Nâng chất lượng cán bộ Mặt trận

VINH ANH 20/06/2018 08:42

Thời gian qua, công tác cán bộ của Mặt trận các cấp đã không ngừng được quan tâm, chăm lo. Tuy nhiên, với vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi công tác cán bộ càng cần được Mặt trận các cấp chú trọng.

Gần 300 cán bộ Mặt trận cấp huyện, xã trong tỉnh tham gia tập huấn công tác tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: VINH ANH
Gần 300 cán bộ Mặt trận cấp huyện, xã trong tỉnh tham gia tập huấn công tác tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: VINH ANH

Đại diện nên phải chất lượng

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, bắt đầu từ quý IV-2018, Mặt trận cấp xã trong tỉnh sẽ tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024 và hoàn thành trong quý I-2019; cấp huyện hoàn thành trong tháng 5.2019 và Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X tổ chức trong tháng 7.2019.

Để đại hội Mặt trận các cấp diễn ra thành công tốt đẹp, ngay từ bây giờ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đang tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể những nội dung liên quan đến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và Tỉnh ủy về đại hội.

Ở cấp tỉnh, ngày 24.5 tại TP.Tam Kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã triệu tập gần 300 đại biểu cán bộ Mặt trận cấp huyện, xã trong tỉnh để tập huấn, hướng dẫn công tác tổ chức đại hội.

Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị tập huấn được quan tâm nhất là công tác cán bộ trong đại hội Mặt trận nhiệm kỳ mới. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 30.3.2018 của Tỉnh ủy về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2019 - 2024).

Theo đó, Tỉnh ủy đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần thực hiện nghiêm túc quy trình chuẩn bị nhân sự.

Nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải đảm bảo cơ cấu theo đúng quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam (khóa III) và hướng dẫn của cấp trên.

Đồng thời phấn đấu tăng số lượng ủy viên là người ngoài đảng (25 - 30%) tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; coi trọng tính tiêu biểu, đại diện và thiết thực; mở rộng thành phần là cá nhân tiêu biểu đại diện cho giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Quảng Nam ở nước ngoài có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân sự chủ chốt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải gắn với khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12.8.2016 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, nhân sự đại hội Mặt trận các cấp cần chú ý đến tính đại diện, tiêu biểu, thiết thực. Đồng thời quan tâm lựa chọn những người thật sự uy tín, tâm huyết, có tinh thần, trách nhiệm cao, là “hạt nhân” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Võ Xuân Ca lưu ý, không phải vì tính đại diện mà giới thiệu, hiệp thương cử Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp không đảm bảo chất lượng. Để Mặt trận khẳng định vai trò, vị trí của mình khi trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận xã hội, thì cán bộ Mặt trận phải được coi trọng, đảm bảo năng lực lẫn trình độ công tác.

Cần sự quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức các đoàn công tác đi cơ sở để khảo sát về tổ chức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và mô hình tự quản ở khu dân cư.

Hoạt động khảo sát thực hiện theo Kế hoạch số 139 của Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trong hoạt động khảo sát này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ cán bộ Mặt trận cơ sở và lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương về hoạt động của Mặt trận, nhất là vấn đề cán bộ.

Theo ông Lê Văn Bảy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Dương (Thăng Bình), một khi Mặt trận hoạt động có sản phẩm cụ thể, làm việc chất lượng, khi đó cấp ủy sẽ ghi nhận, coi trọng; chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện. Từ đó Mặt trận sẽ từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trong xã hội. Do đó, vai trò của người đứng đầu Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp rất quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận ở cấp đó. Do đó, người làm công tác mặt trận, ngoài trình độ, năng lực phải là người có uy tín, nhiệt huyết, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đồng thuận…

Còn ông Lê Chơi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho rằng, cán bộ chủ chốt của Mặt trận thường xuyên thay đổi nên ít có thời gian tiếp cận sâu với công việc. Nhiều địa phương sắp xếp, bố trí cán bộ Mặt trận chưa hợp lý. Ông Chơi đề nghị, sắp xếp, bố trí cán bộ phải có chiến lược, ổn định, có trình độ, năng lực và đạo đức để làm công tác mặt trận. Đồng thời có kế hoạch, quy hoạch đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ làm công tác mặt trận.

Liên quan đến công tác cán bộ của Mặt trận, khi khảo sát tại huyện Nam Trà My, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca đã có những ý kiến, gửi gắm Thường trực Huyện ủy quan tâm, chăm lo đến cán bộ Mặt trận, nhất là vai trò người đứng đầu. Những cán bộ yếu, không có năng lực, uy tín thì không nên đưa về làm lãnh đạo Mặt trận. Thực tế cho thấy, có địa phương, nhiều khi vì xử lý về công tác cán bộ mà sắp xếp, bố trí những người không đủ năng lực về làm Mặt trận. Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca ví von, thường vụ cấp ủy như một huấn luyện viên, việc bố trí đội hình như thế nào cho hợp lý là quyền nhưng làm sao phải “đá” cho hay, cân sức và phải thắng. Tương tự đó là công tác cán bộ, việc sắp xếp, bố trí “hay - dở” là nằm ở thường vụ cấp ủy. Với cán bộ Mặt trận cũng vậy, nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy trong việc sắp xếp, bố trí người đủ năng lưc, uy tín, nhiệt tình,… thì nơi đó Mặt trận khẳng định được mình.

VINH ANH

VINH ANH