Quốc hội thảo luận Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Chiều 7.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 7 chương, 48 điều, trong đó có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như: sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 3 năm xuống còn 2 năm; không quy định về Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy như Luật Công an nhân dân hiện hành; quán triệt chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), hiện nay số đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy là 1.065, số đơn vị chưa được bố trí là 8.516. Để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy hiện có đảm nhận các chức danh công an xã.
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam thống nhất chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy tại khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật. Theo đại biểu Phan Việt Cường, việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là cần thiết, có thể kịp thời xử lý các tình huống về an ninh, trật tự phát sinh ở địa phương, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Phan Việt Cường cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc thực hiện chủ trương này nhưng không làm tăng thêm quân số và biên chế ngành công an; đồng thời, cần đảm bảo nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nơi làm việc cho công an cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về quy định bậc trần quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại là đơn vị hành chính loại 1 tại điểm d khoản 1 Điều 26 dự thảo luật, đại biểu Phan Việt Cường cho rằng nên giữ nguyên trần quân hàm cao nhất là đại tá như Luật Công an nhân dân hiện hành để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và tương đồng với trần quân hàm của chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đại biểu Phan Việt Cường nêu một số vướng mắc trong việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo công an cấp phòng và công an cấp huyện thời gian vừa qua. Do đó, đề nghị quy định bổ sung vào dự thảo luật thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh trong việc chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo công an cấp phòng và công an cấp huyện để địa phương chủ động thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, phục vụ nhu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đại biểu Lê Ngọc Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam đồng tình với quan điểm giữ nguyên trần quân hàm cao nhất là đại tá đối với giám đốc công an cấp tỉnh như Luật Công an nhân dân hiện hành. Bên cạnh đó, đại biểu Lê Ngọc Hải cho rằng dự thảo luật giao thẩm quyền thực hiện quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ trì thực hiện quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, quản lý xuất cảnh của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật; kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu cho Bộ Công an là không phù hợp chủ trương của Đảng và quy định của Luật Quốc phòng (sửa đổi). Theo đó, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
DUY MAI