Cây nho biển
Cũng ngót trên mười năm tôi mới lại dạo qua đoạn cuối đường Hùng Vương (TP.Tam Kỳ), giật mình khi nhìn thấy hàng cây xanh vặn mình, tỏa bóng mát làm ngây ngất lòng. Biết đó là cây nho biển, dáng cây đẹp và rất hữu dụng nên tôi chụp liền mấy tấm ảnh để làm tư liệu.
Những cây nho biển ở đường Hùng Vương. Ảnh: ĐỨC RÂN |
Vài tuần nay tôi lại cất công tìm nhiều nơi khác mà chưa thấy thêm ngoài 8 cây nho biển ở đó. Nhưng qua việc tìm kiếm này, tôi lại có cảm nhận thêm rằng việc trồng cây xanh đường phố ở Tam Kỳ chưa quy củ. Nhớ lại mấy cây hoa sữa trên đường Lê Lợi - Nguyễn Đình Chiểu gần Sở TN&MT, Đại học Quảng Nam và một số nơi mà mùi hương của nó một thời đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống gần đó nên phải trồng loài khác thay thế. Các dãy cây hoàng nam xanh trước và trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh cũng lại phải đào bỏ, trồng lại loài khác. Cây sao đen có nguồn giống từ các vườm ươm lâm nghiệp trong tỉnh nên giá rẻ, dễ trồng, nhanh lớn, chỉ trong ba, bốn năm đầu đã cho bóng mát, nên là loài được trồng đại trà nhiều nơi, nhưng cây này ở giai đoạn ổn định tàn lá lại bắt đầu bị sâu đục thân gây hại tỷ lệ chết khá cao. Và để có bóng mát, người dân hai bên đường trồng thay thế nhưng việc trồng tự phát mỗi nhà mỗi loài nào lộc vừng, nào me, nào khế… như một lát cắt vườn tạp.
Tôi cho rằng, các đơn vị quản lý cần làm rõ nét đặc trưng của hệ thống cây xanh Tam Kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung, cần có nghiên cứu tổng kết khoa học để đưa ra một kết luận thuyết phục nhằm xây dựng mảng cây xanh đặc thù cho Quảng Nam. Cách phối cảnh cây xanh? Tính phong phú, đa dạng? Tính lịch sử? Tính đặc hữu?... Nên chăng có con đường đặc thù mang tên cây?
Theo tôi, để đa dạng thêm trong hệ cây trồng cảnh quan, nên đưa cây nho biển vào trồng trên một số đoạn, tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường xuống biển và một vài khu phía đông Trường Giang. Bởi loài này không những dáng, thân, lá, quả rất đẹp mà cũng đã khẳng định vai trò là “bức tường” chắn bão cho các làng chài dọc vùng biển duyên hải. Cây nho biển có nơi gọi là cây tra, tên khoa học Coccoloba uvifera, thuộc họ rau răm (Polygonaceae), bộ rau răm có nguồn gốc Trung Mỹ. Cây này có thân gỗ lớn, cao 10 – 20m, thân cong queo, phân cành thấp, tán rộng, lá đơn mọc cách, bóng, phiến tròn, gốc lá hình trái tim kích thước 12 – 15cm. Cụm hoa chùm mang nhiều hoa nhỏ màu xanh lục vàng, quả mọng mập khi non màu xanh khi chín vỏ và thịt quả có màu đỏ nhạt. Cây ưa sáng, chịu tốt môi trường biển, chịu được gió, đất cát, nắng nóng khô hạn, bão tố, cát bay. Nho biển nhân giống chủ yếu bằng hạt, được trồng rộng rãi ở nhiều nước nhiệt đới. Ở Việt Nam được trồng dọc biển Nha Trang, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu…
TRƯƠNG ĐỨC RÂN