Tiếng quê hương
Hơn 30 năm nay, bao thế hệ người làm báo Đài Truyền thanh - truyền hình (TT-TH) Núi Thành vẫn tận tụy với công việc để tiếng nói của quê hương được rộn vang khắp xóm thôn…
Một chương trình phát thanh trực tiếp do ê kíp Đài Truyền thanh truyền hình Núi Thành tự sản xuất. Ảnh: T.C |
Những ký ức
Tôi gọi đùa đồng nghiệp ở Đài TT-TH huyện Núi Thành là những người “thầm lặng mà không im lặng”. Bởi giọng đọc của nhiều người trong số họ nay đã quá quen thuộc với thính giả quê nhà, thông qua những chương trình phát thanh định kỳ mỗi ngày. Tiếng loa vang lên ở từng ngõ phố, từng miền quê, trở thành một thứ “chuông báo” rất đặc biệt. Từ tiếng loa đó, bà con nghe được giọng nói của quê hương, biết được những thông tin gần gũi, gắn liền với mình. Ba mươi bốn năm, kể từ ngày đầu tiên “tiếng quê hương” vang lên vào năm 1984, bao thế hệ cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên của đài đã miệt mài với cánh sóng, với những chương trình cho đến tận bây giờ.
Trò chuyện với ông Ngô Sửu, kỹ thuật viên của đài từ năm 1986, tôi biết ông gắn bó với Đài TT-TH từ những ngày đầu, khi còn sử dụng hệ thống thu phát hữu tuyến. Bàn chân đi khắp các nẻo đường, từ những đồng cát nóng rẫy miệt biển ngày hè, đến vùng cao xã Tam Sơn, Tam Trà những ngày còn đường sá còn bộn bề cách trở. “Chân leo trụ”, ông nói đùa về cái nghề kỹ thuật của mình. Không thể đếm hết bao nhiêu vui buồn với nghề, với đài, chỉ có những ký ức vụn thi thoảng chợt lấp lánh lên khi có ai đó nhắc nhớ về những ngày đã qua.Ông kể về những ngày gồng gánh, một bên là bình ắc quy, một bên là bộ thiết bị, lội nổng cát mênh mông để kịp phát chương trình khi có sự cố đường dây. Và không chỉ kỹ thuật viên đài huyện. Nhiều đồng nghiệp, nhất là những người làm truyền thanh cơ sở, đã quá quen với chuyện gánh gồng thiết bị, đội mưa leo trụ kiểm tra, sửa chữa đường dây để đảm bảo việc thu phát sóng. Mùa mưa dạo nọ, người phụ trách truyền thanh cơ sở ở xã Tam Sơn đã phải liều mình chèo thuyền vượt lũ để kịp mang bình ắc quy kết nối với bộ phát sóng, truyền những thông tin về đợt mưa lũ tới bà con ở quê. “Kỷ niệm nhiều lắm, không thể nào đếm hết, nhớ hết. Làm nghề truyền thanh nhiều cái khổ, nhưng cũng nhiều kỷ niệm vui, nhất là với bà con ở cơ sở” - ông Sửu nói.
Quá khứ là chuỗi dài những đam mê của bao con người gắn với sự nghiệp phát thanh, vượt qua gian khó của thời bao cấp lẫn những thiếu thốn về trang thiết bị ở Đài TT-TH huyện Núi Thành. Ông Nguyễn Văn Phin - phóng viên đài, người cùng thời với ông Sửu, nay đã ngấp nghé U60 nhưng vẫn hăng say với công việc, ngày ngày vác máy lên đường săn tin. Nhiều lần ông Phin băng qua dòng nước dữ, tìm về nơi người dân bị lũ cô lập, hoặc có mặt ở hiện trường những vụ lốc xoáy, chìm tàu… để kịp thời có những thông tin nhanh nhất, cô đọng nhất. Cứ thế, bước chân công tác cứ đi mải miết, mặc cho tuổi tác cứ đầy lên theo tháng ngày…
Bước chuyển mình
Đồng hành với những bước tiến dài của quê hương trên con đường phát triển, Đài TT-TH Núi Thành cũng từng bước phát triển, lớn mạnh nhờ sự góp sức của bao người, bao thế hệ. Đã qua hai lần chuyển đổi sự quản lý từ huyện về tỉnh và từ tỉnh về huyện, từ Đài Truyền thanh trở thành Đài TT-TH hôm nay là thành quả của cả một chuỗi dài nỗ lực. Bước ngoặt của sự phát triển là đề án phát triển sự nghiệp truyền thanh cơ sở huyện Núi Thành giai đoạn 2002 - 2005 đã từng bước đầu tư, phát triển truyền thanh vô tuyến toàn huyện. Năm 2016, đề án “Phát triển sự nghiệp TT-TH huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020” với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng tiếp tục tạo bước đột phá, tiếp sức đài tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa và toàn diện. Ông Đinh Hiếu Trung - Trưởng đài TT-TH Núi Thành cho biết, đến nay, tỷ lệ phủ sóng toàn huyện qua hệ thống phát thanh FM và loa công cộng đạt 90 - 95%. Cơ sở vật chất của đài huyện, đài truyền thanh cơ sở được đầu tư, trang bị mới đồng bộ các trang thiết bị chuyên ngành đúng quy chuẩn, quy định đáp ứng công tác tuyên truyền trong thời kỳ hội nhập, phát triển, đặc biệt là phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển đô thị huyện Núi Thành và xây dựng huyện công nghiệp.
“Không chỉ chạm tay tới những công nghệ hiện đại như đầu tư và đưa vào sử dụng trường quay chuyên nghiệp, phòng sản xuất chương trình truyền hình và nhiều trang thiết bị khác, chúng tôi cũng đã làm chủ được một số kỹ thuật mới. Đồng thời nhiều sản phẩm được phát triển, cải tiến ở cả truyền hình, truyền thanh và xây dựng cổng thông tin điện tử của đài” - ông Trung chia sẻ. Không còn đơn thuần là trạm tiếp âm, phát sóng những chương trình của Đài PT-TH Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, những sản phẩm mới của người đồng nghiệp ở Đài TT-TH Núi Thành đã để lại nhiều ấn tượng, từng bước khẳng định mình trên hành trình đi lên của quê hương. Nói lên tiếng nói của quê hương, về cuộc chuyển mình kỳ diệu của Núi Thành, Đài TT-TH huyện đồng hành với bà con trong đời sống, sản xuất thường ngày. Sự quan tâm kịp thời, sâu sát của chính quyền với sự nghiệp TT-TH càng tiếp thêm động lực, để họ - những người làm báo ở đài huyện tiếp tục gắn bó với nghề, đưa “tiếng nói của quê hương” vang xa…
THÀNH CÔNG