Báo chí và câu chuyện mới

TRẦN TRUNG SÁNG 17/06/2018 10:56

Giờ đây, báo chí không chỉ lật qua một trang mới mà là viết một câu chuyện mới. Hay nói đúng hơn, cần phải tư duy lại báo chí và nghề báo. Nhà báo giờ đây không còn là người kể chuyện duy nhất nữa, và bước ngoặt này vĩnh viễn không trở lại.

Phóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo ở UBND TP.Đà Nẵng.
Phóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo ở UBND TP.Đà Nẵng.

Gặp gỡ giữa hai thế hệ

Tháng 6.2008, trong talk show truyền hình trực tiếp đầu tiên của Ban Thanh thiếu niên - Đài THVN trên kênh VTV6 với chủ đề “Khi người ta trẻ”, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ thú vị: nhà báo lão thành Hữu Thọ và nhà báo trẻ Trần Vũ Nguyên (TP.Hồ Chí Minh). Theo dõi chương trình, người ta có thể ngầm hiểu là, một bên đại diện cho thế hệ làm báo truyền thống (Hữu Thọ hơn 50 năm tuổi nghề, tác giả của hơn 20 đầu sách, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân; nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương…), còn một bên là đại diện cho thế hệ báo chí thời công nghệ số (Trần Vũ Nguyên, lúc này là phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị, chuyên mảng truyền thông đa phương tiện và báo mạng – Học viện báo chí quốc tế  Đức; thạc sĩ quản trị kinh doanh – Liên học viện kinh doanh – Bruxelles; từng đoạt giải phóng viên trẻ xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Cuộc thi viết về tinh thần “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” năm 2004…).

Trong thời lượng 90 phút, chương trình “Khi người ta trẻ” là cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật về những mối quan tâm trong cuộc sống và nghề báo. Họ cùng tham gia các trò chơi thể hiện tính cách của mỗi bên như: cách đọc sách nhanh nhất, cách giới thiệu 3 quyển sách trong một phút… Dĩ nhiên qua đó cho thấy, cả hai bên đều bộc lộ những ưu và khuyết nhất định trong cách tư duy và cách giải quyết sự việc. Tuy nhiên, chương trình không đi đến một kết luận nào, mà để cho người theo dõi tự suy nghĩ và tự phán xét, với hy vọng đem đến cho hai thế hệ sự hiểu biết, gần gũi và giúp đỡ nhau nhiều hơn trong sự nghiệp.

Nhà báo Hữu Thọ và nhà báo Trần Vũ Nguyên trong chương trình  trực tiếp truyền hình trên kênh VTV6 với chủ đề “Khi người ta trẻ” (Tháng 6.2008).
Nhà báo Hữu Thọ và nhà báo Trần Vũ Nguyên trong chương trình trực tiếp truyền hình trên kênh VTV6 với chủ đề “Khi người ta trẻ” (Tháng 6.2008).

Nhiều năm trôi qua, giờ đây nhà báo Hữu Thọ đã qua đời (năm 2015), còn Trần Vũ Nguyên cũng không còn làm báo, mà trở thành Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Mới đây, tình cờ gặp lại Nguyên cùng nhiều đồng nghiệp cũ trong buổi ra mắt Nhà xuất bản Trẻ tại Đà Nẵng, Nguyên cho biết, cuộc gặp gỡ với nhà báo Hữu Thọ trong chương trình lần ấy, tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho anh nhiều dấu ấn đậm nét, thậm chí ảnh hưởng đến những quyết định về con đường sự nghiệp về sau… Thế nhưng, toàn cảnh mặt bằng hoạt động báo chí trong nước và kể cả toàn cầu đến nay, những xung khắc, cạnh tranh giữa loại hình truyền thống và hiện đại ngày lại càng trở nên vô cùng khốc liệt.
Báo chí cộng đồng và báo chí công dân

Cuối năm 2017, diễn ra cuộc hội thảo báo chí mang tên “Nền tảng công nghệ, niềm tin và sự đổi mới”, do Quỹ báo chí Hàn Quốc (KPF) tổ chức ở Seoul, với sự tham gia đông đảo của các nhà báo, chuyên gia, đại diện các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Giáo sư Emily Bell, giám đốc sáng lập của Trung tâm Tow về báo chí điện tử tại Trường đại học báo chí Columbia, New York đề cập khía cạnh nguy hiểm của mạng xã hội, đó chính là thông tin ảo, thông tin không chính xác. Bà kêu gọi các công ty công nghệ như Facebook, Google… phải có trách nhiệm hơn đối với những thông tin của  mình và để đảm bảo một nền thông tin lành mạnh phát triển.

Thực tế cho thấy, song hành với báo chí điện tử chính thống là các trang thông tin điện tử tổng hợp, nếu không được quản lý sẽ dẫn đến nạn sao chép và ăn cắp thông tin của nhau tùy tiện, bất chấp đạo đức nghề nghiệp. Nhiều cơ quan báo chí chậm đổi mới, không giữ vững tôn chỉ mục đích ban đầu, chạy đua thông tin, lôi kéo bạn đọc bằng nhiều hình thức phản cảm. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin - truyền thông đã phải cảnh báo: “Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là hiện hữu...”.

