Bàn kế quản lý cát sỏi
Tại hội nghị bàn phương án quản lý cát, sạn, sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn do UBND tỉnh tổ chức mới đây, lực lượng chức năng và chính quyền các cấp cho rằng, chỉ khi nào quy hoạch khoáng sản đồng bộ, chặn “đường đi” của cát lậu thì mới hạn chế thất thoát tài nguyên.
Khai thác cát sỏi ở lòng sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Thọ (Điện Bàn). Ảnh: TRẦN HỮU |
Dân chưa đồng thuận
Sản lượng khai thác cát thực tế thấp so với giấy phép Thời điểm này, UBND tỉnh cấp 37 giấy phép cho 28 doanh nghiệp khai thác cát, sạn sỏi lòng sông. Tổng trữ lượng cát sỏi theo giấy phép 7,5 triệu mét khối với tổng công suất khai thác hơn 1,4 triệu mét khối/năm. Tổng sản lượng khai thác 2 năm (2016 - 2017) là 1 triệu mét khối; sản lượng khai thác các tháng đầu năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 do nhu cầu cát của TP.Đà Nẵng giảm mạnh. Sản lượng khai thác thực tế thấp so với công suất được cấp phép. Kiểm tra 19 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực cát sỏi, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện có 7 giấy phép bị tạm dừng khai thác. |
Từ năm 2017 đến nay, các mỏ cát được cấp phép cho Công ty CP An Thịnh và Công ty TNHH Nhất Tài, đóng tại thôn Đông Yên (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) buộc phải nhiều lần đóng cửa do người dân liên tục phản đối.
Cuộc đối thoại đầu tháng 6 vừa qua cho thấy thái độ dứt khoát của người dân là yêu cầu 2 doanh nghiệp dừng hẳn hoạt động vì gây ảnh hưởng đến đất canh tác.
Tại huyện Đại Lộc, thời điểm này có 19 mỏ khai thác cát sỏi lòng sông. Trong số này có 3 mỏ cát phải tạm dừng hoạt động do người dân chưa đồng tình ủng hộ, gồm Công ty TNHH MTV Mười Tám Tư Đại Lộc, Công ty TNHH Phú Hương và Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Tuấn Thành. Trên một đoạn sông kéo dài vài cây số nhưng có đến hơn 10 doanh nghiệp hút cát.
Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc – Trần Văn Mai nêu bất cập: “Cấp phép tràn lan nhưng địa bàn xảy ra tình trạng mua bán mỏ quá nhiều. Các doanh nghiệp khai khoáng làm ăn thiếu lành mạnh. Nhà nước quản lý ông A nhưng thực tế chủ sở hữu khai thác là của bà B. Nhiều nơi xảy ra xung đột căng thẳng với dân”.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN&MT), trong số 12 doanh nghiệp đang tạm dừng khai thác thì có đến 8 đơn vị chưa nhận được sự đồng thuận của người dân (Điện Bàn có 3 doanh nghiệp, huyện Đại Lộc 3 và Duy Xuyên 2).
Các hành vi sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp thời gian qua như khai thác vượt ranh giới cho phép; không có giám đốc điều hành mỏ; lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản không đầy đủ thông tin; không thực hiện giám sát môi trường; cắm mốc các điểm khép góc chưa đầy đủ số lượng…
Theo UBND xã Duy Phước (Duy Xuyên), có thời điểm hàng chục ghe thuyền tham gia hút, vận chuyển cát. Trên tuyến sông, có nhiều đơn vị cấp phép nhưng ranh giới chưa xác định rõ ràng; hiện trạng sẽ thay đổi khi có lũ lụt xảy ra. Việc nạo vét sông của công ty, người dân rất lo lắng vì sợ sụt lún bờ kè. Dân phàn nàn về việc xe vận chuyển để cát rơi vãi trên đường; mất an toàn giao thông tại các đề pô cát. Cho nên, địa phương này đề xuất phải lấy ý kiến nhân dân trước khi cấp phép cho doanh nghiệp để tạo đồng thuận cao, đồng thời giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân nơi được cấp mỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị bàn kế quản lý cát sỏi lòng sông. Ảnh: TRẦN HỮU |
Một nguyên nhân khác khiến người dân một số nơi bức xúc vì việc mở bến bãi tập kết cát sỏi trá hình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 13 bến tập kết cát sỏi chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng đường kết nối từ bãi vật liệu đến đường công cộng. Riêng tại huyện Duy Xuyên có ít nhất 5 bến bãi đã hết hạn cấp giấy phép hoạt động.
Thất thoát rất lớn
Các địa phương như TP.Hội An, thị xã Điện Bàn, các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc cho rằng, ngoài doanh nghiệp tận thu cát sỏi mắc phải sai phạm thì tình trạng khai thác trái phép tái diễn liên tục trên sông Thu Bồn, Vu Gia, sông Yên gây ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường, xói lở bờ sông, đất sản xuất của người dân.
