Cảnh giác cháy tàu thuyền
(QNO) - Những năm gần đây, liên tiếp xảy ra cháy tàu trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại lớn về tài sản của ngư dân.
Tàu NA-99389 TS bị thiêu rụi tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) vào tháng 5.2018. Ảnh: V.D |
Tiềm ẩn nguy cơ cháy
Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xảy ra 7 vụ cháy tàu cá, thiệt hại hơn 42 tỷ đồng.
Nghiêm trọng nhất là vụ cháy tàu xảy ra vào tháng 5 vừa qua. Theo đó, tàu NA-99389 TS của ngư dân Vũ Đức Thướng (quê Nghệ An) hành nghề chụp mực, đang cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành) để bốc đá ướp chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tiếp theo thì khoang máy bốc khói, có dấu hiệu cháy.
Sau đó ngọn lửa lan nhanh ra toàn bộ con tàu và bốc cháy dữ dội. Lực lượng chức năng của tỉnh đã điều động nhiều phương tiện chữa cháy, hàng chục cán bộ đến hiện trường và tận dụng tối đa lực lượng tại chỗ. Tuy nhiên, tàu NA-99389 TS đã bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại 18 tỷ đồng.
Đảm bảo an toàn cháy nổ cho tàu cá là điều quan trọng nhằm hạn chế những rủi ro. Ảnh: THANH THẮNG |
Thiếu tá Thái Nguyễn Văn Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) cho biết, những vụ cháy tàu tại cảng cá Kỳ Hà phần lớn do chập điện dưới hầm tàu. Ngư dân đều bắt điện theo hình thức thủ công. Nhất là tàu chụp mực, hệ thống điện càng nhiều, nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng lại không trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đa số tàu thuyền của ngư dân bố trí hệ thống điện chủ yếu theo lối thủ công, hệ thống dây điện chằng chịt, nhiều điểm đấu nối không không kỹ lưỡng. Bắt đầu mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ, ngư dân thường tích trữ một lượng lớn nhiên liệu. Trên tàu còn sử dụng gas phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày… là những nguy cơ cao tiềm ẩn cháy nổ. Thế nhưng không ít chủ tàu lơ là, chủ quan, ít khi kiểm tra an toàn cháy nổ.
Mặt khác, rất dễ nhận thấy, ở các tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh thường không có các phương tiện PCCC phù hợp để dập tắt ngay khi đám cháy mới phát ra, hoặc trang bị thiết bị PCCC rất sơ sài. Các thiết bị phát hiện, cảnh báo đám cháy bằng cảm biến hay chuông báo đều chưa được ngư dân lắp đặt trên tàu của mình.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC66) Công an tỉnh cho biết, công tác PCCC trên tàu thuyền gặp nhiều khó khăn vì ý thức ngư dân còn hạn chế. Cũng chưa có quy định nào của pháp luật về PCCC trên tàu thuyền nên không có chế tài để xử lý. Vì vậy PC66 tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.
Công tác phòng ngừa cháy nổ cho tàu khi neo đậu được PC66 quan tâm tuyên truyền thời gian qua. Trong ảnh: Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tam Quang. Ảnh: THANH THẮNG |
Từ đầu năm đến nay, PC66 đã mở 7 - 8 lớp hướng dẫn về công tác PCCC cho ngư dân, nhất là các khu vực Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải của Núi Thành - nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu. Đồng thời đã có các hướng dẫn, khuyến cáo về PCCC cho các chủ tàu thuyền. Trong đó hướng dẫn về công tác phòng ngừa đối với các tàu khi neo đậu cũng như các tàu khi hoạt động. Ở các khu bến bãi neo đậu thì thông qua các ban quản lý, chính quyền để tuyên truyền người dân có nhận thức tốt hơn.
Ngoài ra PC66 còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại Núi Thành) về sử dụng phương tiện chữa cháy của 2 đơn vị khi có cháy xảy ra. Phối hợp kiểm tra tàu thuyền, khảo sát phương tiện, đánh giá sơ bộ những công đoạn, công nghệ có nguy cơ phát sinh cháy nổ như hầm máy, hầm nguyên liệu...
“Khi thực hiện công tác tuyên truyền, thường thì chủ tàu đã ra khơi, muốn tuyên truyền đúng đối tượng là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, vào mùa mưa sắp tới, ngay sau khi ngư dân đi biển về, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền ngay. Ngoài ra, nếu các tàu thuyền lớn, tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 có yêu cầu thì chúng tôi cũng cử cán bộ đến hướng dẫn trực tiếp cho từng tàu về công tác PCCC” - Thượng tá Tiết nói.
THANH THẮNG