Múa rối nước qua báo chí quốc tế
Nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam ngày càng chinh phục nhiều du khách quốc tế.
Một màn biểu diễn múa rối nước truyền thống Việt Nam. Ảnh: AFP |
Bức màn được vén lên. Một con rối tên là Tễu có nụ cười hài hước xuất hiện và tự giới thiệu: Tôi sinh ra từ thiên đàng/ Đi tha hương để hái những quả đào cổ tích/ Khi thế giới phức tạp và hiểm nguy/ Tôi lang thang thấy những khó khăn. Buổi biểu diễn chính thức được bắt đầu, khơi dậy cảm xúc cho người xem.
Đó là đoạn mở đầu bài viết trên tờ Jakartapost (Indonesia), rằng nghệ thuật múa rối nước là chương trình độc đáo mà du khách nước ngoài đến Hà Nội không thể bỏ qua. Nếu như đất nước vạn đảo - Indonesia hấp dẫn du khách với nghệ thuật múa rối bóng, Nhật Bản với nghệ thuật kịch rối bunraku thì Việt Nam chinh phục khán giả, đặc biệt là khách quốc tế với nghệ thuật múa rối nước có truyền thống lâu đời này.
Jakartapost miêu tả, màn trình diễn múa rối nước Việt Nam rất đa dạng và liên quan đến các hoạt động cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương, về các anh hùng dân tộc. Một nghệ thuật có tính giải trí cao nhưng đòi hỏi tài hoa của nghệ nhân làm ra các con rối nước và tài năng của các nghệ sĩ điều khiển rối nước. Chương trình cũng không thể thiếu các nhạc cụ truyền thống. Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) giữ kỷ lục “nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn múa rối nước tất cả 365 ngày trong năm”. Thế mới biết, nghệ thuật này đã chinh phục khán giả ra sao.
Bob Iskandar đến từ Jakarta cho hay, điều khiến ông ấn tượng nhất là những con rối đầy màu sắc và có những chuyển động bắt mắt trên mặt nước. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, khán giả vẫn có thể dễ dàng theo dõi cốt truyện của các tác phẩm. Đó là những phác họa về cuộc sống hằng ngày, ở đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hướng tới sự hòa hợp. Múa rối nước Việt Nam, chỉ có thể diễn tả bằng một từ: “Quá tuyệt”.
Hãng tin AFP (Mỹ) viết, Việt Nam là nơi sinh ra loại hình nghệ thuật lâu đời này, bắt nguồn từ những khu vực trồng lúa ở miền Bắc như là một hoạt động giải trí của người nông dân. Riêng nhà hát múa rối Thăng Long thu hút hàng nghìn lượt xem mỗi tuần. Caroline Thomoff, một du khách đến từ Mỹ với AFP: “Tôi chưa từng xem một buổi biểu diễn múa rối như thế tại Mỹ bao giờ. Tôi thấy được người ta câu cá, nhảy múa, và những màn biểu diễn khác nữa”. Những con rối bằng gỗ được sơn màu rực rỡ kể về các câu chuyện ngụ ngôn hay truyền thuyết, thần thoại xưa.
Theo tờ China Daily USA, trong khi nhiều môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang phải đối mặt với sự sụt giảm khán giả nghiêm trọng và bị mai một, thì múa rối nước Việt Nam vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế muốn khám phá văn hóa Việt thông qua loại hình nghệ thuật mà đối với họ hết sức lạ lẫm. “Chương trình đã giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa Việt, trong đó có mối quan hệ giữa con người và sông nước” - Naomi Liner, một du khách từ Australia nói.
Tuy nhiên, việc duy trì môn nghệ thuật truyền thống không phải lúc nào cũng là dễ dàng. Những nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối nước vẫn mong muốn những người trẻ tuổi quan tâm và đam mê để kế thừa, phát huy và bảo tồn nghệ thuật này. Những tài năng trẻ sẽ phát huy được lợi thế của công nghệ để làm phong phú thêm các nét đẹp hiệu ứng nghệ thuật, mở rộng hiệu quả chiến dịch quảng bá thương hiệu múa rối nước Việt đến bạn bè quốc tế hơn nữa.
NAM VIỆT