Hướng dẫn tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định

VĂN DŨNG 20/06/2018 09:02

Ngày 7.5.2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp (DN) quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại DN.

Thông tư quy định rõ tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ, bao gồm TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình. Trong đó, TSCĐ hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn: Có thời gian sử dụng từ một năm trở lên; có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên. TSCĐ vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn trên.

Thông tư cũng nêu rõ các nguyên tắc khi trích khấu hao TSCĐ. Theo đó, đối với TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao TSCĐ vào giá dịch vụ thì thực hiện theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp. Đối với TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc trường hợp trên được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới thì việc trích khấu hao thực hiện từ ngày TSCĐ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh… và thôi trích khấu hao từ sau ngày kết thúc việc sử dụng TSCĐ vào kinh doanh, cho thuê. Chi phí khấu hao TSCĐ phải được phân bổ cho từng hoạt động để hạch toán chi phí tương ứng.

Đối với các TSCĐ có tỷ lệ hao mòn TSCĐ quy định tại thông tư này thay đổi so với tỷ lệ hao mòn TSCĐ quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 6.11.2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn TSCĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước thì từ năm tài chính 2018 xác định mức hao mòn hàng năm của TSCĐ theo nguyên giá của TSCĐ và tỷ lệ hao mòn TSCĐ quy định tại thông tư này để ghi sổ kế toán.

Đối với các TSCĐ đã có quyết định giao, điều chuyển trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành mà trước khi giao, điều chuyển tài sản đó chưa được theo dõi trên sổ kế toán hoặc khi thực hiện bàn giao, tiếp nhận chưa đánh giá lại giá trị tài sản thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản có trách nhiệm đánh giá lại giá trị tài sản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 thông tư này để ghi sổ kế toán, xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn TSCĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 thông tư này làm cơ sở để kế toán TSCĐ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2.7.2018 và được áp dụng từ năm tài chính 2018 và thay thế Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 6.11.2014 của Bộ Tài chính.

VĂN DŨNG

VĂN DŨNG