “danh bạ điện thoại” của riêng ông và là nơi ông bí mật cất tiền trong đó, vài trăm ngàn thôi, chỉ đủ cà phê hàng ngày. Ông bảo: “Cất vậy an toàn lắm, chả ai tìm tiền mà lại lục trong sổ tay ghi chép như thế cả”. Quả là sáng ý! Sổ tay nhỏ như vậy cũng bất tiện vì không biết kê vào đâu để ghi nếu gặp nhân vật… ngoài ruộng! Vì không có điểm tựa nên anh nào sử dụng sổ tay để phục vụ cho việc viết báo phải tìm cách ghi ít lại, ghi những ý chính. Không phải nhân vật nói gì cũng ghi. Ngày nay, điều tra chuyện tiêu cực phải ghi âm chứ ghi sổ như vậy, khi cần đối chất, họ chối bay, mình ôm họa liền. Vậy, “ghi ít lại” là ghi kiểu gì? Thứ nhất, ghi thật nhanh, gọi là tốc ký, ghi cho được cái ý mà nhân vật đã truyền đạt. Thứ hai, cố gắng viết tắt một cách tối giản. Mà muốn vậy, mình phải tự xây dựng “bộ quy tắc viết tắt” cho riêng mình. Tôi nói “mật ngữ” là chỗ ý này, vì có những chữ, hoặc ký hiệu, chỉ mình mới hiểu nó là cái gì. Chính vì ghi ở dạng tối giản, gần như chưng cất ấy, nên anh bạn trẻ mới nhập môn thấy tôi “hỏi lơ phơ” và “ghi lất phất” mà cũng viết được bài dài ngoằng là vậy.
Ghi trong đầu
Bây giờ có công cụ hỗ trợ là máy ghi âm, thậm chí ghi bằng smart phone nên rất tiện lợi, chứ cách đây hai ba chục năm, lúc nào cũng kè kè cái máy ghi âm to như viên táp lô của đài phát thanh theo người, quả là bất tiện. Nhưng theo tôi, nếu bạn đi viết phóng sự về nhân vật, máy ghi âm chỉ mang tính chất “trang trí” chứ hoàn toàn không cần thiết. Có bạn trò chuyện với nhân vật suốt buổi, ghi âm toàn bộ chứ không ghi chép gì trong sổ tay. Về nhà bật nghe lại để viết bài, nghe xong hết muốn viết vì nó dài lòng thòng quá. Đoạn mình cần thì không biết nó nằm ở phân khúc nào, trong khi chỗ mình không cần thì lại cứ lằng nhằng dây nhợ. Tua tới tua lui một hồi, xong là mất hứng. Đó là chưa kể, cái máy smartphone hôm đó nó “ấm mình”, về mở ra chả nghe ai nói cả ngoài một từ “a lô” của chính mình lúc thử máy. Riêng đối với những nhân vật “hoạt ngôn”, máy ghi âm sẽ phát huy công dụng tối đa. Có nhân vật, chỉ cần chép lại nguyên xi lời họ nói, mình chấm câu sao cho chuẩn là ra cái bài ngon lành. Nhưng những nhân vật như thế rất hiếm, đa số là “dây cà dây muống” nên tốt nhất là “ghi trong đầu”.
Viết phóng sự về nhân vật, ngoài kể lại “tiểu sử” của họ, liệt kê các sự kiện quan trọng trong đời họ, cái đọng lại trong lòng bạn đọc là những chi tiết, nhưng chi tiết ấy phải được tưới tắm qua cảm xúc của nhà báo. Muốn có chi tiết xúc động để mình có thể viết thăng hoa thì anh cứ để nhân vật tự “trôi” trong ký ức của họ, không nên ngắt ngang giữa chừng. Ghi một vài “ký hiệu” có tính gợi mở về diễn biến của câu chuyện, còn ghi trong đầu mới là chính. Có thể mình quên nhưng khi về xem lại sổ tay, lướt qua các “ký hiệu” đã ghi, ắt sẽ nhớ lại diễn biến của câu chuyện. Công đoạn cuối cùng trước khi bắt tay vào viết, đó là… kể lại chuyến đi gặp nhân vật ấy, sự kiện ấy cho bạn bè trong buổi uống cà phê ngay sau đó. Kể như vậy là một cách để khuấy động những gì đã ghi nhớ trong đầu mình. Trong quá trình kể lể ấy, thế nào cũng có những ý mới để triển khai trong bài viết. Kể xong là viết ngay chứ để một vài hôm là anh phải khởi động lại. Lúc ấy cái tươi rói của cảm xúc sau chuyến đi bị các sự kiện khác che lấp nên hiệu quả của bài viết sẽ không cao.
Đó là những kinh nghiệm của riêng tôi, nó hoàn toàn không phải là “khuôn vàng thước ngọc” gì cho nghề viết báo cả. Mỗi nhà báo có cách ghi chép tư liệu theo kiểu của mình, miễn sao đạt hiệu quả cao nhất. Viết về kinh nghiệm trong nghề báo chỉ là cung cấp một “kênh” trong muôn hình vạn trạng của đủ loại “kênh” mà mỗi nhà báo sẽ phải thu nạp vào mình trong quá trình hành nghề...
TRẦN ĐĂNG