Thi đua, thiết thực từ cơ sở

HÀN GIANG - THÀNH CÔNG 11/06/2018 09:35

Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu những điển hình tiêu biểu trong số 33 gương thi đua yêu nước  được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, tổ chức hôm nay 11.6 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Nam.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Cách đây không lâu, trong đơn góp ý, người dân phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) phản ánh tình trạng trâu bò nuôi thả rông phóng uế gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực lăng mộ cụ Trần Thuyết. Trong một đơn góp ý khác, người dân bày tỏ nguyện vọng mong chính quyền phường An Sơn sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ tại tổ đoàn kết số 4 thuộc khối phố 5. Sau khi nhận được các nội dung phản ánh, UBND phường An Sơn đã kịp thời giải quyết.

Ông Phạm Công Chức giới thiệu mô hình Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đặt trước cổng UBND phường An Sơn, Tam Kỳ. Ảnh: NG.ĐOAN
Ông Phạm Công Chức giới thiệu mô hình Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đặt trước cổng UBND phường An Sơn, Tam Kỳ. Ảnh: NG.ĐOAN

Ông Phạm Công Chức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường An Sơn cho biết, trên đây là hai nội dung đơn thư nhận được sau gần 2 tháng triển khai mô hình “Hòm thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” do hội thực hiện. Để người dân dễ nắm bắt, thực hiện tốt việc góp ý, phản ánh qua đơn thư, tại hòm thư góp ý đặt trước cổng UBND phường An Sơn, Hội CCB phường trích lược quy chế và đính kèm trang trọng trên bảng rộng. “Vào chiều thứ Sáu hàng tuần, tôi sẽ mở hòm thư để kiểm tra trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo đảng ủy, chính quyền phường. Nếu có đơn góp ý, tôi sẽ tập hợp, phân loại để chuyển cho đồng chí Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND phường xem xét chỉ đạo giải quyết. Sau đó có thông báo kết quả cho chủ thể của đơn thư góp ý biết. Việc ra mắt mô hình này của Hội CCB phường An Sơn không ngoài mong muốn tạo thêm một kênh tiếp nhận phản hồi từ thực tiễn; góp phần phát huy dân chủ cơ sở, vận động nhân dân địa phương tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh” - ông Chức chia sẻ.

Thời gian qua, Hội CCB phường An Sơn, trong đó có cá nhân ông Phạm Công Chức luôn thể thể hiện rõ vai trò người đứng đầu, gương mẫu, được các tổ chức hội cấp trên ghi nhận là điển hình tiêu biểu trong hoạt động, gắn với nhiều việc làm thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại cơ sở. Có thể kể đến như việc thực hành tiết kiệm, đỡ đầu con CCB khó khăn; vận động thực hiện công trình dân sinh; xây dựng bồn bảo vệ cây xanh trên các tuyến phố; lập bảng thuyết minh tên đường... “Bản thân tôi cũng như các hội viên CCB phường không ngừng phấn đấu phát huy truyền thống của người lính Cụ Hồ, luôn gương mẫu, hưởng ứng tích cực những phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động; cụ thể hóa bằng việc xây dựng mô hình thiết thực, hiệu quả” - ông Chức nói.

SÂU SÁT VỚI CƠ SỞ

Thấm nhuần lời dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” của Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) luôn suy nghĩ tìm cách đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động tại cơ sở. Trong đó, tuyên truyền dưới hình thức “sân khấu hóa” mang lại hiệu quả cao nên bản thân bà Yến tập trung đầu tư, gợi ý, hướng dẫn cho các khu dân cư, trường học làm tốt công tác tuyên truyền theo hình thức này. Chính việc lồng ghép nội dung cần tuyên truyền vào các tiểu phẩm vui mà sâu sắc, gần gũi với thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân... đã có sức thu hút và đi vào lòng người. Qua đó, tạo nhận thức trong nhân dân về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua tại địa phương; chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Núi Thành (thứ 3, bên phải) trao chứng nhận ra mắt mô hình điểm “Khu dân cư tự quản phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Núi Thành (thứ 3, bên phải) trao chứng nhận ra mắt mô hình điểm “Khu dân cư tự quản phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” năm 2018.

