Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch

NGUYỄN THANH BÌNH 16/06/2018 09:23

Đà Nẵng đã và đang tiếp tục nỗ lực để trở thành một trong những trung tâm du lịch đẳng cấp của cả nước và khu vực; là “điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”. Báo Quảng Nam giới thiệu về 2 sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu Đà Nẵng.

 Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng đã được định hình thương hiệu.
Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng đã được định hình thương hiệu.

Phát triển du lịch thể thao

Xu hướng du lịch hiện nay không chỉ dừng lại ở loại hình nghỉ dưỡng, tham quan mà rất đa dạng như: du lịch văn hóa, du lịch thương mại và đặc biệt là loại hình du lịch thể thao. Hãng truyền thông đa phương tiện eDiscovery và World Sports Destination Expo gần đây đánh giá du lịch thể thao đóng góp khoảng 800 tỷ USD, chiếm 10% thu nhập du lịch thế giới và đang trên đà tăng trưởng 14% mỗi năm. Bên cạnh đó, họ nhận định “du lịch thể thao là trái tim của tăng trưởng du lịch toàn cầu”.

Du lịch thể thao mang lại giá trị lớn hơn việc đăng cai những sự kiện lớn. Lợi ích từ du lịch thể thao lan tỏa rộng hơn: gia tăng nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, có được sự công nhận của các vận động viên tham gia sự kiện, công dân thành phố năng động hơn, và nhiều lợi ích khác nữa - GS.Terry Stevens - Chuyên gia tư vấn UNWTO về du lịch, thể thao.

Du lịch thể thao ở Việt Nam còn khá mới mẻ và Đà Nẵng là một trong số ít địa phương sớm phát triển loại hình này. Mới đây, ông Geoff Meyer - Giám đốc điều hành Ironman Asia phát biểu: “Thật tuyệt vời khi được chào đón các bạn đã đến tham dự cuộc thi Techcombank Ironman 70.3 Việt Nam 2018 tại Đà Nẵng. Những kỷ lục về số lượng tham gia với hơn 1.600 vận động viên (VĐV) đến từ 56 quốc gia, trong đó có hơn 630 VĐV Việt Nam, gấp hơn 10 lần so với năm đầu tổ chức 2015, đã chứng tỏ đây là lễ hội thể thao mang tầm quốc tế”.

Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Cuộc thi Ironman 70.3 Việt Nam tổ chức 3 lần trước tại Đà Nẵng đều thành công. Riêng Techcombank Ironman với tinh thần “Cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày” đã  khẳng định được vị thế của mình, trở thành một trong những cuộc thi thể thao hết sức ấn tượng, thu hút nhiều VĐV của các quốc gia trên thế giới. Và dự kiến năm 2019 cuộc thi Techcombank Ironman 70.3 châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại TP.Đà Nẵng lần đầu tiên, góp phần quan trọng cho Đà Nẵng trở thành “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” như Tổ chức Du lịch thế giới (Wordl Travel Awards –WTA) bình chọn năm 2016”.

Ngoài ra các sự kiện thể thao như đội thuyền buồm Đà Nẵng - Việt Nam tham gia cuộc đua thuyền buồm Clipper 2015-2016 với 12 chặng 40.000 hải lý vòng quanh thế giới (từ tháng 8.2015 đến tháng 7.2016) hay Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 cũng tổ chức thành công vang dội tại Đà Nẵng. Và đến hẹn lại lên, chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2018 sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 26.6 trải dài trên 60km bờ biển từ Xuân Thiều đến Non Nước. Chương trình có hơn 20 hoạt  động đặc sắc như: chương trình rạp chiếu phim trên biển; Flashmob Bikini; lễ hội đường phố; giải dù lượn trên đỉnh Sơn Trà; Đêm Xuân Thiều; lễ hội âm nhạc Fun Beach; Gala Tài năng nhí; lễ hội trò chơi dân gian; ngày hội Yoga; lễ hội ẩm thực; lễ hội bia… hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.

Nâng tầm pháo hoa

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) đã trở thành truyền thống. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tạo nên thương hiệu cho thành phố trẻ, năng động này. Hai năm 2017, 2018, DIFC đã kéo dài trong 2 tháng bao gồm 5 đợt bắn kể từ ngày 30.4 đến 30.6 nhằm tạo nên sân chơi hấp dẫn hơn và du khách sẽ có thời gian trải nghiệm mùa hè Đà Nẵng thú vị hơn. Và đơn vị góp phần “làm mới” thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng là Sun Group.

Ông Đặng Minh Trường - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sun Group cho biết, công ty đang quản lý khu du lịch Bà Nà Hills và khu vui chơi giải trí Sun World... Từ năm 2017, Sun Group mạnh dạn đứng ra đảm nhận tổ chức DIFC một cách bài bản, chuyên nghiệp, góp phần định vị thương hiệu DIFC - pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, thu hút hơn 2 triệu lượt du khách đến Đà Nẵng trong dịp này.

Hơn 15 năm trước, Đà Nẵng còn là vùng trũng về du lịch và du khách thường “quá cảnh” ở đây rồi vào Hội An hay ra Huế lưu trú. Năm 2002, tổng lượng khách đến Đà Nẵng chỉ đạt xấp xỉ 448 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 265 tỷ đồng; cả thành phố chỉ có 70 khách sạn và 20 công ty lữ hành/chi nhánh, chưa có đường bay quốc tế trực tiếp… Đến năm 2017, Đà Nẵng đã có hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, hiện đại, hệ thống dịch vụ đa dạng, đáp ứng tốt cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017, bao gồm: gần 700 khách sạn, với hơn 30.000 phòng, hơn 100 công ty lữ hành và có 29 đường bay quốc tế trực tiếp; đón 6,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 2,3 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 20 - 30%/năm, doanh thu chuyên ngành đạt 19.403 tỷ đồng. Hy vọng, với việc đẩy mạnh khai thác các thế mạnh du lịch, ngành công nghiệp không khói của Đà Nẵng sẽ nhanh chóng cất cánh.

NGUYỄN THANH BÌNH

NGUYỄN THANH BÌNH