Chưa thống nhất quy định giám đốc công an cấp tỉnh đeo hàm thiếu tướng

KỲ DUYÊN 07/06/2018 11:00

(QNO) - Trong phần trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi sáng 7.6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - ông Võ Trọng Việt cho rằng, những ý kiến về việc nên hay không nên quy định hàm tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh vẫn đang còn rất khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội
Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Bộ máy phải theo hướng thu gọn đầu mối, bỏ cấp trung gian

Theo Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, khi bàn về dự án Luật CAND sửa đổi thì nhiều đại biểu băn khoăn xoay quanh các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an các tỉnh, thành. Qua tổng hợp, có thể tóm lại thành 3 nhóm ý kiến.

Cụ thể: nhóm ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo vì cho rằng việc quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay. Mặt khác quy định đó cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Tuy nhiên, việc xác định giám đốc công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong luật.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị, quy định tất cả giám đốc công an cấp tỉnh phải đeo hàm thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của giám đốc công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an cũng như các cục thuộc bộ. Quy định như vậy cũng sẽ bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an, bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo công an cấp tỉnh, và vẫn bảo đảm tổng số tướng của lực lượng công an theo xác định của cấp có thẩm quyền.

Nhóm ý kiến thứ ba thì không nhất trí như quy định của dự thảo luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh, để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương. Mặt khác sẽ có nguy cơ tăng số lượng cấp tướng.

Trên ý kiến của đại biểu, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng vấn đề này là rất hệ trọng nên cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Hiện nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian. “Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu.

Chính quy hóa công an cấp xã

Một điểm mới trong dự thảo Luật CAND sửa đổi lần này là quy định chính quy hóa công an cấp xã, thị trấn tại Điều 18.

Về quy định này, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội bày tỏ tán thành. Tuy nhiên, đề nghị quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa hai luật.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ, chính sách.

Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng đây là nội dung mới có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy.

KỲ DUYÊN

KỲ DUYÊN