Cảnh giác với cúm A/H1N1
Trước tình hình bệnh cúm A/H1N1 xảy ra tại một số địa phương trong nước và đã xảy ra trường hợp tử vong, các bệnh viện ở Quảng Nam đã chủ động phương án phòng ngừa; đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh.
Cách phòng bệnh cúm A/H1N1 tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh: C.N |
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở Quảng Nam nhưng các bệnh viện trong tỉnh đã sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra dịch.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viên Nhi Quảng Nam chia sẻ, do sức đề kháng yếu nên trẻ em dễ bị lây nhiễm cúm. Hơn nữa, bệnh cúm A/H1N1 dễ nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường do có một số triệu chứng tương đồng nên bệnh viện chủ động phân loại bệnh nhân ngay tại phòng khám khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc đối với những bệnh nhân trở về từ khu vực có dịch cúm. Tại phòng khám, bệnh viện bố trí phòng cách ly đối với những trường hợp có triệu chứng của bệnh cúm; các trường hợp nhập viện thì bố trí vào khoa, phòng riêng để cách ly, điều trị; đồng thời trang bị phương tiện bảo vệ đối với cán bộ y tế tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm.
“Bệnh viện Nhi Quảng Nam bảo đảm thuốc men, phác đồ điều trị, tập huấn công tác chuyên môn, trang thiết bị trong trường hợp xảy ra dịch cúm A/H1N1. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong việc lấy mẫu xét nghiệm” - bác sĩ Thoại nói.
Tương tự, bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, bệnh viện thực hiệm nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế và của Sở Y tế trong việc chủ động phòng chống dịch cúm A/H1N1. Đặc biệt, chú trọng khám, sàng lọc và cách ly những trường hợp có nghi ngờ mắc cúm để tránh lây lan trong cộng đồng.
Vi rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi chung, công cộng cũng có thể tạo ra môi trường cho vi rút phát triển, nhất là khi thiếu ánh nắng để diệt vi rút. Người mang vi rút cúm A (H1N1) có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ... (Nguồn: Cục Y tế dự phòng) |
Trao đổi xung quanh những điều cần biết về cúm A/H1N1 và cách phòng bệnh, bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, cũng như một số bệnh cúm khác (cúm A/H3N1, cúm B, cúm C), cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa, nghĩa là bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Cúm A/H1N1 không nguy hiểm, là bệnh lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên đối với một số người có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi hoặc người mắc các bệnh khác như tiểu đường, huyết áp hay bị bệnh mạn tính..., bệnh cúm A/H1N1 có thể biến chứng viêm phổi và gây tử vong.
Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn, bệnh cúm A/H1N1 dễ mắc, có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh chóng từ người sang người qua đường hô hấp, qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh... Triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 cũng giống với các bệnh cúm thông thường khác nên dễ khiến nhiều người chủ quan, không đến cơ sở y tế điều trị khi nhiễm bệnh. Người bị nhiễm cúm A thường sốt, viêm họng, nhức đầu, ho, sổ mũi, mệt mỏi, cơ thể suy nhược, tiêu chảy, nôn mửa, đau mình và nhức cơ, ớn lạnh...
Cách phòng bệnh tốt nhất, theo bác sĩ Trần Văn Hoàn là tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện Quảng Nam có đầy đủ vắc xin dịch vụ tiêm phòng một số chủng cúm, trong đó có cúm A/H1N1. Để phòng cúm mùa, bệnh nhân phải tiêm phòng hằng năm, mỗi năm một lần.
Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.
Bác sĩ Trần Văn Hoàn lưu ý, chỉ có thể chẩn đoán chính xác cúm A/H1N1 bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
CHÂU NỮ