Ngoài ra, bản thân bà Yến cũng thường xuyên sâu sát cơ sở, phối hợp cùng các đoàn thể có liên quan để tuyên truyền, vận động; đồng thời quan tâm tổ chức các cuộc đối thoại giữa nhân dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết rốt ráo những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Qua các cuộc đối thoại trực tiếp, nhiều ý kiến của nhân dân được lãnh đạo địa phương ghi nhận, giải đáp, chỉ đạo tập trung giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Nhờ vậy, nhân dân địa phương chấp hành tốt chủ trương, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng thi công 12 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thị trấn. “Trong 4 năm qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, bản thân tôi không ngừng phấn đấu tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, thường xuyên gần gũi nhân dân hơn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để tham mưu cho lãnh đạo địa phương giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương” - bà Yến tâm tình.

NỮ QUÂN NHÂN CẦN MẪN

Không như hình dung của nhiều người về một nghề văn thư có vẻ nhàm chán và đơn điệu, Đại úy Đào Thị Hồng Phước (SN 1971, phụ trách bộ phận văn thư - bảo mật của văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tự tìm lấy niềm yêu của mình với công việc, và truyền được cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp của mình.

Đại úy Đào Thị Hồng Phước tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An. Ảnh: THANH TƯỜNG
Đại úy Đào Thị Hồng Phước tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An. Ảnh: THANH TƯỜNG

Phụ trách bộ phận văn thư - bảo mật với ngồn ngộn khối lượng công việc, Đại úy Đào Thị Hồng Phước vẫn chủ động sắp xếp được thời gian giải quyết một cách hài hòa và linh hoạt. Xác định là “người phục vụ”, chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, không nề hà bất cứ phần việc nào được giao. Trong công tác, không chỉ thường xuyên theo dõi công tác văn thư, bảo mật, lưu trữ của đơn vị, chị còn dành thời gian hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho đồng nghiệp, kịp thời tham mưu chấn chỉnh những sai sót. “Với lượng văn bản đi và đến khổng lồ, tôi luôn cố gắng xử lý văn bản đảm bảo nhanh chóng, chính xác theo quy định, đồng thời phải thực hiện thường xuyên việc thu hồi tài liệu theo quy định, tiến hành chỉnh lý và giao nộp hồ sơ có chất lượng về kho lưu trữ quân khu. Có thời điểm nhiệm vụ nhiều, thời gian gấp, tôi luôn đồng hành, động viên anh chị em trong bộ phận làm việc tích cực cả ngày đêm, với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, miễn sao công việc không bị ùn tắc, phục vụ kịp thời cho mọi nhiệm vụ” - chị Hồng Phước chia sẻ.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Đại úy Đào Thị Hồng Phước còn đảm đương trọng trách Chủ tịch Hội phụ nữ của đơn vị. Với đặc thù hội viên phân tán ở nhiều đơn vị, có nơi chỉ có một hội viên, nên việc “giữ lửa” công tác hội cũng là một thử thách không nhỏ cho chị. Nhưng bằng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, chị Phước tìm mọi cách để thắp lửa phong trào, chính mình đi đầu để vực dậy nhiệt huyết trong chị em. Các hoạt động phong trào trở thành động lực thúc đẩy hội viên gần gũi, gắn bó và tâm huyết hơn với hội. Từ những suy nghĩ, tìm tòi, Đại úy Đào Thị Hồng Phước mạnh dạn đổi mới các hình thức hoạt động của hội như tọa đàm, giao lưu, truyền thông, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn nghệ, thể thao. Chị còn sáng lập “Câu lạc bộ phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca”, đồng thời tổ chức nhiều đợt thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các địa bàn miền núi, biên giới của tỉnh, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Đại úy Đào Thị Hồng Phước như một “người truyền lửa”. Cảm hứng của chị đã lan tỏa, tiếp nối, từ sự cần mẫn của một cán bộ văn thư…

KHỞI NGHIỆP BẰNG UY TÍN, NIỀM TIN

Sau khi rời giảng đường đại học, kinh qua nhiều công việc với mức lương cao, nhưng anh Huỳnh Đức Tường quê xã Tam Thái (Phú Ninh) lại chọn cho mình một ngả rẽ khiến nhiều người bất ngờ. Bởi bản thân anh luôn tự nhủ, mình phải làm một điều gì đó cho riêng mình, không bị phụ thuộc vào người khác bằng vốn kiến thức đã được trang bị. Huỳnh Đức Tường chia sẻ, mình luôn trăn trở vì sao số người chết vì căn bệnh ung thư hay ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra và ngày càng gia tăng? Người dân hay thanh niên ở nhiều nơi không mạnh dạn đầu tư trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, trong khi đó vấn đề luôn được mọi người quan tâm nhất là sức khỏe? Chính những suy nghĩ này đã thôi thúc anh Tường thuê 7.000m2 đất tại thôn Tây Yên (xã Tam Đàn, Phú Ninh) để đầu tư mở nhà lưới trồng rau an toàn theo mô hình VietGAP và thành lập Hợp tác xã Thực phẩm sạch Phú Ninh. Ngoài việc phát triển rau xanh hữu cơ an toàn, anh Tường còn kết hợp chăn nuôi heo, gà, vịt thương phẩm với mô hình khép kín. Để tạo uy tín cho khách hàng và đảm bảo trong quá trình trồng và chăm sóc cây rau không xảy ra sự cố, anh lắp đặt camera trong toàn bộ khu nhà lưới và cung cấp cho khách hàng mỗi người một mật khẩu truy cập để có thể giám sát toàn bộ quá trình xuống giống, chăm sóc và thu hoạch. “Rau bán được hay không là nằm ở uy tín của mình, khi xây dựng trang trại phải tạo được niềm tin tốt nhất cho khách hàng và thương hiệu sản phẩm mình tạo ra” - anh Tường nói.

Anh Huỳnh Đức Tường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau hữu cơ cho người lao động. Ảnh: HÀN GIANG
Anh Huỳnh Đức Tường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau hữu cơ cho người lao động. Ảnh: HÀN GIANG

Qua hơn một năm hoạt động, Hợp tác xã Thực phẩm sạch Phú Ninh của anh Tường đã liên kết với nhiều hộ thanh niên chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ khác trên địa bàn huyện nhằm mở rộng mô hình. Qua đó, cung cấp con giống, cây giống... và bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra cho bà con nông dân, hộ thanh niên. “Trong quá trình sản xuất, tôi luôn động viên, và không ngại chia sẻ kinh nghiệm mình đúc kết được, cũng như sẵn sàng hỗ trợ giống và kỹ thuật cho các bạn thanh niên địa phương lựa chọn mô hình sản xuất thực phẩm sạch để phát triển kinh tế gia đình” - anh Tường tâm sự.

Hiện nay, hợp tác xã của chàng giám đốc 33 tuổi này giải quyết việc làm cho 23 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình “Cà phê sách” ở số 5 Nguyễn Chí Thanh, TP.Tam Kỳ do anh Tường thành lập cũng không ngoài mục đích cung cấp sách hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên trong bước đầu lựa chọn khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm của mình, anh Huỳnh Đức Tường đúc kết: “Để có được thành công, bên cạnh sự đồng thuận ủng hộ của gia đình, đòi hỏi bản thân phải có quyết tâm và kiên trì với mô hình đã được lựa chọn”.

DẤU CHÂN KHÔNG MỎI

Nhận nhiệm vụ tại Phòng phòng chống ma túy và tội phạm ngay từ khi thành lập vào năm 2009, lúc mới vừa 26 tuổi, hành trình công tác của Đại úy Đinh Công Anh - Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh dày đặc những chuyến đi. Lên rừng, xuống biển, hễ có án là đi. “Đặc thù của lính đặc nhiệm là vậy. Có thể nhận lệnh bất cứ lúc nào, hễ cứ có nguồn tin trinh sát, là đi. Ba lô làm bạn, đích đến có thể gần, nhưng cũng có thể là thăm thẳm hàng chục cây số đường rừng, trong đêm, phải ngủ giữa rừng ngay trên vùng vành đai biên giới” - Đại úy Đinh Công Anh chia sẻ. Không chỉ thường xuyên nắm địa bàn, phát hiện kịp thời thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn 2 tuyến biên giới, từ những chuyến đi, anh đưa ra dự báo sát đúng thực trạng tình hình hoạt động của tội phạm. Trong số đó, phần lớn là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nguy hiểm… Hàng loạt chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm được Đại úy Đinh Công Anh tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy phòng, từ đó viết nên những chiến công.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ an ninh biên giới.Ảnh: B.P
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ an ninh biên giới.Ảnh: B.P

Gần đây nhất, vào những ngày cận kề Tết Mậu Tuất, anh vẫn lặng lẽ theo dõi, nắm tình hình về đường dây mua bán trái phép chất ma túy quy mô lớn do Nguyễn Văn Xá (SN 1968, trú xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) cầm đầu. Vừa chủ động trao đổi thông tin với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Phòng 9 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an, anh vừa tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng chuyên án phối hợp để đấu tranh. Ngày 5.2.2018, anh cùng đồng nghiệp các đơn vị phối hợp bắt quả tang Trương Xuân Hùng (SN 1964, trú thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) vận chuyển trái phép 2 bánh heroin, 190 viên ma túy tổng hợp. Cùng với những chứng cứ, tài liệu thu thập được trước đó, ban chuyên án mở rộng điều tra, bắt giữ Nguyễn Văn Xá, triệt phá toàn bộ chuyên án. Đó chỉ là một trong 16 chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ về ma túy và vật liệu nổ mà Đại úy Đinh Công Anh trực tiếp chỉ đạo và tham gia đấu tranh thành công.

