Quản lý tài nguyên và môi trường ở Đại Lộc: Kiến nghị nhiều giải pháp

HOÀNG LIÊN 20/06/2018 08:49

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của HĐND tỉnh mới đây, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở Đại Lộc được đưa ra mổ xẻ, phân tích, kiến nghị giải quyết.

Khai thác cát dưới chân cầu Hà Nha, Đại Hồng. Ảnh: H.LIÊN
Khai thác cát dưới chân cầu Hà Nha, Đại Hồng. Ảnh: H.LIÊN

Vấn nạn sạt lở

Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh với UBND xã Đại Thạnh mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã nêu tồn tại lớn trên lĩnh vực tài nguyên môi trường tại địa bàn, đó là tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông đe dọa tới khu dân cư cũng như tuyến đường huyện đi qua địa bàn xã.

Theo bà Nam, khu vực sạt lở diễn ra nặng nhất ở các thôn Tây Lễ, Hanh Đông, Hanh Tây với 18 hộ dân có nguy cơ bị đe dọa ảnh hưởng tính mạng, nhà cửa, trong đó có nhà chỉ còn cách bờ sông hơn 10m.

Thôn Tây Lễ sạt lở chiều dài 3km bờ sông, điểm sạt lở tính từ mép sông ăn sâu vào làng 50m, nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu 5% đã bị xóa sổ.

“Qua mỗi mùa lũ tình trạng sạt lở càng trở nên nặng nề. Chính quyền và nhân dân đã tích cực trồng tre giữ đất nhưng nhiều bờ tre nay cũng trôi theo sông rồi. Giải pháp di dời 18 hộ dân là cấp thiết nhưng ngay cả khi di dời dân thì trụ sở UBND xã và tuyến đường huyện đi qua xã cũng bị đe dọa, nên mong tỉnh, huyện có giải pháp kè sông bảo vệ làng” - bà Nam nói.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, không riêng gì Đại Thạnh, tình trạng sạt lở ở Đại Lộc đang diễn ra ở một số khu vực khác như thôn Giao Thủy (Đại Hòa), khu bờ tây thị trấn Ái Nghĩa, khu vực Mỹ Hảo (Đại Phong)… Ngoài việc đề xuất trung ương, tỉnh có giải pháp kè cứng, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giải pháp “kè mềm” bằng cách trồng tre, trồng cây bói, trồng cỏ chống sạt lở, trồng cây lâu năm để giữ đất và giải pháp này bước đầu cũng có hiệu quả tạm thời ở một số địa phương.

Bãi rác Đại Hiệp quá tải

Bên cạnh vấn nạn sạt lở đất, câu chuyện ô nhiễm môi trường từ bãi rác Đại Hiệp cũng là vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc của HĐND tỉnh với UBND huyện Đại Lộc.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, bãi rác Đại Hiệp là “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước được UBND tỉnh gia hạn thời gian đóng cửa hoạt động đến 31.12.2018.

Hiện nay, bãi rác này đã quá tải, gây ô nhiễm trầm trọng cho các khu dân cư lân cận. Vụ sản xuất năm 2017, bãi rác rò rỉ nước thải ra khu vực sản xuất lúa gần đó gây thiệt hại năng suất cho cả chục héc ta và Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam đã phải bồi thường cho người dân 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, lo ngại của chính quyền và người dân địa phương là dù UBND tỉnh đã lùi thời hạn đóng cửa tới 31.12.2018 nhưng kế hoạch xây dựng lò đốt rác thay thế ở xã Đại Nghĩa vẫn chưa tới đâu, các hạng mục vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

“Nếu đóng cửa bãi rác mà lò đốt rác chưa xong thì lượng rác khổng lồ biết đổ về đâu? Dân thì bức xúc vì ô nhiễm, địa phương cũng rất lo làm sao dự án xúc tiến nhanh. Ngay cả bãi rác Đại Hiệp, dù đã đóng cửa cũng phải tính tới phương án đảm bảo duy trì công tác bảo vệ môi trường, xử lý lượng nước thải rỉ ra môi trường và khu dân cư” - ông Mẫn kiến nghị.

Bà Phạm Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Đại Lộc kiến nghị thêm, Đại Lộc phải gánh một lượng lớn rác thải từ các vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên đổ về gây quá tải, thời gian tới cần chấm dứt tình trạng này. Làm sao đó mỗi địa phương phải xử lý tốt lượng rác thải phát sinh trên địa bàn mình, mỗi huyện phải có lò đốt rác hoặc bãi rác tập trung để tránh quá tải cho Đại Lộc.

Siết chặt quản lý khoáng sản

Việc siết chặt quản lý khai thác khoáng sản, đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn cũng là tâm điểm của đợt làm việc lần này.

Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh phản ánh, nhiều khu vực của Đại Thạnh đang là tâm điểm của tình trạng sạt lở, trong khi chính quyền và nhân dân đau đầu tìm giải pháp thì đâu đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn khiến nạn sạt lở gia tăng.

“Nhiều ghe thuyền hút cát đậu giữa sông nhưng lại đặt ống hút cát vào sâu tận trong bờ để hút cát. Chính quyền xã đã tăng cường con người, lực lượng ngăn chặn, truy đuổi nhưng chưa rõ đối tượng để xử lý. Các ghe hút cát được trang bị mã lực lớn, ghe thuyền của xã khó có thể đuổi kịp. Rất mong huyện và tỉnh tăng cường lực lượng tuần tra trên khu vực sông Thu Bồn để xử lý nghiêm hành vi hút cát trái phép, tránh ảnh hưởng thêm đến khu vực đang sạt lở nặng” - bà Nam kiến nghị.

Liên quan đến việc cải tạo đồng ruộng gắn với khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch tuynel tận dụng, bà Phạm Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Đại Lộc kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh có hướng hỗ trợ địa phương triển khai một số dự án cải tạo đồng ruộng, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy gạch tuynel hoạt động. Như vậy vừa giải quyết lao động, vừa cải tạo ruộng đồng bằng phẳng, góp phần “dồn điền đổi thửa” và “tích tụ ruộng đất”.

Ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay, hiện trên địa bàn Đại Lộc chỉ có 2 phương án cải tạo đồng ruộng có tổng diện tích 24ha đang triển khai. Tiềm năng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy gạch tuynel của huyện rất lớn song doanh nghiệp Đại Lộc phải đi các nơi thu mua nguyên liệu.

Ông Mẫn bày tỏ, việc huy động nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cải tạo đồng ruộng rất thiết thực, vừa giảm thiểu nguồn lực ngân sách địa phương trong cải tạo đồng ruộng, vừa tạo nguyên liệu bền vững  phục vụ nhà máy hoạt động. Cả huyện có 7 nhà máy gạch tuynel đang cần nguyên liệu, chủ trương của huyện là không giao mỏ cho doanh nghiệp khai thác mà giao cho nhà máy nhằm kiểm soát chặt, tránh tình trạng bán nguyên liệu ra thị trường.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN