Chệch hướng du lịch sinh thái
Là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Quảng Nam, du lịch sinh thái được xem là hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, do chưa có những quy định, quy hoạch, giám sát cụ thể và phát triển theo kiểu tự phát, không định hướng, chạy theo lợi ích trước mắt… đã làm chệch hướng loại hình du lịch này.
“Băn khoăn” ở những làng du lịch
Được xem là mô hình du lịch thành công nhất Quảng Nam kể từ khi mới hình thành đi vào hoạt động, làng du lịch cộng đồng sinh thái Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) dường như sắp “trượt” vào vết xe của những mô hình làng cộng đồng trước đây như Trà Nhiêu, Mỹ Sơn (Duy Xuyên).
Ông Nguyễn Yên – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây cho biết, từ đầu năm đến nay hợp tác xã đón khách rất ít do các thành viên không tích cực nên đang tính đến phương án giải tán hoặc cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn.
“Khách đến làng phải có người phục vụ, nếu khách nước ngoài thì mình dẫn đi tham quan làng, trải nghiệm làng nghề, ăn uống… Với khách đoàn học sinh thì tổ chức các trò chơi dân gian, cắm trại… nên phải có con người đứng ra tổ chức, thực hiện. Hợp tác xã có 25 thành viên, nhưng phần lớn là đàn bà già cả, chủ yếu làm các công việc như nấu ăn, vệ sinh, những việc khác hầu như không được. Lớp trẻ tìm được vài người nhưng rồi cũng đi hết vì cuộc sống mưu sinh chứ không lẽ mãi bám vào đây. Bây giờ bỏ thì tiếc vì nó có tiềm năng, mà theo thì không đủ sức. Vậy là cứ co cụm dần” - ông Yên chia sẻ.
Cũng theo ông Yên, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải nghiên cứu chứ một mình hợp tác xã không thể đứng được.
Ngoài ra, hợp tác xã cũng đang nghiên cứu nâng cổ phần từ 2 triệu lên 5 hoặc 10 triệu đồng nhằm giảm thành viên xuống còn 7 - 10 người nhiệt huyết nhất, khi đó mới hy vọng vực dậy du lịch làng. Câu chuyện quản lý điều hành làng du lịch hậu dự án đã lặp lại tại Triêm Tây.
Tương tự, du lịch văn hóa sinh thái tại làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) kể từ khi cải tạo sửa chữa lại năm 2014, dù lượng khách tăng trưởng chậm nhưng vấn đề đáng lo là sự biến dạng lối sống, sinh hoạt của những cư dân trong làng.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bhơ Hôồng, khách mua tour lên làng chủ yếu muốn tìm chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, trải nghiệm văn hóa nhưng bây giờ mục đích này đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi lối sống sinh hoạt của người dân trong làng.
“Ngay từ đầu mình định hướng sản phẩm sẽ dành cho đối tượng khách cao cấp vì ở đây sở hữu những điều kiện tốt, nhưng do vị trí nằm đầu làng nên trở nên bất tiện, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm. Nhiều khi dân họ hát karaoke đến khuya, sáng sớm xe máy đã chạy ầm ầm qua cầu, vậy là khách thức giấc khiến họ phiền hà. Chưa kể, chuyện ăn mặc, nhà cửa, vật kiến trúc… cũng đã thay đổi, không còn giữ nét văn hóa của đồng bào. Khi đầu tư vào đây mình định hướng phát triển du lịch sẽ gắn với bảo tồn nhưng nay xem như khó, mà cái này thì một mình doanh nghiệp không thể làm được. Giữa cộng đồng, doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ nhưng người dân thì trông chờ chứ không chủ động hợp tác” - ông Dũng phản ánh.
Những tiêu chí
Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng dựa vào những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn - hai yếu tố không thể thiếu của du lịch sinh thái. Và đây cũng là xu hướng chủ đạo của các địa phương đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch.
Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VĨNH LỘC |
Tại Hội An, du lịch sinh thái gắn với làng nghề đã được nhiều nơi như Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm Kim… chọn làm hướng phát triển. Trong đó, Cẩm Thanh trở thành nơi trình diễn nhiều mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như du lịch cưỡi trâu, làm ruộng, trồng rau, bơi thúng tham quan rừng dừa nước… Mặc dù thu hút sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của cộng đồng và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng không phủ nhận phát triển du lịch sinh thái Cẩm Thanh đã bộc lộ sự chệch hướng, nhất là các hoạt động tại khu vực rừng dừa nước; trình trạng bát nháo, ồn ào dù có giảm nhưng vẫn còn tiếp diễn. Những hoạt động “sân khấu karaoke” ngoài trời; bứt lá dừa làm quà tặng cho khách; khai thác các sinh vật không cần thiết; gia tăng chất thải… làm tổn hại đến môi trường vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm trong thời gian gần.
Ông Nguyễn Văn Vũ - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng sự khác nhau giữa du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác chính là gắn du lịch với kinh tế và bảo tồn. Trong đó 6 chỉ số mà du lịch sinh thái hướng đến gồm: tác động tiêu cực nhỏ nhất đến môi trường và con người; nâng cao nhận thức về tự nhiên và văn hóa khu vực; hỗ trợ hoạt động bảo tồn; người dân địa phương có vai trò nòng cốt trong việc quyết định và thực hiện; mang lợi ích kinh tế và lợi ích khác đến cộng đồng; tạo cơ hội để người dân địa phương hiểu biết hơn về môi trường của họ. “Những hoạt động đánh bắt, săn bắt, thay đổi hiện trạng, tác động trực tiếp, thô bạo vào thiên nhiên không phải là du lịch sinh thái” - ông Vũ nói.
Theo định nghĩa của Tổng cục Du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Ông Phan Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, đây là định nghĩa bao quát để Quảng Nam nghiên cứu khi triển khai vì du lịch sinh thái là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường, qua đó tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương, có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn.
“Có 7 đặc điểm cơ bản mà thế giới vẫn áp dụng cho du lịch sinh thái bao gồm: du lịch đến các khu vực thiên nhiên; có tác động nhỏ nhất đến môi trường tự nhiên và nhân văn; xây dựng những nhận thức về môi trường; cung cấp nguồn tài chính trực tiếp cho việc bảo tồn; cung cấp lợi ích tài chính và vị thế xã hội cho người dân địa phương; tôn trọng văn hóa bản địa; ủng hộ quyền con người; phong trào dân chủ… Khi nào những tiêu chí này được áp dụng thì mô hình đó mới thực sự là du lịch sinh thái” - ông Thanh dẫn giải.
VĨNH LỘC