Quan trắc tự động nước thải, khí thải

TRẦN NGUYỄN 14/06/2018 12:22

Để khắc phục những bất cập, yếu kém trong xử lý ô nhiễm môi trường, nhiều nơi dành nguồn lực đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải và bước đầu có chuyển biến tích cực.

Hiện 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Còn các cơ sở sản xuất phát sinh nước thải hầu hết đều xây dựng hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường (TN&MT), ngành đã tham mưu UBND tỉnh ra nhiều văn bản chỉ đạo quản lý các nguồn thải lớn, quản lý ô nhiễm lưu vực sông; đồng thời thực hiện rà soát, thống kê tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có hoạt động xả thải trực tiếp lẫn gián tiếp ra các khu vực sông, biển. Toàn tỉnh có 8 cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp (KCN) và 7 khu công nghiệp có nguồn thải lớn (trên 1.000m3/ngày đêm). Hai KCN Bắc Chu Lai và Điện Nam - Điện Ngọc đã đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động và kết nối dữ liệu về Sở TN&MT. Các cơ sở phát sinh nước thải lưu lượng lớn đang trong giai đoạn lắp đặt quan trắc tự động.

Trong khi đó, xử lý khí thải phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp tự thực hiện và tổ chức quan trắc định kỳ theo quy định hiện hành. Trước đây, cơ sở sản xuất gạch của Công ty CP Prime Đại Lộc xả nước thải, khí thải ra môi trường gây bức xúc cho người dân.

Nhưng từ năm 2017, doanh nghiệp này bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống quan trắc trực tuyến và có phương án khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường nên phần nào khiến người dân sống quanh khu vực nhà máy bớt lo lắng. Sở TN&MT đang hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất; đồng thời xúc tiến dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị quan trắc trực tuyến kết nối tự động số liệu quan trắc các cơ sở phát sinh khí thải thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn và truyền số liệu quan trắc khí thải về Bộ TN&MT theo quy định tại Nghị định số 38 ngày 24.4.2015 của Chính phủ.

“Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 50% số cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, ngân sách tỉnh nên quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị cho thị xã Điện Bàn, trước mắt là thu gom, xử lý nước thải cho vùng đông vì tuy khu vực này đã hình thành nhiều khu đô thị mới nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung” - bà Hạnh đề xuất.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN