Tản mạn chuyện đám giỗ

BẢO ANH 16/06/2018 10:20

1. Một lần cách đây khá lâu, mẹ tôi có bảo rằng, ngày xưa - không rõ là “xưa” cỡ nào, ở thành phố không hề có... đám giỗ. Mẹ bảo dân mình toàn gốc gác nông dân, người thành thị cũng đều từ thôn quê mà ra sau những phen lưu lạc tứ tán vì giặc giã hoặc mưu sinh. Đám giỗ ở phố, có chăng cũng chỉ là “giỗ vọng” hoặc chỉ diễn ra ở số ít những gia đình “mất gốc”; còn ở quê, giỗ mới thật là... giỗ, nhất là khi giỗ được tổ chức trong những ngôi nhà hương hỏa truyền đời... Tin vậy nhưng cứ ngờ ngợ, tôi đem chuyện này hỏi dò một số nhà nghiên cứu văn hóa mà mình tình cờ gặp đâu đó, thì được xác nhận rằng, ở thành thị không có đám giỗ - chính xác hơn là ít khi có đám giỗ, đúng là chuyện từng xảy ra trong thực tế. Đến mức, trong giao tiếp hàng ngày, nếu ai đó nói với bạn bè rằng “Mai nhà tôi có giỗ” thì thế nào cũng được nhận lại một câu hỏi - hỏi mà như là xác quyết: “Lại về quê à?”.

Ăn đám giỗ ở quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ăn đám giỗ ở quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhớ lại chuyện cũ, ngẫm quanh những cái đã nghe, ráp nối lại đôi ba tình huống mình đã gặp, thấy đúng là chuyện giỗ chạp cho đến bây giờ vẫn thường gắn với quê. Nhiều lần có việc vào Sài Gòn, tranh thủ ghé thăm các bác, các chú đồng hương Quảng Nam, trong những câu chuyện không đầu không cuối về nguồn cội, về quê hương, thỉnh thoảng lại nghe người này người kia khoe là “vừa về quê đám giỗ”. Sau ngót 50 - 60 năm định cư trong ấy, hầu như ai cũng đã có cơ nghiệp ổn định, gia đình đã kịp khai chi tán diệp, đã từng đôi ba lần trải lẽ tử sinh, nên một cái giỗ giữa Sài Gòn là có. Nhưng vẫn có những cái giỗ không đành, không thể, chưa thể mang theo vào trong ấy được nên mỗi năm họ lại đôi ba lần khăn gói về quê làm đám giỗ, dự đám giỗ. Giỗ, thành ra cứ níu hoài hai tiếng “về quê”, cứ vọng mãi một nỗi quê!

2. Ở xứ mình, xưa nay vẫn vậy, người đi ăn giỗ, cả khi đi lẫn khi về hầu như không bao giờ đi... tay không. Con gà, cân thịt heo, khay xôi, chục bánh rò, ít trái cây vườn nhà... hay chí ít là chai rượu gạo nút lá chuối được người đi ăn giỗ mang đến đám giỗ là để dâng cúng người được giỗ. Nhưng đằng sau đấy còn là sự sẻ chia, san sớt bớt gánh nặng lo toan cho nhà có giỗ, góp thêm chút món ngon cho bữa giỗ thêm đậm đà, ấm áp. Hồi nhỏ, tôi từng được mẹ nhiều lần sai mang cặp gà to sang nhà dì trước hôm giỗ ngoại đôi ba ngày, để dì biết mà tính toán sắm sanh thêm bớt cho mâm cơm giỗ. Nhiều nhà hàng xóm thân tình cũng vậy, được mời ăn giỗ là báo tin luôn, rằng “tôi có con gà/ vịt/ chục trứng... gửi cúng ông/ bà/ cô/ chú... đó nghe”.