Ngoài tham gia chỉ đạo, đấu tranh các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm về ma túy và vật liệu nổ, Đại úy Đinh Công Anh còn trực tiếp phát hiện, bắt giữ và tham mưu chỉ huy các cấp xử lý nhiều vụ vi phạm hành chính, trong đó bắt giữ xử lý 2 vụ vận chuyển thuốc lá lậu, 6 vụ vận chuyển trái phép dầu DO với hơn 7.200 lít, 2 vụ vận chuyển trái phép pháo nổ cùng nhiều vụ việc khác.

NGƯỜI DẪN DẮT PHONG TRÀO

Cách đây 4 năm, thấu hiểu những khó khăn của học sinh, sinh viên tại địa phương, Bí thư Đoàn xã Bình Đào (Thăng Bình) Trần Hữu Việt đã mạnh dạn đề xuất Ban Chấp hành Đoàn xã và lãnh đạo địa phương vận động, kêu gọi thực hiện chương trình “Thắp sáng ước mơ - tuổi trẻ Bình Đào”. Theo đó tham mưu cho Đoàn xã Bình Đào ban hành thư kêu gọi gửi đến các tổ chức, doanh nghiệp và mạnh thường quân ở khắp nơi để vận động ủng hộ, bên cạnh đó còn kêu gọi sự hỗ trợ qua kênh mạng xã hội facebook của Đoàn xã. Anh Trần Hữu Việt cho biết, thông qua 3 chương trình văn nghệ gây quỹ “Thắp sáng ước mơ - tuổi trẻ Bình Đào” với quy mô lớn đã vận động và trao tặng hơn 300 suất học bổng với số tiền hơn 350 triệu đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của xã. Đặc biệt, ấn tượng với ý nghĩa thiết thực của chương trình, anh Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty VIDAN tại TP.Hồ Chí Minh đã cam kết hỗ trợ Đoàn xã mỗi năm 50 triệu đồng, liên tục trong 12 năm, để góp phần duy trì việc trao học bổng cho học sinh, sinh viên địa phương.

Bí thư Đoàn xã Bình Đào - Trần Hữu Việt cùng học sinh là Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu của xã dâng hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ huyện.  Ảnh: NG.ĐOAN
Bí thư Đoàn xã Bình Đào - Trần Hữu Việt cùng học sinh là Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu của xã dâng hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ huyện. Ảnh: NG.ĐOAN

Dấu ấn hoạt động của Đoàn xã Bình Đào còn thể hiện rõ nét trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở các tiêu chí, Ban Chấp hành Đoàn xã đã đăng ký thực hiện nhiều phần việc cụ thể như: thực hiện công trình điện thắp sáng tại các nhà sinh hoạt văn hóa thôn, phục vụ cho thanh niên và nhân dân sinh hoạt vào buổi tối; nhận thi công 1,5km đường giao thông nông thôn và 1,8km bê tông kênh mương nội đồng phục vụ dẫn nước tưới cho 35ha với hơn 600 ngày công. Tuổi trẻ Bình Đào còn phối hợp vận động làm mới 2 sân bóng chuyền với kinh phí 45 triệu đồng; kêu gọi hỗ trợ và đến nay đã hỗ trợ thiết bị điện cho 100 hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương với kinh phí hơn 50 triệu đồng...

Hoạt động của Đoàn xã Bình Đào qua các năm luôn là đơn vị xuất sắc và nằm trong tốp dẫn đầu của huyện. Trong các thành tích và dấu ấn hoạt động của Đoàn xã Bình Đào thời gian qua có sự đóng góp tích cực của thủ lĩnh Trần Hữu Việt với vai trò vừa là người tham mưu, vừa dẫn dắt các phong trào của đoàn. Năm 2017, Trần Hữu Việt vinh dự là một trong 87 thanh niên trong cả nước được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng. “Bản thân là cán bộ trẻ, lại được giao phụ trách một lĩnh vực rất đặc thù là đoàn thanh niên, đòi hỏi yếu tố phải năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, do đó tôi luôn nghiên cứu, học tập và tìm ra những công việc, cách làm hay để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn hoạt động tại địa phương” - anh Việt bày tỏ.

HÀN GIANG - THÀNH CÔNG

HÀN GIANG - THÀNH CÔNG