Nhà báo Đỗ Đình Tấn -  Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban Quốc tế Báo Tuổi Trẻ trong tập sách “Một nền báo chí phẳng” (Nxb Trẻ, 2014) đã dành một phần để nói về báo chí cộng đồng và báo chí công dân - những loại hình mới của truyền thông đương đại đang được sự hỗ trợ tối đa của Internet và các nền tảng công nghệ mới. Tác giả viết: “Báo in không mất trước báo chí online. Bởi vậy, năm 2000 đã không vang lên tiếng chuông gọi hồn đối với báo in. Nhờ Internet, báo in như tìm được một làn gió đổi mới thứ hai để tìm lại vị trí ưu thế của mình đồng hành cùng thời sự với thông tin theo “thời gian thực” từng bị truyền thanh và truyền hình lấy mất”. Báo in đã nhanh chóng có mặt trên không gian số để tiếp tục phát triển và thu hút độc giả qua nhiều hình thức xuất hiện mới, như kết quả khảo sát của AudiPresse (một hiệp hội quy tụ các tập đoàn sản xuất báo chí lớn của Pháp) cho thấy.

Đừng sợ Internet  nuốt chửng…

Đến nay, tại nhiều khu vực trên thế giới, không ít tờ báo truyền thống đã tiến hành thay đổi quyết liệt trước sức ép từ truyền hình và Internet. Tổng biên tập Eric Le Boucher của nhật báo Le Monde (Pháp) cho biết: “Le Monde đã tung ra bộ mới với nhiều màu sắc và co chữ lớn hơn. Chúng tôi phải thu hút độc giả càng trẻ càng tốt. Nếu một người không đọc báo từ năm 20 tuổi, cả đời anh ta sẽ chẳng bao giờ sờ tới tờ báo đó nữa”. Theo hướng đi này, tờ Guardian của Anh gần đây đã tiến hành thay đổi lại kích thước số báo, với slogan “Để bạn chào đón mà không... mỏi tay”.

Sau một thời gian vật vã, phải chăng đã đến lúc có thể lóe lên niềm hy vọng: Báo in vẫn còn chỗ đứng trong tương lai, bởi không một kỹ thuật hiện đại nào có thể thay thế được mức độ tiện lợi và dễ sử dụng của nó. Đặc biệt, đó là nơi những thông tin được lưu giữ một cách trách nhiệm, không thể xóa bỏ được. Và vì thế, “hãy mạnh dạn sử dụng Internet, đừng lo sợ bị nó nuốt chửng” – như khuyến cáo của Tổ chức quốc tế WAN.

Báo chí và câu chuyện mới

Nói như vậy, không có nghĩa là thời vàng son của báo giấy sẽ phục hồi ngay bây giờ và báo điện tử sẽ bế tắc, mà vấn đề lớn cần được đặt ra cho những người làm báo và các cơ quan quản lý báo chí: Chúng ta sẽ đi về đâu, dự báo xu hướng tương lai của báo chí như thế nào trong “thế giới phẳng”? Nhà báo, nhà nghiên cứu Pháp Nicolas Becquet cho rằng: “Vấn đề không phải là cứu lấy những tờ báo mà là cứu lấy báo chí”.

Hiện nay, đã diễn ra cuộc chuyển động thú vị, là các tập đoàn công nghệ đang chuyển mình thành các tập đoàn công nghệ - truyền thông. Mô hình này cũng đã vận hành đối với các tờ báo lớn ở nước ta như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Nhân Dân… Bởi nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ, một tờ báo lớn có thể thua kém một blogger cá nhân về mức độ lan tỏa.

Giờ đây, báo chí không chỉ lật qua một trang mới mà là viết một câu chuyện mới. Hay nói đúng hơn, cần phải tư duy lại báo chí và nghề báo. Nhà báo giờ đây không còn là người kể chuyện duy nhất nữa, và bước ngoặt này vĩnh viễn không trở lại. Trong mỗi tòa soạn, vai trò của nhân viên công nghệ ngày càng quan trọng. Tỷ lệ trung bình hiện nay trên thế giới là cứ 8 nhà báo phải có một nhân viên lập trình làm việc cùng (chứ không phải là bộ phận công nghệ riêng). Ở một số tờ báo lớn, tỷ lệ này thậm chí là 4:1. Nhiều trường hợp, nhà báo phải đa nhiệm - biết làm đủ mọi chức năng như có kiến thức cơ bản về lập trình; biết cách làm báo qua thiết bị di động (mobile journalism), bằng các phương tiện truyền thông xã hội (social journalism) và làm báo chí dữ liệu (data journalism). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều người đang nói đến là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trên quy mô lớn trong các công nghệ chế tạo khiến báo chí sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Một số nhà chuyên môn dự đoán, chẳng bao lâu, sẽ xuất hiện cả công nghệ giúp biến suy nghĩ của nhà báo thành nội dung văn bản chứ không cần phải gõ trên máy tính, điện thoại, hoặc máy ảnh và máy quay video được tích hợp trên võng mạc... Dù vậy, với một nền công nghệ phát triển như thế nào, thế giới  “phẳng” hay không “phẳng”, người ta vẫn tin rằng, trong lĩnh vực báo chí, máy móc sẽ không thể thay thế con người. Vấn đề đáng quan tâm là rồi đây báo chí, người làm báo sẽ  cải tổ, viết lại câu chuyện mới ra sao để bắt kịp thời đại, nếu không muốn bị độc giả quay lưng.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG