Chung tay vì người nghèo
Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai ở nhiều địa phương, cấp ngành. Mỗi nơi mỗi cách làm, chung tay, đồng hành giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Sự vào cuộc của Hội LHPN huyện Hiệp Đức đã giúp chị Nguyễn Thị Mộng Tuyên thoát được cái nghèo. Ảnh: D.L |
Mở đúng “nút thắt”
Để đến nhà của chị Nguyễn Thị Mộng Tuyên (khối phố An Bắc, thị trấn Tân An, Hiệp Đức), từ trung tâm thị trấn chúng tôi phải đi quanh quẩn rẽ mấy lần đường. Căn nhà của chị Tuyên ở gần cuối con đường, nằm lọt thỏm giữa rừng keo. Chồng đã đi chạy xe lôi chở keo thuê cho người ta, chị Tuyên đang ở nhà may quần áo để kịp giao cho khách hàng. Từ ngày được Hội LHPN huyện Hiệp Đức hỗ trợ chiếc máy may, chị Tuyên mới có việc làm và thu nhập ổn định. Chị Tuyên tâm sự: “Trước khi có chồng, tôi có nghề may, đi làm công nhân ở nhà máy. Nhưng có chồng rồi có con, không ai trông con nên tôi phải ở nhà, không đi làm được nữa. Chỉ mình chồng đi làm nuôi cả nhà nên gia cảnh túng thiếu. Giữa năm 2017, Hội LHPN thị trấn và huyện đến khảo sát, nhận đỡ đầu giúp tôi thoát nghèo. Khi hỏi ước nguyện, tôi mong muốn có chiếc máy may để mưu sinh với tay nghề đã có nên hội hỗ trợ ngay. Tôi ở nhà nhận may quần áo nên cũng có thêm nguồn thu nhập”. Nhận đồ về may tại nhà, chị Tuyên vừa có thể trông con, lại còn nuôi được thêm đàn gà trong vườn, 2 con bò trong chuồng. Khi đã ổn định thu nhập, chị Tuyên bàn với chồng (lúc đó ai kêu gì làm nấy) vay ngân hàng 50 triệu đồng theo diện chính sách hộ nghèo để mua chiếc xe lôi chở hàng, chở keo, củi thuê. Đến cuối năm 2017, gia đình chị Tuyên đã ra khỏi diện hộ nghèo.
Đồng hành với hội viên phụ nữ nghèo, giúp họ không bị tụt lại phía sau đang là phong trào thi đua mạnh mẽ ở Hiệp Đức. Kể từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm các cấp Hội LHPN huyện Hiệp Đức nhận đỡ đầu 35 - 40 hội viên để giúp họ thoát nghèo bền vững. Bà Phạm Thị Như Lan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Đức cho biết, mỗi nơi một cách làm nhưng đều hướng đến giúp đỡ hội viên phụ nữ thoát nghèo. Ngoài các cách làm truyền thống như kêu gọi hội viên chung tay thực hiện mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tre tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”… để tạo kinh phí hỗ trợ; tùy theo nhu cầu của hội viên nghèo, đơn vị nhận đỡ đầu sẽ trao sinh kế phù hợp như hỗ trợ bò, heo, gà vịt, tủ bán hàng, máy may công nghiệp, cây giống… “Trong suốt chặng đường giúp đỡ, các cấp hội còn phân công cán bộ bám sát, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp, động viên để hội viên có thêm nghị lực vươn lên. Chúng ta có tác động tích cực vào đúng nguyên nhân nghèo thì mới giúp hội viên thoát nghèo được” - bà Lan chia sẻ.
Giúp người yếu thế
Đồng hành với những hộ nghèo là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, từ lâu đã trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ của các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh. Như gia đình bà Lưu Thị Nhung ở thôn Thanh Sơn, xã Bình Định Nam (Thăng Bình). Bà Nhung có người con gái là Nguyễn Thị Nở bị khuyết tật bẩm sinh, thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Sau khi khảo sát nắm tình hình, nhận định hộ bà Nhung vẫn còn điều kiện để vươn lên thoát nghèo, Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình vào cuộc hỗ trợ. Năm 2015 Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ gia đình bà Nhung con bò cái; qua thời gian chăm sóc, đến nay bò đang chuẩn bị đẻ lứa thứ hai. Bà Nhung chia sẻ: “Tôi chọn nhận hỗ trợ bò giống để chồng tôi có thể giữ được vì phù hợp với người lớn tuổi. Nhờ sự hỗ trợ này, cùng với cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã thường xuyên động viên, thăm hỏi và giúp đỡ thêm bằng nhiều cách, năm 2017 gia đình tôi đã thoát nghèo qua diện cận nghèo và đang tiếp tục phấn đấu vươn lên”. Chỉ là một bước tiến nhỏ, nhưng với gia đình bà Nhung đó là cả một hành trình của sự cố gắng và quyết tâm. Bà Nhung nói rằng vì còn có người con khuyết tật nặng nên mới ở diện cận nghèo, và gia đình bà đang quyết tâm tiến thêm một bước nữa để thoát nghèo trong thời gian tới.
Hay như hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Thu ở xã Bình Đào (Thăng Bình). Bà Thu sống neo đơn trong căn nhà tạm bợ, lại thuộc diện khuyết tật, thường ngày đi bán vé số nuôi thân. Năm 2017, khi Hội Chữ thập đỏ huyện khảo sát tìm hiểu, bà Thu mong muốn được hỗ trợ một căn nhà để có thể mở quầy hàng tạp hóa nhỏ buôn bán. Ngay sau đó Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ công thợ, vật liệu xây dựng của bà con hàng xóm, bà Thu đã có được căn nhà mới. Bà Thu mở quầy tạp hóa buôn bán tại nhà, không phải đi lại vất vả như những ngày còn bán vé số. Vừa có thu nhập ổn định từ quầy tạp hóa, vừa được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật, bà Thu quyết thoát khỏi diện hộ nghèo trong năm 2018 này.
Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình cho rằng, hộ nghèo neo đơn, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… tuy là những người yếu thế trong xã hội, nhưng nếu có sự giúp đỡ đúng hướng, họ có thể vượt lên được nghịch cảnh, thậm chí vươn lên thoát nghèo. “Các cấp Hội Chữ thập đỏ huyện chủ yếu giúp đỡ phương tiện sinh kế phù hợp với hoàn cảnh của từng người, từng dạng khuyết tật, có thể là hỗ trợ nhà nhân ái, trao cây con giống hay các phương tiện làm ăn khác. Sự giúp đỡ dù ít dù nhiều cũng tạo được đòn bẩy để họ vượt lên, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống”.
DIỄM LỆ