Giác mạc tạo ra từ tảo và tế bào gốc qua công nghệ in 3D

TẠ XUÂN QUAN 12/06/2018 16:55

(QNO) - Ước tính trên toàn thế giới có đến 15 triệu người bị chấn thương hoặc hư hại cần phải ghép giác mạc. Nhưng, giác mạc hiến tặng lại rất hiếm. Vấn đề này có thể được giải quyết nhờ công nghệ in 3D.

Trang Digital Trends cho biết trong vài năm tới, giác mạc nhân tạo có thể trở nên dễ tiếp cận hơn nhờ vào nghiên cứu mới của Đại học Newcastle ở Vương quốc Anh. Các nhà nghiên cứu đã trộn lẫn các tế bào gốc từ giác mạc của một người tình nguyện mạnh khỏe với các phân tử collagen và tảo để tạo ra một loại mực sinh học, chúng được in 3D vào một giác mạc nhân tạo. Nghiên cứu hiện tại chỉ là một minh chứng - khái niệm nhưng đặt nền tảng cho các kỹ thuật trong tương lai để tạo ra đôi mắt bionic chi phí thấp, dễ sản xuất.

Theo Che Connon, một giáo sư kỹ thuật mô tại Newcastle nói với Digital Trends thì phải có đủ số lượng tế bào gốc và phối hợp với vật liệu đủ dai giữ hình dạng cho phép tạo ra giác mạc 3D.

Connon và các đồng nghiệp của ông trước đây đã tìm được cách để giữ cho tế bào gốc sống trong nhiều tuần ở nhiệt độ phòng trong một mực sinh học tương tự. Tiếp tục nghiên cứu bằng cách sử dụng một loại mực sinh học được chế tạo sẵn với các tế bào gốc, mà không phải chờ các tế bào phát triển riêng biệt. Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh rằng họ có thể điều chỉnh giác mạc in 3D của họ để phù hợp với kích thước độc đáo của mắt bệnh nhân, bằng cách chụp một hình ảnh giác mạc và kết xuất nó dưới dạng mô hình 3D.

Sẽ cần thêm một vài năm để hoàn thiện giác mạc in 3D rồi đưa ra thị trường. Nghiên cứu sẽ chứng minh có lợi nhất cho các khu vực đang phát triển, trong đó trường hợp tổn thương giác mạc cao nhất và cung cấp giác mạc hiến tặng bị hạn chế nhất.

Hy vọng công nghệ mới này sẽ giúp các bệnh nhân thoát mù vì tổn thương giác mạc.

TẠ XUÂN QUAN

TẠ XUÂN QUAN