Theo quan sát, hiện nay vẫn còn nhiều ghe thuyền có khoang chứa cát kẹp theo ghe nhỏ có gắn hệ thống bơm hút cát sỏi neo đậu dọc bờ sông Vu Gia - Thu Bồn.
Tài nguyên trôi chảy bởi lỗ hổng của hệ thống kiểm soát và quy định pháp lý. Cơ quan thuế thông tin, có ít nhất 9,4 triệu mét khối chưa kê khai nộp thuế. Trong đó, riêng thị xã Điện Bàn có hơn 7 triệu mét khối chưa kê khai; thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa kê khai nộp thuế tài nguyên.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính so sánh: tổng số tiền mà Nhà nước thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thu cấp tiền khoáng sản hơn 27 nghìn đồng/m3, trong khi một mét khối cát ở thị xã Điện Bàn bán ra thị trường có giá 150 nghìn đồng. Tiền đóng thuế, phí chỉ bằng 19% so với giá trị cát xuất bán ra thị trường hiện nay. “Doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Thất thoát lớn còn ở chỗ đơn vị khai thác thực tế 100m3 nhưng kê khai chỉ 10m3. Nói doanh nghiệp khai thác trái phép cũng không sai vì được Nhà nước cấp phép nhưng tận thu không đúng với nội dung ghi trong giấy phép” - ông Chín nói.
Xã Đại Đồng (Đại Lộc) có 3 công ty được phép khai thác nhưng một thời gian dài tình hình an ninh trật tự rất phức tạp; người dân luôn phiền phức vì giờ vận chuyển cát sỏi không đảm bảo, lại gây ô nhiễm môi trường. Khó khăn nhất là doanh nghiệp tận thu khoáng sản với độ sâu sai quy định nhưng địa phương không có máy móc kiểm tra về độ sâu khai thác.
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn – Trần Úc cho rằng, pháp luật quy định còn khá chung chung trong chế tài xử lý. Rõ nhất là việc cấp phép mới, ai kiểm soát; có máy hút tịch thu thì ai tịch thu không nói rõ, thời điểm nào tịch thu cần xác định rõ. Đấu tranh với “sa tặc” đòi hỏi cách làm đồng loạt chứ mỗi địa phương làm không nổi. Chế tài xử phạt thời gian qua không đủ sức răn đe; quy chế phối hợp liên huyện thiếu chặt chẽ.
Từ ngày 1.7, các bến bãi tập kết cát sỏi trái phép như thế này sẽ bị đóng cửa hoạt động. TRONG ẢNH: Một bến bãi tập kết cát ở phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Ảnh: TRẦN HỮU |
Lý giải thêm về thực trạng trôi chảy cát sỏi lòng sông, Đại tá Lê Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của công an xã và các ban ngành địa phương tới đâu. Công an tỉnh có thể điều động thêm lực lượng hình sự vào hỗ trợ truy quét, nhưng cái chính vẫn là quyết tâm của chính quyền sở tại.
Cần tăng cường hậu kiểm
Về giải pháp chống rút ruột bất hợp pháp tài nguyên, người đứng đầu ngành tài chính của tỉnh cho rằng, phải đấu giá mỏ cát sẽ giảm thiểu được khâu giám sát. Với mỏ đang hoạt động, lắp camera từ bãi vào trục đường chính, giao cơ quan quản lý trực tiếp chiết xuất hình ảnh; có chế độ chính sách hợp lý cho người trực camera.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thời gian qua có vấn đề, vì vậy phải mở rộng không gian đánh giá ĐTM xuống vùng hạ lưu bị ảnh hưởng. Hầu hết mỏ cát vận dụng đường dân sinh nên đường sá xuống cấp nhanh. “ĐTM bắt buộc người khai thác mỏ phục hồi môi trường bằng tiền. Thực tiễn giám sát chưa tốt, ông có mỏ gian dối, ông không có mỏ cũng vậy. Quy hoạch phải vì nhu cầu cho địa phương; quy hoạch phải mang tính đồng bộ, lồng ghép quy hoạch lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Điều quan trọng giám sát kiểm tra hậu ĐTM; tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện” – ông Đức nêu giải pháp.
Còn Giám đốc Sở TN&MT – Nguyễn Viễn cho rằng, để hạn chế thất thoát tài nguyên bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngành chức năng và địa phương vùng giáp ranh cần phối hợp chặt chẽ.
Nhiều ý kiến đề xuất trước khi đưa máy móc, phương tiện vào khai thác, vận chuyển khoáng sản phải đăng ký, đăng kiểm, số hiệu biển kiểm soát phương tiện theo quy định; chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển vào ban ngày; cập nhật, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, giải pháp căn cơ là đề xuất lại phương án đấu thầu. Mỗi địa phương tồn tại không quá 3 bến bãi. Tỉnh thống nhất chủ trương sẽ hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ tham gia bảo vệ khoáng sản cát sỏi. “Tất cả chủ bãi phải đăng ký một bến có phép. Từ ngày 1.7 sẽ đóng cửa bến bãi tập kết cát không phép; xác định rõ ràng trách nhiệm của cán bộ địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.
TRẦN HỮU