Lúc đi (ăn giỗ) là vậy. Còn khi rời đám giỗ, ai cũng có phần mang về. Vẫn là những vật phẩm từ bữa giỗ nhưng sự trao gửi không hề ngẫu nhiên. Dì A. đem xôi đến cúng thì phần gửi về phải là món... ngoài xôi, hoặc có thể là xôi nhưng phải là một thứ xôi khác. Không ai gửi đúng cái món người đi giỗ mang đến, để tránh cái tiếng không hay là... trả lễ. Thêm nữa, khi gửi phẩm vật từ đám giỗ cho bà con mang về, phải tùy đối tượng mà thưa gửi, mà chọn vật phẩm cho đúng. Nếu là “gửi cho sắp nhỏ” thì chọn mấy món mà trẻ con thích. Nếu gửi cho người có tuổi, “hàng trên” thì gói ghém phải tươm tất hơn và phải là phần thức ăn được để phần lại từ trước chứ không phải là những thứ bữa giỗ chưa dùng hết... Muốn được vậy thì chủ bữa giỗ, ngoài việc phải lo toan lễ nghi, ăn uống, phục vụ còn phải biết nhìn trước ngó sau, biết ai mang vật gì đến cúng và phải biết chọn phần chính xác để gửi về cho người ở nhà. Chi li, vất vả là vậy mà không ai than thở, ngược lại càng vất vả gia chủ càng cảm thấy hài lòng.

Bây giờ, đám giỗ đã có nhiều thay đổi. Có nơi người ta đi đám giỗ bằng... tiền; có người chờ cho bữa giỗ đã qua phần cúng kính mới khệ nệ vác đến một thùng bia. Cũng là “phẩm vật” đi đám giỗ nhưng không được dâng cúng cho người đã khuất. Những “vật phẩm” ấy chỉ còn mỗi một ý nghĩa có phần “thô thiển” là... góp giỗ mà thôi. Lại nữa, thay vì xúm xít nấu nướng chiên xào, không ít đám giỗ bây giờ họ hàng con cháu chỉ việc ngồi tréo chân uống trà, từ mâm cơm cúng tới tiệc mời thực khách đều đã có dịch vụ làm sẵn. Ở những đám giỗ mà mỗi khẩu phần ăn đều đã được bên dịch vụ nấu nướng “lập trình” sẵn như thế này, chuyện gửi phần mang về cho người không đi đám giỗ hầu như không có. Tất nhiên, cũng có một số gia đình “linh hoạt” mua sẵn một số phần quà để gửi về, tươm tất đường hoàng đấy nhưng vẫn không khỏi có cảm giác chênh chao!

3. Tuần trước, tôi về Đại Lộc dự đám giỗ bà cố của vợ. Vẫn như những lần trước, sau ba tuần nhang, cha vợ tôi lại bắt con cháu xếp hàng ngay gian nhà giữa để nghe ông kể chuyện của bà cố, từ lai lịch, gốc tích tới gia thế, đức hạnh của bà. Lần giỗ nào cha vợ tôi cũng kể chuyện về bà, nhưng vẫn không thấy cũ, không thấy nhàm, vì cứ kể một lúc ông lại nghỉ, để liên hệ chuyện đời nay, để khuyên răn dặn dò; rồi nêu tên đứa cháu này để khen, kêu tên đứa cháu khác để... phê bình, nhắc nhở. Chuyện của bà cố, chuyện sống xử ở đời, chuyện làm ăn học hành của đám con cháu cứ nối dài râm ran vào tận bữa ăn sau đó.

Từ chuyện “kể giỗ” mà cha vợ tôi đang làm, chợt nhớ ông bác họ tôi ở quê, mỗi lần ai nói “đi ăn giỗ” là ông lại quở. Ông bảo, không phải lúc nào cũng “đội miếng ăn lên đầu”; với việc giỗ chạp thì càng nên tránh điều ấy, nên phải gọi là “đi giỗ”, “đi đám giỗ”. Giỗ, là dịp để người đang sống tưởng nhớ, ngưỡng vọng về người đã khuất chứ đâu phải chỉ để ăn uống, khề khà!

BẢO ANH

BẢO ANH