Đề án chính sách hỗ trợ cho cán bộ miền núi đang công tác ở tỉnh: Nhân văn và thiết thực
Không chỉ tạo cơ hội giúp cán bộ miền núi đang công tác tại các cơ quan, đơn vị tỉnh đóng trên địa bàn TP.Tam Kỳ có thêm điều kiện trong đời sống sinh hoạt, đề án chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) vừa được Ban Dân tộc tỉnh tham mưu xây dựng còn mang ý nghĩa thiết thực và nhân văn.
Nhiều cán bộ miền núi kỳ vọng chính sách hỗ trợ này sẽ giúp họ giải quyết khó khăn về nhà ở, sinh hoạt. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Theo ông Hồ Thanh Tân - Phó ban Dân tộc tỉnh, xuất phát từ tình hình thực tiễn khó khăn về đời sống, sinh hoạt, cũng như tạo điều kiện giúp cán bộ đồng bào DTTS an tâm công tác lâu dài tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng trên địa bàn TP.Tam Kỳ, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu xây dựng đề án “Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS có hộ khẩu gia đình ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào công tác tại cơ quan, đơn vị tỉnh đóng trên địa bàn TP.Tam Kỳ và do các sở, ngành, địa phương kết nghĩa nhận hướng dẫn học việc, giai đoạn 2018-2021”. Theo đó, đề án này sau khi được bàn bạc, thống nhất các nội dung sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt nhằm đảm bảo quyền lợi ưu đãi cho cán bộ miền núi.
Nâng mức hỗ trợ cho cán bộ miền núi Tại buổi họp góp ý về Đề án chính sách hỗ trợ cho cán bộ miền núi tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng trên địa bàn TP.Tam Kỳ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần nâng mức hỗ trợ chính sách của đề án đối với cán bộ DTTS lần lượt từ các mức 50 triệu đồng/người lên 70 triệu đồng/người (hỗ trợ tiền mua đất làm nhà ở); từ 5 triệu đồng/người lên 10 triệu đồng/người (hỗ trợ kinh phí ban đầu) và từ 1,5 triệu đồng/người lên 2 triệu đồng/người đối với cán bộ được gửi đến học việc tại các cơ quan, đơn vị kết nghĩa. Đề xuất này của ông Thanh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và thống nhất của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh để hoàn thiện các nội dung bổ sung vào đề án, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt, sớm triển khai trong thời gian tới. |
Ông Tân cho hay, đề án chính sách hỗ trợ này hoàn toàn phù hợp và rất có ý nghĩa đối với tình hình thực tiễn về đời sống, sinh hoạt cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ miền núi đang công tác ở tỉnh hiện nay. Trước đây, sau khi tham khảo ý kiến từ các cơ quan, đơn vị, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ dự kiến với mức 50 triệu đồng/người để hỗ trợ tiền mua đất làm nhà ở và 5 triệu đồng/người hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu phục vụ việc mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân… Riêng số tiền hỗ trợ sinh hoạt hằng tháng cho cán bộ người DTTS ở các địa phương miền núi được gửi đến học việc tại các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, cũng được đề xuất 1,5 triệu đồng/người/tháng trong thời gian học tập không quá 2 năm. Tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 3 tỷ đồng, không bao gồm cán bộ nằm trong lực lượng vũ trang và cán bộ người DTTS đã nhận tiền hỗ trợ trước đây khi chuyển công tác từ TP.Đà Nẵng về Quảng Nam sau thời kỳ chia tách tỉnh. “Theo cơ chế, các cán bộ đủ điều kiện nhận số tiền hỗ trợ phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh trong thời gian tối thiểu 5 năm. Nếu không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu sẽ phải hoàn trả lại số tiền lại cho nhà nước và chỉ hỗ trợ một người/gia đình trong một lần” - ông Tân cho biết thêm.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, tính đến cuối năm 2017, có 20 cán bộ người DTTS đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng trên địa bàn TP.Tam Kỳ (trong đó có 14 người trình độ đại học, 6 người cao đẳng và tương đương), với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng. Sau thời gian chuyển công tác tại thành phố, đời sống sinh hoạt của cán bộ miền núi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về chỗ ở ổn định. Vì thế, chính sách hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết dần câu chuyện ngụ cư lâu dài cho cán bộ miền núi, trở thành tiền đề để thu hút cán bộ người DTTS xuống phố học tập và làm việc theo chủ trương của tỉnh. Chị Hồ Thị Minh Hoàn (dân tộc Ca Dong, cán bộ Hội LHPN tỉnh) chia sẻ, chị rất vui khi biết thông tin về đề án chính sách hỗ trợ cho cán bộ DTTS đang công tác ở tỉnh vừa được Ban Dân tộc tỉnh tham mưu đề xuất, xây dựng. Mặc dù nhiều năm công tác nhưng đời sống của đa số cán bộ miền núi vẫn còn nhiều khó khăn về chỗ ở và sinh hoạt, nhất là những cán bộ trẻ vừa mới được điều động, tiếp nhận. “Chính sách hỗ trợ này sẽ là động lực giúp giải quyết được phần nào khó khăn cho cán bộ miền núi trong đời sống sinh hoạt, cũng như tạo sự an tâm trong công tác” - chị Hoàn nói.
ĐĂNG NGUYÊN