Mùng Năm về thăm Bình Đào
Làng Phường Củi - Giếng Lách (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) nổi tiếng là “vựa” lá mùng Năm và nhiều loại thuốc Nam gia truyền quý hiếm. Mỗi năm, cứ gần đến Tết Đoan ngọ, thương lái ở khắp nơi tìm về làng để mua lá mùng Năm mang đến khắp nơi tiêu thụ.
Làng Phường Củi - Giếng Lách vào vụ lá mùng Năm. Ảnh: HỒ HẰNG |
Vừa đến đầu làng, chúng tôi bắt gặp hương thơm không thể lẫn vào đâu được từ những loại lá mùng Năm thơm ngát. Nhiều người dân thân thiện, nhiệt tình dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng rộng hơn héc ta và giới thiệu về từng loại cây thuốc Nam để làm nên hương vị lá mùng Năm. Được biết, đây là làng nghề có từ xa xưa, ngày nay người dân trong làng tiếp tục giữ gìn. Ông Nguyễn Tấn Trí (62 tuổi) cho biết, có rất nhiều loại cây thuốc Nam để làm nên lá mùng Năm: cây đậu sen, mã đề, rau mơ, cỏ ống có tác dụng lợi tiểu, bổ thận, giải nhiệt; lá ngủ ngày (hoa trinh nữ), bầu đường dùng để an thần; cây tía tô, bạc hà, é, rau tần tăng cường sức đề kháng. Ở đây trồng rất nhiều cây hoa khóm, hoắc hương, rẽ quạt, cam thảo dây, cam thảo đất, măng sợi, chè cát, rễ tranh săng… mỗi cây có một công dụng đặc trưng. Cứ đến giữa tháng chạp âm lịch, gần 40 hộ dân trong làng đều đồng loạt gieo hạt, sau đó cấy lại, có những loại cây trồng bằng hạt, bằng nhánh và củ… Thường đến giữa tháng 4 âm lịch, cả làng bắt đầu thu hoạch dần để bán cho thương lái.
Cũng theo ông Trí, ba năm gần đây lá mùng Năm được tiêu thụ rất mạnh, bán được giá bà con trong làng đều phấn khởi. Tùy theo loại mà mỗi bó lá mùng Năm có giá bán khác nhau. Với hơn 2 sào, trong vòng 3 tháng ông thu về hơn 30 triệu đồng. Chi phí cho mỗi vụ là mùng Năm không nhiều, hạt giống tận dụng từ các mùa trước, chăm bón chủ yếu phân hữu cơ, không hề có thuốc hóa học, chỉ có đất, nước, khí hậu của làng mới tạo ra được hương vị đặc trưng của lá. Có thể tận dụng đất vườn, cây được trồng trên đất thịt sẽ có hương vị ngon hơn trồng trên đất cát; có những loại cây rất “kén đất”, nắng quá phải phủ bạt, mưa xuống phải lập tức tháo nước, nếu không kịp thời cây sẽ bị chết. Đi làm đồng về mệt mỏi, uống ly nước mùng Năm với hương vị thanh khiết, thơm dịu, mát lành cảm giác như mệt mỏi tan biến.
Đi khắp làng, nhà nào cũng thấy từng nhóm người ngồi bó lá mùng Năm, các cô, cậu bé tranh thủ dịp nghỉ hè cũng ngồi phụ giúp ba mẹ bó lá. Những người con trong làng hiện công tác, làm việc khắp nơi trong và ngoài tỉnh cuối tuần cũng về phụ gia đình thu hoạch. Tiễn chúng tôi về, ông Trí vui vẻ đọc mấy câu thơ mà dân làng truyền tai nhau: “Rau má, dây mơ, cỏ nhọ nồi/ Cam thảo, mần trầu cùng vỏ quýt/ Rễ chanh, cây é, củ sả thơm/ Chặt ngắn ba phân phơi trong mát/ Đem ra nấu uống hiệu quả ngay”.
HỒ HẰNG